- Trong cuộc điện đàm hôm thứ Ba tuần này, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thảo luận về việc thúc đẩy thoái vốn của Công ty TikTok tại Mỹ.
Sau cuộc gọi nói trên, cùng với cuộc thảo luận trực tiếp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo của Mỹ và Trung Quốc kể từ tháng 11 năm ngoái, người phát ngôn Nhà Trắng John Kirby xác nhận rằng TikTok thực sự là một chủ đề của cuộc trò chuyện.
Tổng thống Biden nhắc lại với Chủ tịch Tập Cận Bình về những lo ngại của ông khi quyền sở hữu của Trung Quốc đối với ứng dụng chia sẻ video phổ biến nhất thế giới này.
Ông Kirby giải thích rằng, “Đây không phải là lệnh cấm ứng dụng mà là lợi ích của chúng tôi trong việc thoái vốn, để lợi ích an ninh quốc gia và bảo mật dữ liệu của người dân Mỹ có thể được bảo vệ”.
Tháng trước, dự luật được Hạ viện Mỹ thông qua cho ByteDance, công ty mẹ của TikTok, thời hạn 6 tháng để thoái vốn ở Mỹ, nếu không sẽ bị cấm.
Cụ thể, 352 hạ nghị sĩ, bao gồm các thành viên của Đảng Dân chủ, đã gật đầu thông qua dự luật. Chỉ có 65 phiếu chống trong cuộc bỏ phiếu ngày 13-3. Đây là một trong số ít dự luật nhận được sự ủng hộ từ cả Đảng Dân chủ lẫn Đảng Cộng hòa - những người đang kiểm soát Hạ viện.
Dự luật này yêu cầu công ty mẹ của TikTok là ByteDance (có trụ sở tại Trung Quốc) phải thoái vốn nếu không muốn bị cấm ở Mỹ.
Không rõ liệu Trung Quốc có chấp thuận bất kỳ thương vụ mua bán nào hay liệu tài sản ở Mỹ của TikTok có thể được thoái vốn sau 6 tháng hay không.
Tổng thống Biden cho biết ông sẽ phê chuẩn dự luật. Tuy nhiên, theo hãng tin Reuters, dự luật vẫn còn chờ phải được thông qua tại Thượng viện, nơi một số nghị sĩ muốn những cách khác để quản lý các ứng dụng thuộc sở hữu nước ngoài có rủi ro an ninh quốc gia.
Nếu mọi thứ diễn ra theo kế hoạch (dự luật được thông qua và Tổng thống Joe Biden ký phê chuẩn dự luật), ByteDance sẽ có thời hạn 165 ngày để thoái vốn khỏi TikTok. Nếu không chuyển quyền kiểm soát TikTok cho một công ty có trụ sở tại Mỹ, nền tảng này có thể sẽ bị xóa khỏi các cửa hàng ứng dụng di động của Apple và Google, hoặc không được cung cấp dịch vụ lưu trữ web một cách hợp pháp tại Mỹ.
Mọi chuyện bắt đầu khi Ủy ban Năng lượng và Thương mại Mỹ thực hiện cuộc bỏ phiếu với tỉ lệ ủng hộ 50/0, thể hiện động lực quan trọng nhất cho cuộc đàn áp của Mỹ đối với TikTok - ứng dụng vốn có khoảng 170 triệu người dùng trên khắp nước Mỹ . Trước đó, vào năm 2020, Tổng thống Donald Trump đã từng cố gắng cấm ứng dụng này nhưng không thành công.
Những người đứng đầu của TikTok cho biết, họ chưa và sẽ không chia sẻ dữ liệu của người dùng Mỹ với chính phủ Trung Quốc. TikTok cho rằng dự luật nói trên giống như một lệnh cấm và không rõ liệu Trung Quốc có chấp thuận bất kỳ giao dịch mua bán nào hay không hay liệu TikTok có thể bị thoái vốn sau sáu tháng.
Sau cuộc bỏ phiếu của Hạ viện Mỹ, đại diện Công ty mẹ ByteDance cho biết, đạo luật này có một kết quả được xác định trước là lệnh cấm hoàn toàn TikTok ở Mỹ. Chính phủ Mỹ đang cố gắng tước bỏ quyền tự do ngôn luận theo Hiến pháp của 170 triệu người Mỹ. Điều này sẽ gây thiệt hại cho hàng triệu doanh nghiệp, từ chối khán giả của các nghệ sĩ và phá hủy sinh kế của vô số nhà sáng tạo trên khắp đất nước."
Trước cuộc bỏ phiếu, các nhà lập pháp Mỹ đã có một cuộc họp kín mà trong đó họ được thông báo ngắn gọn về những lo ngại liên quan đến an ninh quốc gia xoay quanh vấn đề quyền sở hữu của người Trung Quốc đối với TikTok.
Làn sóng người dùng TikTok đã gọi điện dồn dập tới cơ quan đại diện Quốc hội Mỹ để kêu gọi các nhà lập pháp không ủng hộ biện pháp này sau khi ứng dụng TikTok cảnh báo người dùng rằng nó có thể bị cấm.
Hải Linh