- Theo nhận định của Bộ trưởng Thương mại Mỹ, nền kinh tế nước này có thể bị thiệt hại nghiêm trọng nếu Trung Quốc nắm quyền kiểm soát Tập đoàn sản xuất bán dẫn Đài Loan (TSMC).
Trở lại tháng 12/2021, các chuyên gia trong ngành công nghệ sản xuất chip lo ngại rằng, việc Trung Quốc tiếp quản TSMC sẽ khiến thế giới rơi vào tình trạng hỗn loạn. 28 tháng sau, các chuyên gia vẫn giữ nguyên nhận định này. Theo trang Tom's Hardware, Bộ trưởng Thương mại Mỹ - Gina Raimondo, trong phiên điều trần tại Hạ viện đã nói rõ rằng, nền kinh tế Mỹ sẽ bị tàn phá nếu Trung Quốc yêu cầu được nắm quyền kiểm soát xưởng đúc chip lớn nhất thế giới là TSMC.
Theo Bộ trưởng Thương mại, Mỹ phụ thuộc vào TSMC nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào phụ thuộc vào một công ty riêng lẻ. Mỹ phụ thuộc vào TSMC để có được 92% số chip hàng đầu của mình. Trong khi có nhiều xưởng sản xuất khác trên khắp thế giới, chỉ duy nhất có TSMC và Samsung Foundry là tập trung sản xuất bộ xử lý ứng dụng điện thoại thông minh tiên tiến dựa trên nút quy trình 3nm trong năm nay.
Bộ trưởng Raimondo không đưa ra dự đoán về khả năng Trung Quốc can thiệp vào Đài Loan, nhưng bà nhấn mạnh tác động nghiêm trọng mà những hành động như vậy sẽ mang lại. Trong khi Mỹ lại luôn muốn trở nên độc lập hơn trong việc sản xuất các con chip tiên tiến. Tháng trước, chính phủ Mỹ đã công bố gói hỗ trợ bao gồm khoản trợ cấp 6,6 tỷ USD và các khoản vay lãi suất thấp lên tới 5 tỷ USD, tất cả đều được kỳ vọng sẽ giúp TSMC sản xuất chip tại nhà máy nó đã được xây dựng ở Arizona, Mỹ.
Bản thân TSMC đã tăng số tiền cam kết của mình với Mỹ khi xây dựng nhà máy từ 40 tỷ USD lên 65 tỷ USD và công ty này sẽ bổ sung cơ sở sản xuất thứ ba ở đất Mỹ, dự kiến mở cửa vào năm 2030. Nhà máy đầu tiên mở ở Arizona sẽ là Fab 21 giai đoạn 1, sẽ bắt đầu sản xuất chip 4nm và 5nm vào năm 2025. Cơ sở thứ hai sẽ là nhà của Fab 21 giai đoạn 2 và sẽ bắt đầu sản xuất chip 2nm vào năm 2028. Đến cuối thập kỷ này, TSMC sẽ bắt đầu sản xuất tại Fab 21 giai đoạn 3.
Vào tháng 4 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ đã công bố thỏa thuận sơ bộ về các khoản hỗ trợ kinh tế với tổng trị giá lên đến 11,6 tỉ USD cho TSMC. Cụ thể, TSMC sẽ được chính phủ Mỹ tài trợ không hoàn lại tổng cộng 6,6 tỉ USD, đồng thời được phép vay lên đến 5 tỉ USD. Toàn bộ số tiền này nhằm hỗ trợ TSMC xây dựng ba nhà máy sản xuất chip tại bang Arizona, Mỹ.
TSMC hiện là đơn vị sản xuất bán dẫn độc lập lớn nhất thế giới, nhận gia công chip cho các hãng công nghệ hàng đầu như Apple, Qualcolmm, AMD... Hiện các cơ sở sản xuất chip của tập đoàn này chủ yếu tập trung tại Đài Loan.
Do đó, việc chi đậm cho TSMC được xem là một trong những hạng mục quan trọng nhất trong nỗ lực đưa nền công nghiệp bán dẫn về lãnh thổ nước Mỹ của chính quyền Tổng thống Joe Biden.
Gói hỗ trợ kinh tế trên nằm trong khuôn khổ Đạo luật Chip và khoa học được chính quyền ông Biden thông qua năm 2022. Đây là đạo luật tham vọng với ngân sách phân bổ lên đến 280 tỉ USD nhằm tạo động lực phát triển cho nền công nghiệp bán dẫn Mỹ. Trong đó, 39 tỉ USD sẽ được tài trợ không hoàn lại cho các công ty sản xuất chip lớn xây dựng nhà máy trên lãnh thổ Mỹ.
Trước khi thỏa thuận với TSMC được công bố, chính phủ Mỹ cũng thông qua một thỏa thuận sơ bộ khác với Intel với trị giá lên đến 20 tỉ USD tiền tài trợ và cho vay. Trong thời gian tới, Samsung cũng dự kiến sẽ nhận tài trợ lên đến hơn 6 tỉ USD.
Hải Linh