- Một quan chức của Mỹ đã lên đường tới Nhật Bản sau khi có cuộc gặp với chính phủ Hà Lan trong một nỗ lực nhằm thúc ép các đồng minh hạn chế hơn nữa khả năng sản xuất chất bán dẫn tiên tiến của Trung Quốc, một người quen thuộc với vấn đề này hôm qua (18/6) đã tiết lộ như vậy với giới báo chí.
Ảnh minh họa |
Ông Alan Estevez – vị quan chức phụ trách về vấn đề chính sách xuất khẩu của Mỹ, một lần nữa đang tìm cách củng cố một thỏa thuận được ký kết năm 2023 giữa ba nước để ngăn không cho Trung Quốc tiếp cận với các thiết bị sản xuất chip - những thiết bị mà theo Mỹ có thể giúp Bắc Kinh hiện đại hóa quân đội của nước này.
Mỹ lần đầu tiên áp đặt các biện pháp hạn chế sâu rộng vào năm 2022 đối với các lô hàng chip tiên tiến và thiết bị sản xuất chip được gửi đến Trung Quốc từ nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới có trụ sở ở California – Nvidia; cũng như từ một trong những nhà cung cấp công cụ sản xuất chip hàng đầu thế giới - tập đoàn Lam Research.
Tháng 7 năm ngoái, để liên kết với chính sách của đồng minh Mỹ, Nhật Bản - quê hương của các nhà sản xuất thiết bị chip Nikon Corp và Tokyo Electron, đã hạn chế xuất khẩu 23 loại thiết bị, từ máy phủ màng trên tấm silicon đến các thiết bị khắc ra các mạch vi mô.
Sau đó, chính phủ Hà Lan bắt đầu tiến hành kiểm soát việc cung cấp thiết bị bán dẫn cực tím sâu (DUV) cho Trung Quốc của công ty ASML có trụ sở tại Hà Lan. Trong khi đó, Mỹ tiến hành áp đặt các hạn chế đối với việc xuất khẩu các máy DUV bổ sung cho một số nhà máy của Trung Quốc, tuyên bố họ có quyền pháp lý trong vấn đề này vì các hệ thống của ASML có chứa các bộ phận và linh kiện của Mỹ. ASML là nhà sản xuất thiết bị chip hàng đầu thế giới.
Nguồn tin cho biết, Washington hiện đang đàm phán với các đồng minh về việc bổ sung thêm 11 nhà máy sản xuất chip Trung Quốc vào danh sách phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt của nước này. Hiện có 5 nhà máy của Trung Quốc nằm trong danh sách, bao gồm SMIC - nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc, nguồn tin giấu tên cho biết thêm.
Cũng theo nguồn tin nói trên, Mỹ còn tuyên bố họ muốn kiểm soát các thiết bị sản xuất chip bổ sung.
Một phát ngôn viên của Thương mại Mỹ đã từ chối bình luận về các thông tin nói trên.
Giới chức Mỹ đã đến thăm Hà Lan vào tháng 4 mới đây trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn ASML thực hiện công việc bảo trì cho một số thiết bị ở Trung Quốc. Theo luật của Mỹ, các công ty của nước này bị cấm bảo trì thiết bị tại các nhà máy tiên tiến của Trung Quốc.
Tuy nhiên, nguồn tin cho biết, các hợp đồng dịch vụ ASML vẫn còn hiệu lực và giải thích rằng chính phủ Hà Lan không có đủ thẩm quyền để cắt bỏ chúng.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.
Gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc bị Mỹ trừng phạt - Huawei năm ngoái đã ra mắt một chiếc điện thoại được trang bị một con chip tinh vi. Huawei Mate 60 Pro được coi là biểu tượng cho sự hồi sinh công nghệ của Trung Quốc bất chấp nỗ lực kiềm chế của Washington.