- Đây là kiến nghị của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt với Chính phủ tại Hội nghị toàn quốc về du lịch do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì diễn ra vào ngày 15/3 vừa qua.
Theo Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt, từ các xu hướng, kinh nghiệm của các nước cùng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế diễn ra trong tháng 12/2022, Bộ Ngoại giao đưa ra các đề xuất nhằm thúc đẩy du lịch quốc tế, nâng cao vai trò của các cơ quan đại diện ngoại giao.
Tăng cường trao đổi thông tin giữa các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) và các bộ, ngành liên quan về thông tin các thị trường khách du lịch, xu thế phát triển của du lịch và kinh nghiệm của các nước.
Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với Bộ VHTTDL, các địa phương, doanh nghiệp xúc tiến du lịch theo thị trường, khu vực và đa dạng hoá thị trường.
Đẩy mạnh kết nối, thu hút nguồn ngoại lực của các nước và tổ chức quốc tế để nâng cấp cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch, đào tạo nguồn nhân lực, chuyển đổi số; phát triển các sản phẩm du lịch mới có giá trị gia tăng cao (như du lịch Halal, du lịch sinh thái, du lịch du thuyền).
Về tạo thuận lợi cho du khách nhập cảnh, Bộ Ngoại giao kiến nghị Chính phủ xem xét mở rộng diện áp dụng của chính sách miễn thị thực đơn phương trong thời gian tới. Đồng thời, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt cho biết, Bộ đang đàm phán Hiệp định miễn thị thực với các đối tác có trình độ phát triển tương đồng hoặc cao hơn Việt Nam như các nước Mỹ La-tinh, Qatar, Kazakhstan, Mông Cổ, Maldives...
Bộ Ngoại giao cũng kiến nghị Chính phủ giao Bộ Công an tiếp tục nghiên cứu biện pháp tạo thuận lợi cho du khách nhập cảnh Việt Nam. Đồng thời, cần nghiên cứu các biện pháp tạo thuận lợi cho khách có nhu cầu xin thị thực truyền thống, không yêu cầu phải có cơ quan, tổ chức tại Việt Nam bảo lãnh đối với các trường hợp nhập cảnh ngắn ngày (tương tự như nguyên tắc cấp e-visa).
Trước đó, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt đã chia sẻ một số thông tin, kinh nghiệm về chính sách thị thực để thu hút khách quốc tế của một số nước trong khu vực và thế giới.
Theo đó, nhiều nước trên thế giới đều xác định du lịch là mũi nhọn và đều có nhu cầu phục hồi sau đại dịch, do đó tính cạnh tranh trong thu hút du lịch rất cao. Thời gian qua, các nước đã ban hành nhiều kế hoạch phục hồi du lịch, thu hút du khách quốc tế.
Ví dụ, Arab Saudi triển khai chương trình “Saudi Seasons” với 11 sự kiện lớn tổ chức trong một năm. Singapore, Indonesia, UAE cấp thị thực lưu trú dài hạn, Thái Lan cấp thị thực lên tới 10 năm để thu hút tầng lớp người giàu, người nghỉ hưu, các chuyên gia và gia đình đến đầu tư và định cư.
Tây Ban Nha, Na Uy, Đức ban hành chính sách ưu đãi, hỗ trợ tài chính như miễn thuế, hoàn thuế, giảm thuế VAT, giảm lãi suất ngân hàng cho các khoản vay của doanh nghiệp du lịch, lữ hành; tập trung nâng cấp hạ tầng như sân bay, cảng biển, khách sạn để phát triển du lịch bền vững.
Hy Lạp, Israel có chính sách hỗ trợ thu nhập và đào tạo nhân lực ngành du lịch. Hàn Quốc, Bahrain đẩy mạnh hợp tác công tư trong tiếp thị, phát triển các sản phẩm du lịch.
“Bộ Ngoại giao đánh giá cao nỗ lực của ngành du lịch trong thời gian qua, dưới sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, đã triển khai mạnh mẽ nhiều hoạt động nhằm từng bước khôi phục thị trường du lịch.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức và cần có sự chung tay, phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp để giúp ngành du lịch phục hồi sau đại dịch. Chính vì thế, Bộ Ngoại giao cho rằng việc Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tổ chức và trực tiếp chủ trì Hội nghị toàn quốc về du lịch là hết sức cần thiết và kịp thời để thúc đẩy du lịch phục hồi và phát triển bền vững”, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt nhấn mạnh.