- Bộ Tài chính đã nhanh chóng đề xuất, thực thi các chính sách tài khóa nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khôi phục sản xuất - kinh doanh sau đại dịch, góp phần quan trọng cho sự phục hồi và tăng trưởng khả quan của nền kinh tế.
Theo Bộ Tài chính, sau ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức chưa có tiền lệ. Bằng sự chủ động, tích cực và quyết liệt, Bộ Tài chính đã nhanh chóng đề xuất, thực thi các chính sách tài khóa nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khôi phục sản xuất - kinh doanh sau đại dịch, góp phần quan trọng cho sự phục hồi và tăng trưởng khả quan của nền kinh tế.
Tiếp nối đà phục hồi và phát triển của 6 tháng đầu năm, kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2022 tiếp tục khởi sắc, đạt kết quả tích cực trên hầu hết các ngành, lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát trong bối cảnh chịu nhiều sức ép. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 tăng 0,4% so với tháng trước, bình quân 7 tháng tăng 2,54% so với cùng kỳ, cơ bản ổn định so với cùng kỳ từ năm 2018 đến nay.
Cùng với đó, thị trường tài chính, tiền tệ cơ bản ổn định; lãi suất, tỉ giá duy trì hợp lý; tín dụng tăng 9,42% so với cuối năm 2021 và tăng 16,6% so với cùng kỳ; các cân đối lớn được bảo đảm. Thu ngân sách nhà nước ước đạt 77,5% dự toán, tăng 18,1%.
Vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách nhà nước tháng 7 đạt 46,2 nghìn tỷ đồng, tăng 22,5% so cùng kỳ; 7 tháng đạt trên 237,6 nghìn tỷ đồng, bằng 43,3% kế hoạch, tăng 11,9% so cùng kỳ. Vốn FDI thực hiện 7 tháng đạt 11,57 tỷ USD tăng 10,2%, cao nhất từ 2018 đến nay; vốn đăng ký điều chỉnh tăng thêm 7,24 tỷ USD, tăng 59,3% so với cùng kỳ.
Về chương trình phục hồi và phát triển, Bộ Tài chính cũng cho biết, đến nay, 14/17 văn bản đã được ban hành, cơ bản tạo khuôn khổ pháp lý và hướng dẫn để sớm đưa các chính sách vào thực tiễn. Trong đó, nhiều nội dung lần đầu tiên triển khai nhưng đã được nhanh chóng xây dựng, đánh giá tác động và ban hành theo đúng quy định. Việc giải ngân các chính sách thuộc Chương trình đạt kết quả tốt, thống kê sơ bộ đạt khoảng 48 nghìn tỷ/301 nghìn tỷ.
Phát triển doanh nghiệp đạt kết quả tích cực, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động tháng 7 là 15.500 doanh nghiệp, 7 tháng là 133,7 nghìn doanh nghiệp (gấp 1,4 lần số doanh nghiệp rời khỏi thị trường). Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 7 tháng là trên 3,3 triệu tỷ đồng, tăng 37,2% so cùng kỳ.
Với tình hình kinh tế - xã hội tăng trưởng khả quan, những nỗ lực của Bộ Tài chính trong việc ban hành các chính sách tài khóa trong thời gian qua cũng được ghi nhận và đánh giá cao.
Trong đó có thể kể đến như, giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) từ ngày 1/2 đến hết ngày 31/12/2022 đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 10% (còn 8%) trừ một số hàng hóa, dịch vụ. Ước tính 7 tháng đầu năm 2022, đã giảm khoảng 21.810 tỷ đồng tiền thu từ thuế GTGT (đạt gần 45% kế hoạch). Thực hiện chính sách gia hạn thuế (quy mô 135 nghìn tỷ đồng), đến nay, đã gia hạn các loại thuế là 43.058 tỷ đồng (đạt khoảng 32% kế hoạch).
Cùng với đó, giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe ô tô lắp ráp trong nước theo Nghị định số 103/2021/NĐ-CP ngày 26/11/2021 của Chính phủ. Ước tính 7 tháng đầu năm 2022 đã thực hiện khoảng 6.555 tỷ đồng.
Giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay theo Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15 ngày 31/12/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, từ ngày 1/1 đến hết ngày 31/12/2022. Ước tính 7 tháng đầu năm 2022 đã thực hiện khoảng 737 tỷ đồng.
Giảm thuế suất thuế xuất nhập khẩu đổi với nhiều nhóm mặt hàng theo Nghị định số 101/2021/NĐ-CP ngày 15/11/2021 của Chính phủ. Ước tính 7 tháng đầu năm 2022, đã thực hiện khoảng 925 tỷ đồng.
Ngoài ra, giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo Thông tư số 120/2021/TT-BTC ngày 24/12/2021, có hiệu lực trong 6 tháng đầu năm; ước tính đã thực hiện khoảng 900 tỷ đồng.
Bộ Tài chính cũng đã báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 ngày 23/3/2022 giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, áp dụng từ ngày 1/4 đến hết ngày 31/12/2022. Với quy mô dự kiến khoảng 24 nghìn tỷ đồng, ước thực hiện 7 tháng đầu năm khoảng 8.909 tỷ đồng. Ngoài ra, do giá xăng dầu còn tăng đột biến, để kiểm soát giá cả, giảm bớt khó khăn cho nền kinh tế, Bộ Tài chính cũng đã chủ động báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục ban hành Nghị quyết về giảm kịch khung mức thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn (Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15) với quy mô dự kiến khoảng 8.000 tỷ đồng và hiện đang thực hiện.
Minh Ngọc