Giải bài toán áp lực tăng giá xăng dầu

0
0

- Dù đã điều chỉnh giảm nhẹ trong thời gian gần đây, nhưng áp lực tăng giá với xăng dầu là hiện hữu, nhất là khi thế giới đang hứng chịu cuộc khủng hoảng năng lượng và châu Âu đang đối mặt với mùa đông khắc nghiệt sắp tới, cần tăng cường dự trữ xăng dầu.

Giá dầu đã từng tăng vọt lên mức 120 USD/thùng, vượt xa mọi dự đoán được đưa ra trước đó và không loại trừ khả năng sẽ tiếp tục tạo đỉnh mới trong thời gian tới. Tình trạng biến động giá xăng dầu tác động trực tiếp tới thu nhập, chi tiêu và đời sống của người dân cũng như doanh nghiệp do giá thành sản xuất và phân phối sản phẩm hàng hóa và dịch vụ tăng cao, làm tăng CPI.

Tại thị trường Việt Nam, theo Tổng cục Thống kê, giá xăng dầu tăng 10% thì sẽ khiến lạm phát tăng 0,36 điểm phần trăm và tăng trưởng kinh tế giảm 0,5 điểm phần trăm. Trong khi đó, giá xăng dầu trong nước phụ thuộc rất lớn vào giá xăng dầu thế giới vì nguồn cung xăng dầu trong nước không đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Những hệ lụy khi giá dầu leo dốc

Tại cuộc Toạ đàm “Biến động giá dầu và kịch bản ứng phó cho ổn định và phát triển” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 8/9, ông Lê Tuấn Anh, Vụ trưởng, Vụ Kinh tế Công nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, dự báo giá dầu thời gian tới dự báo duy trì ở mức cao, tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, khó lường. Trên cơ sở đánh giá xu hướng cung-cầu và triển vọng tăng trưởng toàn cầu, một số tổ chức quốc tế cho rằng, giá dầu sẽ đạt dao động bình quân 100 - 115 USD/thùng năm 2022, cao hơn khoảng 40 - 60% so với năm 2021 và giảm về mức 92 USD/thùng năm 2023, 80 USD/thùng vào năm 2024.

 

Giá dầu leo dốc sẽ gia tăng rủi ro, cản trở sự phục hồi kinh tế thế giới, đẩy lạm phát và nợ công nhiều nước tăng; chi tiêu cho tiêu dùng, đầu tư sẽ giảm và chi tiêu cho năng lượng sẽ tăng. Giá dầu sẽ tác động tiêu cực với các nước nhập khẩu nhiều dầu mỏ, khí đốt để phục vụ phát triển kinh tế, song sẽ có tác động tích cực với các nước xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt trên thế giới.

Đối với Việt Nam, từ năm 2015, Việt Nam trở thành nước nhập khẩu tịnh năng lượng với mức nhập khẩu tăng 30,2%/năm đối với dầu thô và 51,2%/năm đối với than trong giai đoạn 2016-2020. Do vậy, giá nhiên liệu, đặc biệt là dầu thô thế giới tăng cao sẽ gây áp lực tăng giá xăng dầu trong nước.

Cũng theo ông Lê Tuấn Anh, xăng dầu chiếm tỷ lệ cao trong tổng chi phí sản xuất của các ngành kinh tế. Chẳng hạn, trong tổng chi phí sản xuất, chi phí xăng dầu chiếm 76,73% đối với hoạt động khai thác thuỷ sản; chiếm 63,36% đối với hoạt động vận tải; 45,18% đối với khai thác than…

Khi giá xăng dầu tăng và đứng ở mức cao sẽ làm tăng chi phí đầu vào, trong khi giá bán sản phẩm hàng hoá và dịch vụ không thể tăng tương ứng vì trong và sau đại dịch sức mua của nền kinh tế yếu, tổng cầu tiêu dùng suy giảm.

Giá xăng dầu tăng trong thời gian vừa qua đã làm chi phí của doanh nghiệp vận tải tăng. Điều này đang ảnh hưởng rất mạnh đến doanh nghiệp khi mà chi phí vận tải đường bộ ước tính sẽ bị đội lên từ 4-5% làm cho chi phí nguyên vật liệu đầu vào và giá bán sản phẩm đầu ra đều bị đội lên do giá cước vận tải tăng.

