- Theo Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Tài chính của Huawei - bà Mạnh Vãn Chu, APAC không chỉ là một trong những khu vực sôi động nhất thế giới, mà còn là hình mẫu về nỗ lực chuyển đổi số và phát triển nền kinh tế số cho các khu vực khác...
Trong một phát biểu trực tuyến của mình tại Hội nghị Kỹ thuật số và Thông minh Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (APAC) do Huawei và Quỹ ASEAN Foundation đồng tổ chức tại Bangkok diễn ra vào cuối tháng 4 vừa qua, bà Mạnh Vãn Chu - Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Tài chính của Huawei cho hay, Huawei rất vinh dự được tham gia hỗ trợ, làm việc cùng các khách hàng và đối tác nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số khắp khu vực APAC.
Theo bà Mạnh Vãn Chu, Huawei rất chú trọng vào việc nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo thông qua việc đầu tư hơn 138 tỷ USD vào R&D trong suốt thập kỷ qua. Trong tương lai, chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung vào việc tạo ra giá trị cho khách hàng, đồng thời hợp tác cởi mở với các đối tác nhằm cung cấp các dịch vụ 5.5G, Cloud, Digital Power và nhiều công nghệ khác. “Chúng tôi muốn góp phần mang lại lợi ích của công nghệ kỹ thuật số thông minh cho người dân trên khắp khu vực APAC, thúc đẩy sự phát triển tích hợp giữa nền kinh tế số và nền kinh tế thực”.
Được biết, Hội nghị Kỹ thuật số và Thông minh Khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC) do Huawei và Quỹ ASEAN Foundation đồng tổ chức tại Bangkok đã thu hút sự tham gia của hơn 2.000 quan chức chính phủ, chuyên gia và các đối tác từ 15 quốc gia và khu vực. Tại hội nghị, các bên đã cùng nhau trao đổi, thảo luận về việc triển khai cơ sở hạ tầng kỹ thuật số thông minh tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Nền kinh tế số APAC đang phát triển thịnh vượng. Các quốc gia và khu vực đang tích cực khám phá trí thông minh để thúc đẩy phát triển kỹ thuật số. Nhờ những nỗ lực đổi mới sáng tạo công nghệ, Huawei đã hỗ trợ chuyển đổi số thành công cho hơn 100.000 đối tác, xây dựng nền tảng cơ sở hạ tầng mạng và trung tâm dữ liệu hàng đầu cho khu vực. Cụ thể, Huawei cùng với các đối tác đã xây dựng OpenLabs - Phòng thí nghiệm đổi mới 5G và các nền tảng khác nhằm đáp ứng nhu cầu kinh doanh của khách hàng doanh nghiệp tại địa phương.
Tại Hội nghị, Ông Nararya S. Soeprapto - Phó Tổng thư ký ASEAN về các vấn đề Cộng đồng và Doanh nghiệp cho biết: "Với Hiệp định Khung Kinh tế Kỹ thuật số ASEAN (Digital Economy Agreement - DEFA) dự kiến sẽ hoàn thiện vào năm 2025, cộng đồng doanh nghiệp và xã hội sẽ được trao quyền để khai phóng tối đa tiềm năng của các dịch vụ kỹ thuật số và công nghệ mới như Trí tuệ nhân tạo AI và Điện toán đám mây Cloud, nhằm đảm bảo một tương lai kỹ thuật số thành công trên toàn khu vực. Các chính phủ, khu vực tư nhân và các đối tác liên quan phải tiếp cận có chiến lược nhằm tăng cường kết nối số, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các quốc gia thành viên, phát triển năng lực và thúc đẩy chuyển đổi số trong khu vực”.
Sau hội nghị này, Huawei cho biết tiếp tục tổ chức 04 hội nghị: Hội nghị Thượng đỉnh Mạng Huawei (Huawei Network Summit), Diễn đàn Đổi mới Cơ sở hạ tầng dữ liệu (Innovative Data Infrastructure Forum), Hội nghị Thượng đỉnh Quang học toàn cầu (Global Optical Summit), và Hội nghị Thượng đỉnh Huawei Cloud Stack (Huawei Cloud Stack Summit). Đồng thời, Huawei sẽ cùng các đối tác, tổ chức 07 sự kiện lớn nhằm ra mắt hàng loạt giải pháp dựa trên kịch bản cao tần trên thị trường thương mại và các sản phẩm mới trong lĩnh vực phân phối, đồng thời vinh danh những đối tác xuất sắc tại Đêm Đối tác APAC. Ngoài ra, Huawei cũng công bố các giải pháp công nghiệp tại Hội nghị thượng đỉnh ISP Toàn cầu khu vực APAC, cũng như Hội nghị thượng đỉnh Doanh nghiệp lớn và Sản xuất Toàn cầu.
Phạm Lê