Nhật Bản tìm kiếm đầu tư vào AI, chất bán dẫn từ các công ty Mỹ

0
0

 - Từng được coi là thách thức kinh tế lớn nhất của Mỹ, Nhật Bản hiện đang tìm cách hợp tác với nền kinh tế lớn nhất thế giới bằng cách kêu gọi trực tiếp các nhà điều hành Mỹ đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ mới nổi của quốc gia châu Á này, bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI), chất bán dẫn và năng lượng sạch.

Thủ tướng Fumio Kishida

Phát biểu tại Washington trong bữa trưa với các Giám đốc điều hành (CEO) các doanh nghiệp của Mỹ, Thủ tướng Fumio Kishida cho biết, Nhật Bản hoan nghênh sự hợp tác của Mỹ trong “công nghệ quan trọng và mới nổi” và đảm bảo với họ rằng mọi khoản đầu tư sẽ được thực hiện theo cả hai hướng.

Nhà lãnh đạo Nhật Bản đã nói rằng: “Sự tăng trưởng kinh tế mà đất nước chúng tôi đạt được thông qua các khoản đầu tư của các bạn sẽ đóng vai trò là nguồn tài trợ cho các khoản đầu tư tiếp theo vào nước Mỹ của các thực thể Nhật Bản”.

Thủ tướng Kishida đang có chuyến thăm đến Mỹ để tham dự hội nghị thượng đỉnh diễn ra vào ngày hôm qua (10/4) với Tổng thống Joe Biden. Hội nghị này được cho là sẽ tập trung vào hai nội dung quan trọng là quan hệ hợp tác kinh tế và quốc phòng giữa hai quốc gia đồng minh.

Thủ tướng Kishida cho biết, năm ngoái, đầu tư trực tiếp nước ngoài của Nhật Bản vào Mỹ đã vượt quá 750 tỷ USD, đưa Nhật Bản trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Mỹ và tạo ra hơn 1 triệu việc làm.

Ngay trước bữa trưa giữa Nhà lãnh đạo Nhật Bản với các CEO của Mỹ, gã khổng lồ công nghệ Microsoft đã công bố kế hoạch đầu tư 2,9 tỷ USD để tăng cường cơ sở hạ tầng điện toán đám mây và AI tại Nhật Bản, đồng thời mở phòng thí nghiệm Microsoft Research Asia đầu tiên tại quốc gia này. Đây được cho là khoản đầu tư lớn nhất từ ​​trước đến nay của công ty vào nền kinh tế lớn thứ hai châu Á.

Chủ tịch Tập đoàn Microsoft Brad Smith đã tham dự sự kiện này cùng với hơn chục giám đốc điều hành khác, trong đó có Phó Chủ tịch IBM (IBM) Gary Cohn; Giám đốc điều hành Micron Technology (MU) Sanjay Mehrotra; Giám đốc điều hành Quốc phòng, Không gian & An ninh Boeing (BA) Ted Colbert và Giám đốc điều hành Pfizer (PFE) Albert Bourla.

Hợp tác trong lĩnh vực bán dẫn

Tại sự kiện ăn trưa do Phòng Thương mại Mỹ ở Washington tổ chức, Thủ tướng Kishida đã ca ngợi sự đầu tư chung giữa Mỹ và Nhật Bản trong ngành bán dẫn. Rapidus, nhà sản xuất chip được Tokyo hậu thuẫn, đang hợp tác với IBM để đưa công nghệ chip tiên tiến đến Nhật Bản.

“Trong lĩnh vực bán dẫn, Rapidus đang hợp tác với một công ty Mỹ để nghiên cứu và phát triển chip thế hệ tiếp theo. Và chắc chắn sẽ có nhiều cơ hội hợp tác như vậy hơn nữa giữa Nhật Bản và Mỹ,” ông Kishida nói thêm.

