Chỉ số VN-Index tính tới cuối phiên sáng giảm thêm hơn 17,34 điểm, xuống gần ngưỡng 1.108,73 điểm. Đây là đáy mới trong hơn 19 tháng qua. Trong khi đó, cả ba chỉ số chứng khoán Mỹ đều đang trên đà hoàn tất một tuần và một tháng giảm điểm mạnh…
Thị trường chứng khoán phiên giao dịch sáng 30/9 tiếp tục giảm mạnh. Chỉ số VN-Index tính tới cuối phiên sáng giảm thêm hơn 17,34 điểm, xuống gần ngưỡng 1.108,73 điểm. Đây là đáy mới trong hơn 19 tháng qua.
Như vậy, điểm hỗ trợ rất mạnh 1.110 điểm đã bị xuyên thủng.
Thanh khoản vẫn ở mức khá thấp, chỉ quanh ngưỡng 4.000-6.000 tỷ đồng trong buổi sáng.
Nhiều cổ phiếu trụ cột tiếp tục suy giảm, bao gồm cả các cổ phiếu bất động sản và ngân hàng.
Theo Maybank, trong phiên giao dịch liền trước, ngày 29/9, áp lực bán mạnh xuất hiện gần cuối giờ khiến chỉ số VN-Index tiếp tục đà giảm. Quá trình tìm điểm cân bằng của chỉ số vì vậy vẫn chưa hoàn tất. Vùng hỗ trợ quan trọng của chỉ số là 1.100 điểm, trạng thái ngắn hạn vẫn ở mức rất cần thận trọng. Kháng cự gần nhất của chỉ số tại vùng 1.205 điểm.
Thanh khoản trong phiên liền trước yếu với khối lượng giao dịch nằm dưới mức bình quân 20 ngày, cho thấy sự thận trọng của nhà đầu tư trong bối cảnh chưa xác nhận được điểm cân bằng.
Chỉ báo yếu và tồn tại tình trạng quá bán. Đường trung bình động MACD vẫn giảm và đang nằm dưới cả mức 0 lẫn đường tín hiệu. Các chỉ báo động lượng hoạt động ở mức yếu và đang trong vùng quá bán.
Tính tới chiều 27/9, khối nhà đầu tư nước ngoài đã chính thức đảo chiều sang bán ròng trên Sàn chứng khoán TP.HCM (HOSE), với giá trị gần 480 tỷ đồng. Trước đó, tính từ đầu năm đến cuối tháng 8/2022, khối ngoại vẫn đang là điểm sáng khi mua ròng gần 2.600 tỷ đồng.
Nguồn: Lao động |
Thị trường đang sợ hãi
Thị trường chứng khoán Mỹ lại giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (29/9), với chỉ số S&P 500 tụt xuống mức thấp mới của năm 2022. Giá dầu thô có lúc vượt 90 USD/thùng, nhưng không giữ được mốc này cho tới cuối phiên, trong lúc nhà đầu tư chờ thông tin rõ ràng hơn về ý định cắt giảm sản lượng của OPEC+.
Xu hướng bán tháo cổ phiếu năm 2022 ở Phố Wall đã trở lại với diện mạo đầy đủ trong bối cảnh thị trường lo ngại về những đợt tăng lãi suất tiếp theo của Fed, cũng như ảnh hưởng của chính sách thắt chặt đó đối với nền kinh tế và thị trường tài chính.
Điều này khiến cho S&P 500 - thước đo rộng nhất của chứng khoán Mỹ - đóng cửa với mức giảm 2,1%, còn 3.640,47 điểm. Chỉ số Dow Jones “bốc hơi” 1,54%, còn 29.225,61 điểm. Chỉ số Nasdaq sụt 2,84%, còn 10.737,51 điểm.
Apple là một trong những cổ phiếu dẫn đầu phiên giảm này, với mức giảm 4,9%, sau khi “gã khổng lồ” công nghệ đối mặt đồn đoán về sự sụt giảm nhu cầu đối với các sản phẩm mới của hãng, đặc biệt là loạt điện thoại iPhone 14. Ngân hàng Bank of America cắt giảm khuyến nghị đối với Apple, khiến áp lực mất giá đối với cổ phiếu “táo khuyết” càng thêm lớn.
Cả ba chỉ số chứng khoán Mỹ đều đang trên đà hoàn tất một tuần và một tháng giảm điểm mạnh. S&P 500 đã mất 1,4% điểm số trong 4 phiên đầu tiên của tuần, trong khi Dow Jones và Nasdaq trượt 1,2% mỗi chỉ số. Tính từ đầu tháng, S&P 500 đã mất 7,9%; Dow Jones giảm 7,2%; và Nasdaq trượt 9,1%.
“Thị trường đang sợ hãi. Nhưng về cơ bản, đó chính là điều Fed muốn: thắt chặt điều kiện tài chính. Và họ tin rằng điều đó sẽ giúp kéo lạm phát về mức mà họ cho là chấp nhận được. Và họ đang sử dụng cơ chế truyền dẫn của thị trường để làm được điều đó”, nhà quản lý quỹ Jamie Cox thuộc Harris Financial Group phát biểu.
(Tổng hợp từ VNN, Vneconomy, Lao động)