Doanh nghiệp xuất nhập khẩu như da giày, dệt may, thủy sản… đang chịu áp lực từ chi phí logistics (vận tải biển) tăng cao từ 3-5 lần, khan hiếm nguồn cung nguyên vật liệu đầu vào. Ngư dân đánh bắt thủy sản không ra khơi do doanh thu không đủ bù chi phí xăng dầu, làm giảm sản lượng khai thác thủy sản và ảnh hưởng đến chủ quyền biển đảo…

Qua khảo sát nhanh các doanh nghiệp, mặc dù có sự gia tăng về doanh thu, mức độ tăng các chi phí của doanh nghiệp trong quý II/2022 so với quý liền kề và cùng kỳ năm ngoái đang ở mức cao hơn so với mức độ tăng doanh thu quý II/2022.

Theo tính toán, nếu giá dầu thô thế giới bình quân năm 2022 ở mức 100-125 USD/thùng, thì xăng dầu trong nước tăng bình quân từ 40-75%, khi đó chỉ riêng yếu tố xăng dầu tác động làm lạm phát của nền kinh tế tăng từ 1,44-2,7%.

Những chính sách, giải pháp ứng phó cho ổn định và phát triển

Trước sức ép của giá dầu, Chính phủ đã triển khai nhiều chính sách, giải pháp điều hành ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ doanh nghiệp. Việc điều hành giá xăng dầu trong nước đang bám sát theo diễn biến giá xăng dầu thế giới; đồng thời linh hoạt sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu để hạn chế tối đa mức tăng giá xăng dầu trong nước.

Phát biểu tại Tọa đàm, ông Kenya Maeda, Chuyên gia cao cấp Bộ phận Thương mại & Cung ứng dầu thô, Thị trường toàn cầu, Công ty Idemitsu Kosan chia sẻ, Idemitsu Kosan Co.,Ltd (IKC) là doanh nghiệp có lịch sử hoạt động lâu đời tại Việt Nam, bắt đầu với các hoạt động khảo sát tính khả thi trong lĩnh vực thăm dò khai thác từ năm 1989 và mở văn phòng đầu tiên tại Hà Nội vào năm 1994. Kể từ đó, IKC đã đầu tư vào nhiều lĩnh vực kinh doanh như: thăm dò và sản xuất dầu khí, lọc hóa chất, dầu nhờn, phân phối nhiên liệu, kỹ thuật và năng lượng tái tạo.

Triển vọng đối với thị trường dầu thô và các sản phẩm từ dầu mỏ chưa bình ổn do sự biến động mạnh trong giá cả, gây nên bởi đại dịch Covid và những tác động từ địa lý - chính trị. Nhiều sự kiện đặc biệt đã diễn ra tác động mạnh tới thị trường dầu mỏ, bao gồm đại dịch, diễn biến giá dầu âm lần đầu tiên, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine…

Dầu mỏ tiếp tục chiếm vị trí quan trọng trong danh mục năng lượng của tất cả các quốc gia. Để duy trì nguồn cung xăng dầu ổn định đối với khía cạnh an ninh năng lượng (ngay cả trong thị trường mà không có triển vọng ổn định trong tương lai), cần phải thúc đẩy toàn bộ chuỗi cung ứng đối với các sản phẩm xăng dầu, từ thu mua các nguyên liệu đầu vào, sản xuất đến bán hàng và tiêu dùng. Việc sở hữu nhà máy lọc dầu sẽ là chìa khoá để đảm bảo nguồn cung ổn định. Nhật Bản vẫn nhất quán với chính sách lọc dầu tại thị trường tiêu thụ và điều này sẽ không thay đổi trong tương lai.

Ông Kenya Maeda cũng chia sẻ: “Idemitsu là công ty dầu mỏ tư nhân, không thể tác động tới giá cả, nhưng trong thị trường đầy biến động, chúng tôi tin rằng chiến lược của mình là duy trì cung cầu ổn định với một chuỗi cung ứng mạnh mẽ.

