- Từ việc đại tu các nền tảng trực tuyến đến kỹ thuật hậu trường, Google, Apple, Amazon, Microsoft, Meta và chủ sở hữu của TikTok - ByteDance đã nỗ lực trong sáu tháng qua để tìm cách đáp ứng việc tuân thủ các quy tắc công nghệ mang tính bước ngoặt mà EU đưa ra và có hiệu lực từ ngày hôm nay (7/3).
Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA) là một trong những hành động pháp lý toàn diện nhất nhằm kiềm chế cái gọi là “Big Tech” – các công ty công nghệ lớn và dự kiến sẽ định hình lại ngành công nghệ toàn cầu sau nhiều thập kỷ tăng trưởng không ngừng.
Những lời chỉ trích từ các đối thủ và người dùng cũng như những bình luận cảnh báo từ các cơ quan giám sát cho thấy một vài trong số sáu công ty công nghệ lớn nói trên có thể nằm trong tầm ngắm của cơ quan quản lý về khả năng không tuân thủ các quy định trong những tháng tới.
Nếu bất kỳ gã khổng lồ công nghệ nào trong số sáu gã khổng lồ công nghệ Google, Apple, Amazon, Microsoft, Meta và ByteDance không tuân thủ Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA) trước thời hạn thứ Năm (7/3) của EU, họ có thể phải đối mặt với mức phạt lên tới 10% doanh thu toàn cầu của mình.
Apple bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi DMA, buộc nhà sản xuất iPhone phải mở hệ sinh thái khép kín của mình như cho phép các nhà phát triển phần mềm phân phối ứng dụng của họ cho người dùng ở Liên minh Châu Âu bên ngoài App Store của chính họ.
Tuy nhiên, việc đưa ra các khoản phí mới như "phí công nghệ cốt lõi" 50 xu euro cho mỗi tài khoản người dùng mỗi năm ngay cả khi các nhà phát triển chọn không sử dụng App Store hoặc hệ thống thanh toán của Apple đã lọt vào tầm ngắm của người đứng đầu chống độc quyền của EU Margrethe Vestager.
Bà Vestager cho biết hồi đầu tuần này rằng các cơ cấu phí mới không nên làm suy yếu động lực khuyến khích các doanh nghiệp chuyển sang đối thủ, sau khi đưa ra khoản phạt 1,84 tỷ euro (2 tỷ USD) cho Apple vì ngăn cản Spotify hiển thị các tùy chọn thanh toán khác bên ngoài App Store của nó. Apple cho biết họ sẽ kháng cáo quyết định này và từ chối đưa ra bình luận thêm.
Trong khi đó, các đối thủ như dịch vụ email Thụy Sĩ Proton cho biết nỗ lực tuân thủ của Apple chưa đi đủ xa.
Với tám dịch vụ nền tảng cốt lõi tuân theo DMA, nhiều hơn bất kỳ công ty nào khác và mặc dù đã cử hàng nghìn kỹ sư công nghệ làm việc để đạt được mục tiêu tuân thủ các quy định của EU, Google của Alphabet vẫn có nguy cơ bị điều tra.
Việc công ty bắt buộc phải sửa đổi các kết quả tìm kiếm sẽ mang lại lợi ích cho các công cụ tổng hợp như Booking.com và Expedia, giúp chúng được chú ý hơn và do đó có lưu lượng truy cập trực tuyến nhờ hoạt động vận động hành lang tích cực của họ với Google.
Điều đó đã gây ra xích mích với các khách sạn, hãng hàng không và nhà hàng, với một số người dự đoán sẽ mất tới 50% lưu lượng truy cập trực tuyến và có thể mất hàng triệu euro doanh thu khi người dùng bị thu hút bởi các trung gian trực tuyến lớn. Google từ chối bình luận về vấn đề này.
Meta – công ty vừa cho biết người dùng Instagram và Facebook sẽ được hỏi liệu dữ liệu của họ có thể được chia sẻ giữa các dịch vụ của họ hay không, cũng đối mặt với nguy cơ bị điều tra. Meta cũng từ chối bình luận về thông tin này.
Microsoft, Amazon và ByteDance ban đầu có thể ít bị giám sát hơn khi các cơ quan quản lý của EU tập trung nguồn lực vào một hoặc hai trường hợp và đảm bảo trường hợp đó có thể chịu được thách thức pháp lý, những nguồn tin quen thuộc với vấn đề tiết lộ. Microsoft và Amazon từ chối bình luận trong khi ByteDance không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.
Áp lực yêu cầu một cuộc điều tra của EU cũng đến từ chính một số công ty trong số sáu công ty lớn.
Ít nhất một trong 6 gã khổng lồ công nghệ đã nói với Ủy ban Châu Âu rằng thật không công bằng khi phải tuân theo các quy tắc của DMA trong khi một đối thủ của họ lại có thể bỏ qua các quy tắc đó, một nguồn tin có hiểu biết trực tiếp về vấn đề này cho hay.
Không giống như các cuộc điều tra chống độc quyền của EU có thể mất nhiều năm để hoàn thành, các cơ quan thực thi DMA chỉ có một năm để đưa ra kết luận của mình.