Đầu tháng này, Bộ Công nghiệp Nhật Bản đã phê duyệt khoản trợ cấp trị giá lên tới 590 tỷ yên (3,9 tỷ USD) cho Rapidus. Con số này cao hơn khoản trợ cấp khoảng 330 tỷ yên (2,17 tỷ USD) đã được chính phủ cam kết trước đó.

Sử dụng công nghệ của IBM, Rapidus đang xây dựng một nhà máy chế tạo chất bán dẫn trên đảo Hokkaido. Nhà sản xuất chip trước đó đã nói với CNN rằng họ đặt mục tiêu bắt đầu sản xuất thử nghiệm chip 2 nanomet từ tháng 4 năm 2025, với việc sản xuất hàng loạt dự kiến ​​sẽ bắt đầu vào năm 2027.

Nhật Bản từng thống trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu nhưng đã mất vị trí dẫn đầu từ nhiều năm trước vào tay TSMC, Intel (INTC) và Samsung.

Đầu tư của Rapidus đánh dấu sự trở lại của Nhật Bản trong lĩnh vực sản xuất chip. Diễn biến này diễn ra trong bối cảnh Washington tăng cường các biện pháp hạn chế Trung Quốc tiếp cận với các loại chất bán dẫn của các công ty Mỹ.

Sự cạnh tranh công nghệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới ngày càng nóng lên trong những năm gần đây. Trong năm qua, Mỹ đã tranh thủ các đồng minh ở châu Âu và châu Á, bao gồm cả Nhật Bản, để hạn chế bán thiết bị sản xuất chip tiên tiến cho Trung Quốc.

Trong khi ở Mỹ, ông Kishida cũng tìm cách xóa tan nghi ngờ về sức mạnh của nền kinh tế Nhật Bản, vốn đã mất vị trí nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào tay Đức vào đầu năm nay. Ông nói: “Chúng tôi hy vọng rằng năm 2024 sẽ là năm để nền kinh tế Nhật Bản hoàn toàn thoát khỏi tâm lý giảm phát, cắt giảm chi phí và giảm quy mô - những yếu tố đã đè nặng lên nền kinh tế của đất nước chúng tôi trong thời gian qua”.

Tháng trước, Nhật Bản đã chấm dứt kỷ nguyên lãi suất âm với lần tăng lãi suất đầu tiên sau 17 năm, đánh dấu sự thay đổi lịch sử khỏi chương trình nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ được thực hiện nhiều năm trước để chống giảm phát kinh niên.

Kiệt Linh

Ý kiến bạn đọc


Lời cảm ơn của gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Chiều 26/7, ông Nguyễn Trọng Trường, đại diện gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc Lời cảm ơn của gia đình Tổng Bí thư tại Lễ Truy điệu.

Bức tâm thư của Phu nhân Tổng Bí thư Lào gửi Phu nhân Tổng Bí thư

(VnMedia) - VnMedia xin đăng tải toàn văn bức tâm thư của Phu nhân Tổng Bí thư Lào Naly Sisoulith gửi Phu nhân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ngô Thị Mận.

Nhớ về một người Cộng sản chân chính

(VnMedia)- Mỗi khi nghĩ về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là trong tôi hiện lên hình ảnh một người Cộng sản chân chính. Và, lúc này, tôi lại nhớ đến câu chuyện mẹ tôi vẫn kể trong những năm tháng bà còn sống về cha tôi - một người Cộng sản...

Cảnh báo chiêu trò lừa đảo tuyển người mẫu, cầu thủ nhí trên không gian mạng

(VnMedia) - Bộ Công an vừa phát đi cảnh báo về chiêu trò lừa đảo tuyển mẫu nhí, cầu thủ nhí, người đại diện thương hiệu nhằm chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng.

Giá vàng đảo chiều tăng mạnh

(VnMedia) - Chốt phiên giao dịch rạng sáng nay (24/7), giá vàng giao ngay tại thị trường New York đã đảo chiều tăng mạnh hơn 13 USD/ounce. Trong nước, chiều qua, giá vàng miếng SJC vẫn duy trì ở mốc gần 80 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.