- Tuần cuối cùng của tháng 4/2024, Hệ thống kỹ thuật của NCSC đã ghi nhận TOP 10 lỗ hổng đáng chú ý, là những lỗ hổng có mức độ nghiêm trọng cao hoặc đang bị khai thác trong môi trường thực tế bởi các nhóm tấn công.
Theo ghi nhận từ Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia NCSC - Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, trong tuần cuối cùng của tháng 4/2024, các tổ chức quốc tế đã công bố và cập nhật ít nhất 529 lỗ hổng, trong đó có 160 lỗ hổng mức Cao, 193 lỗ hổng mức Trung bình, 20 lỗ hổng mức Thấp và 156 lỗ hổng chưa đánh giá. Trong đó có ít nhất 100 lỗ hổng cho phép chèn và thực thi mã lệnh.
Ngoài ra, hệ thống kỹ thuật của NCSC cũng đã ghi nhận TOP 10 lỗ hổng đáng chú ý, là những lỗ hổng có mức độ nghiêm trọng cao hoặc đang bị khai thác trong môi trường thực tế bởi các nhóm tấn công. Trong đó, đáng chú ý có 03 lỗ hổng ảnh hưởng tới các sản phẩm của Cisco và CrushFTP, cụ thể như sau:
• CVE-2024-20359 (Điểm CVSS: 6.0 - Trung bình): Lỗ hổng an toàn thông tin tồn tại trên phần mềm Cisco Adaptive Security Appliance (ASA) và Cisco Firepower Threat Defense (FTD) cho phép đối tượng tấn công thực thi mã tùy ý với đặc quyền root. Lỗ hổng tồn tại do quá trình xác thực file sai cách khi file được đọc từ bộ nhớ flash của hệ thống. Đối tượng tấn công có thể khai thác lỗ hổng này bằng cách copy file độc hại, được tạo trước vào disk0: của thiết bị. Qua đó cho phép đối tượng thực thi mã tùy ý kể cả sau khi thiết bị được khởi động lại. Hiện lỗ hổng đã có mã khai thác và đang bị khai thác trong thực tế.
• CVE-2024-20353 (Điểm CVSS: 8.6 - Cao): Lỗ hổng an toàn thông tin tồn tại trên phần mềm Cisco Adaptive Security Appliance (ASA) và Cisco Firepower Threat Defense (FTD) cho phép đối tượng tấn công thực hiện tấn công từ chối dịch vụ. Lỗ hổng tồn tại do quy trình kiểm tra lỗi thiếu hoàn thiện khi thiết bị duyệt một HTTP header. Hiện lỗ hổng đã có mã khai thác và đang bị khai thác trong thực tế.
• CVE-2024-4040 (Điểm CVSS:10 - Nghiêm trọng): Lỗ hổng chèn template tồn tại bên phía máy chủ trên CrushFTP phiên bản trước 10.7.1 và 11.1.0 trên mọi nền tảng cho phép đối tượng tấn công đọc file từ filesystem nằm ngoài VFS Sandbox, bỏ qua biện pháp xác thực để đạt được quyền quản trị và thực thi mã từ xa trên máy chủ. Hiện lỗ hổng đã có mã khai thác và đang bị khai thác trong thực tế.
Tuần cuối cùng của tháng tư, tại Việt Nam, theo ghi nhận, có rất nhiều máy chủ, thiết bị có thể trở thành nguồn phát tán tấn công DRDoS. Trong tuần có 40.172 (giảm so với tuần trước 40.763) thiết bị có khả năng bị huy động và trở thành nguồn tấn công DRDoS. Các thiết bị này đang mở sử dụng các dịch vụ NTP (123), DNS (53), Chargen (19).
Trong tuần, có 157 trường hợp tấn công vào trang/cổng thông tin điện tử của Việt Nam: 117 trường hợp tấn công lừa đảo (Phishing), 40 trường hợp tấn công cài cắm mã độc.
Trên thế giới có nhiều địa chỉ IP/domain độc hại được các nhóm đối tượng tấn công sử dụng làm máy chủ C&C trong botnet. Những địa chỉ này cho phép nhóm đối tượng điều khiển thiết bị thuộc các mạng botnet để thực hiện các hành vi trái phép như triển khai tấn công DDoS, phát tán mã độc, gửi thư rác, truy cập và đánh cắp dữ liệu trên thiết bị.
Trong tuần, ghi nhận 20 địa chỉ IP/domain thuộc botnet có ảnh hưởng tới người dùng Việt Nam. Trong tuần đã có 293 phản ánh trường hợp lừa đảo do người dùng Internet Việt Nam phản ánh về Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) qua hệ thống tại địa chỉ https://canhbao.khonggianmang.vn. Qua kiểm tra, phân tích có nhiều trường hợp lừa đảo giả mạo các tổ chức, doanh nghiệp, nhà cung cấp, dịch vụ lớn như: Các mạng xã hội, ngân hàng, thư điện tử...
Danh sách website lừa đảo |
Theo khuyến cáo từ NCSC, đối với các điểm yếu, lỗ hổng trong phần Lỗ hổng bảo mật, đơn vị cần lưu ý theo dõi và cập nhật bản vá cho các lỗ hổng liên quan đến sản phẩm đang sử dụng. Ngoài ra, các đơn vị chủ động cập nhật các thông tin về các rủi ro an toàn thông tin mạng tại địa chỉ https://alert.khonggianmang.vn.
Đối với các nguy cơ về tấn công từ chối dịch vụ, tấn công web, đơn vị cần rà soát, hạn chế tối đa việc mở các cổng dịch vụ có thể bị lợi dụng để thực hiện tấn công từ chối dịch vụ; thường xuyên kiểm tra, rà soát máy chủ web để kịp thời phát hiện và xử lý nguy cơ tấn công. Bên cạnh đó, đối với các IP/tên miền được đề cập trong mục Danh sách IP/tên miền độc hại có nhiều kết nối từ Việt Nam, đơn vị cần kiểm tra và xử lý các thiết bị trong toàn bộ hệ thống mạng nếu có dấu hiệu kết nối đến các tên miền độc hại mà Cục ATTT đã chia sẻ.
Đối với các website giả mạo, NCSC đề nghị các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp cần chủ động rà quét, phát hiện sớm các website lừa đảo giả mạo tổ chức của mình, cảnh báo sớm đến người dùng của nhằm ngăn chặn các hoạt động lừa đảo đến người dùng, đảm bảo an toàn thông tin cho người dùng, bảo vệ chính thương hiệu của tổ chức.
PV