- Một công ty thiết kế và kỹ thuật đa quốc gia của Anh – Arup, công ty tạo ra các tòa nhà nổi tiếng thế giới như Nhà hát Opera Sydney, vừa lên tiếng xác nhận họ là mục tiêu của một vụ lừa đảo deepfake khiến một trong những nhân viên ở Hồng Kông của họ phải trả 25 triệu USD cho những kẻ lừa đảo.
Người phát ngôn của công ty Arup có trụ sở tại London hôm nay (17/5) cho biết, họ đã báo cáo cho cảnh sát Hồng Kông vào tháng 1 về vụ lừa đảo và xác nhận rằng giọng nói và hình ảnh giả đã được sử dụng.
“Thật không may, chúng tôi không thể đi vào chi tiết ở giai đoạn này vì vụ việc vẫn đang là đối tượng của một cuộc điều tra đang diễn ra. Tuy nhiên, chúng tôi có thể xác nhận rằng giọng nói và hình ảnh giả mạo đã được sử dụng”, người phát ngôn cho biết trong một tuyên bố gửi qua email.
Người này nói thêm rằng: “Sự ổn định tài chính và hoạt động kinh doanh của chúng tôi không bị ảnh hưởng và không có hệ thống nội bộ nào của chúng tôi bị xâm phạm”.
Cảnh sát Hồng Kông hồi tháng 2 cho biết, trong vụ lừa đảo phức tạp nói trên, một nhân viên tài chính đã bị lừa tham gia một cuộc gọi điện video với những người mà anh ta tin là giám đốc tài chính và các nhân viên khác, nhưng tất cả đều là sản phẩm giả mạo do công nghệ deepfake tạo ra. Giới chức Hồng Kông không nêu tên công ty hoặc các bên liên quan vào thời điểm đó.
Theo cảnh sát, ban đầu người nhân viên này nghi ngờ rằng anh ta đã nhận được một email lừa đảo từ văn phòng công ty ở Anh, vì nó chỉ rõ sự cần thiết phải thực hiện một giao dịch bí mật. Tuy nhiên, người nhân viên này đã gạt bỏ nghi ngờ của mình sau cuộc gọi điện video vì những người khác có mặt trong cuộc gọi trông giống như những đồng nghiệp mà anh ta nhận ra.
Sau đó, người nhân viên đã đồng ý gửi tổng cộng 200 triệu đô la Hồng Kông - khoảng 25,6 triệu USD. Số tiền này đã được gửi qua 15 giao dịch, đài truyền hình công cộng Hồng Kông RTHK dẫn lời cảnh sát đưa tin.
“Deepfake” thường dùng để chỉ các video giả mạo được tạo bằng trí tuệ nhân tạo (AI) và trông cực kỳ chân thực.