Chúng ta cần giải pháp đồng bộ trên toàn chuỗi cung ứng, từ đó giảm chi phí, giảm giá thành. Vận dụng toàn bộ chuỗi cung ứng một cách hiệu quả. Tháng 3/2011, có thảm hoạ động đất lớn tại miền Đông Nhật Bản, toàn bộ hạ tầng kinh tế - xã hội bị phá huỷ tại khu vực này, khiến nguồn năng lượng tại đây bị gián đoạn. Trong giai đoạn đó, nhờ phát huy thế mạnh về chuỗi cung ứng mà chúng tôi đã khắc phục và xây dựng lại kinh tế sau thảm hoạ”.

Về những giải pháp kiến nghị để ổn định thị trường xăng dầu, ông Lương Văn Khôi, Phó Giám đốc, Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Chính phủ đã có nhiều giải pháp để ổn định tình hình kinh tế vĩ mô 8 tháng đầu năm. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố bất định và xu hướng của giá dầu có thể nhích hơn một chút kể từ nay tới đầu năm 2023.

Giá dầu thô thế giới tăng mạnh có tác động hai chiều tới thu - chi ngân sách nhà nước. Trong đó, thu ngân sách nhà nước (NSNN) từ dầu thô, khí thiên nhiên và chế biến dầu khí, hoạt động xuất nhập khẩu tăng. Tuy nhiên, giá xăng tăng làm tăng chi phí sản xuất kinh doanh, qua đó ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp, làm suy giảm sức mua và thu nhập khả dụng của người tiêu dùng, tác động tiêu cực tới thu NSNN và tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, các điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường cũng làm giảm thu NSNN.

Để giảm áp lực lạm phát do giá dầu, cần tính toán các dư địa để tiếp tục giảm thuế, phí trong giá bán lẻ xăng dầu hiện nay. Cân nhắc giảm thuế VAT với mặt hàng xăng dầu tới hết năm 2022 và/hoặc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu với xăng dầu như kinh nghiệm của các nước.

Ngoài ra, cần tăng cường kiểm soát giá cả thị trường. Yêu cầu doanh nghiệp công khai, minh bạch về giá cả, có các chế tài xử lý nghiêm việc giá các mặt hàng tiêu dùng tăng theo giá xăng dầu không hợp lý. Cần có giải pháp tổng thể đảm bảo nguồn cung xăng dầu (cả trong nước và nhập khẩu), điều tiết hệ thống phân phối, tránh đứt đoạn nguồn cung ảnh hưởng tới đời sống người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Kết hợp đồng bộ chính sách tiền tệ, tài khóa và chính sách kiểm soát giá để giảm thiểu tác động đến lạm phát khi triển khai Chương trình phục hồi kinh tế. Bên cạnh đó, giá nguyên liệu hoá thạch tăng cao cũng tác động rất lớn tới chính sách dịch chuyển năng lượng của các quốc gia.

Phạm Lê


Ý kiến bạn đọc


Lời cảm ơn của gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Chiều 26/7, ông Nguyễn Trọng Trường, đại diện gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc Lời cảm ơn của gia đình Tổng Bí thư tại Lễ Truy điệu.

Bức tâm thư của Phu nhân Tổng Bí thư Lào gửi Phu nhân Tổng Bí thư

(VnMedia) - VnMedia xin đăng tải toàn văn bức tâm thư của Phu nhân Tổng Bí thư Lào Naly Sisoulith gửi Phu nhân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ngô Thị Mận.

Nhớ về một người Cộng sản chân chính

(VnMedia)- Mỗi khi nghĩ về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là trong tôi hiện lên hình ảnh một người Cộng sản chân chính. Và, lúc này, tôi lại nhớ đến câu chuyện mẹ tôi vẫn kể trong những năm tháng bà còn sống về cha tôi - một người Cộng sản...

Cảnh báo chiêu trò lừa đảo tuyển người mẫu, cầu thủ nhí trên không gian mạng

(VnMedia) - Bộ Công an vừa phát đi cảnh báo về chiêu trò lừa đảo tuyển mẫu nhí, cầu thủ nhí, người đại diện thương hiệu nhằm chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng.

Giá vàng đảo chiều tăng mạnh

(VnMedia) - Chốt phiên giao dịch rạng sáng nay (24/7), giá vàng giao ngay tại thị trường New York đã đảo chiều tăng mạnh hơn 13 USD/ounce. Trong nước, chiều qua, giá vàng miếng SJC vẫn duy trì ở mốc gần 80 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.