- Gửi hàng xe khách phải cung cấp đầy đủ, chính xác 6 thông tin; Quy định mới về nhập khẩu xe ô tô không nhằm mục đích thương mại; Hạn cuối chi trả tiền hỗ trợ COVID-19 từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp… là những chính sách mới sẽ chính thức có hiệu lực từ tháng 9 này.
Gửi hàng xe khách phải cung cấp đầy đủ, chính xác 6 thông tin
Chính phủ đã ban hành Nghị định 47/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/1/2020 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Theo đó, từ ngày 1/9/2022, người gửi hàng trên xe khách phải cung cấp đầy đủ, chính xác 6 thông tin.
Cụ thể, Điều 1, Nghị định 47/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP như: Bổ sung điểm đ khoản 3 Điều 11: "Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, lái xe, nhân viên phục vụ trên xe (nếu có) khi nhận hàng hóa ký gửi xe ô tô (người gửi hàng hóa không đi theo xe) phải yêu cầu người gửi hàng hóa cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin về: Tên hàng hóa, cân nặng (nếu có), họ và tên, địa chỉ, số chứng minh thư nhân dân/số thẻ căn cước công dân, số điện thoại liên hệ của người gửi và người nhận.
Nghị định 47/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 3 Điều 12 như sau: "Thông tin từ thiết bị giám sát hành trình của xe được sử dụng trong quản lý nhà nước về hoạt động vận tải, quản lý hoạt động của đơn vị kinh doanh vận tải và được kết nối, chia sẻ với Bộ Công an (Cục Cảnh sát giao thông), Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan) để thực hiện quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông; an ninh, trật tự; thuế; phòng, chống buôn lậu.".
Quy định mới về nhập khẩu xe ôtô không nhằm mục đích thương mại
Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 45/2022/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư số 143/2015/TT-BTC ngày 11/9/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định thủ tục hải quan và quản lý xe ô tô, xe gắn máy của các đối tượng được phép nhập khẩu, tạm nhập khẩu không nhằm mục đích thương mại. Thông tư có hiệu lực từ 10/9/2022.
Theo đó, Thông tư số 45/2022/TT-BTC quy định xe gắn máy đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe mô tô, xe gắn máy (QCVN 14:2015/BGTVT). Chính sách quản lý xe ô tô, xe gắn máy nhập khẩu, tạm nhập khẩu theo hình thức quà biếu, quà tặng, hàng mẫu, tài sản di chuyển thực hiện theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Trường hợp Bản đăng ký kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu (đối với ô tô), Bản đăng ký kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe mô tô, xe gắn máy/động cơ xe mô tô, xe gắn máy nhập khẩu (đối với xe gắn máy), Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu (đối với xe ô tô), Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe mô tô, xe gắn máy nhập khẩu (đối với xe gắn máy) được cơ quan kiểm tra chuyên ngành gửi qua Cổng thông tin một cửa quốc gia thì người khai hải quan không phải nộp khi làm thủ tục hải quan.
Hạn cuối chi trả tiền hỗ trợ COVID-19 từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp
Để đảm bảo tiền hỗ trợ COVID-19 từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp được chi trả đầy đủ và kịp thời đến tay những người lao động, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 24/2022/UBTVQH15 về tiếp tục chi trả hỗ trợ đối với người lao động chịu ảnh hưởng của COVID-19 theo Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15.
Theo Nghị quyết 24, Chính phủ sẽ được giao nhiệm vụ triển khai việc chi trả tiền hỗ trợ cho người lao động với tổng số tiền là khoảng 1.155 tỷ đồng từ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đến hết năm 2021.
Số tiền này sẽ được chi trả cho những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm ngày 30/9/2021 hoặc đã dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp do chấm dứt hợp đồng lao động từ ngày 01/01/2020 đến ngày 30/9/2021 có thời gian đóng bảo hiểm được bảo lưu, đồng thời đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp đúng hạn trong năm 2021 mà chưa nhận hoặc chưa nhận đủ tiền trợ cấp từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Theo Nghị quyết 24, hạn cuối phải hoàn thành việc chi trả hỗ trợ cho người lao động được ấn định vào ngày 10/9/2022.
Quy định mới về quản lý ngoại hối đối với phát hành trái phiếu quốc tế
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 10/2022/TT-NHNN hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với việc phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh.
Thông tư này quy định về thủ tục đăng ký, đăng ký thay đổi khoản phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh; các nội dung khác về quản lý ngoại hối liên quan đến khoản vay nước ngoài dưới hình thức phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế thực hiện theo quy định về quản lý ngoại hối đối với việc vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp.
Thông tư nêu rõ cơ sở để xem xét, xác nhận đăng ký khoản phát hành trái phiếu quốc tế là giá trị khoản phát hành trái phiếu quốc tế nằm trong tổng hạn mức vay thương mại nước ngoài tự vay, tự trả hàng năm do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tổ chức phát hành tuân thủ và đáp ứng đầy đủ các quy định hiện hành về điều kiện vay nước ngoài, quản lý ngoại hối đối với hoạt động vay, trả nợ nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh, các quy định hiện hành của pháp luật về chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/9/2022.
Minh Ngọc