Meta cho biết họ sẽ ngừng trả tiền các hãng tin Úc cho nội dung xuất hiện trên Facebook. Sự việc này có thể gây ra một cuộc đấu tranh mới giữa Meta và nước từng đầu tiên trên thế giới buộc các công ty công nghệ lớn (Big Tech) phải trả tiền cho nội dung báo chí.
Các hãng tin và chính quyền Úc từng lập luận rằng Facebook và Google được hưởng lợi từ doanh thu quảng cáo nhờ các liên kết và nội dung báo chí xuất hiện trên nền tảng của họ. Tuy nhiên, Meta gần đây đã chủ động giảm mạnh việc đề xuất tin tức báo chí trên các nền tảng của mình, như Facebook và Instagram.
Thậm chí, Meta còn nói rằng họ sẽ ngừng thanh tin tức (tab News) trên Facebook nhằm quảng bá nội dung báo chí ở Úc và Mỹ, đồng thời cho biết trong một tuyên bố họ đã loại bỏ thanh tin tức vào năm ngoái ở Vương quốc Anh, Pháp và Đức. Meta gần đây cũng đã chặn tin tức ở Canada khi nước này thông qua luật trả tiền cho báo chí vào năm 2023.
Do đó, “chúng tôi sẽ không tham gia vào các thỏa thuận thương mại mới cho nội dung tin tức truyền thống ở các quốc gia này và sẽ không cung cấp các sản phẩm Facebook mới dành riêng cho các nhà xuất bản tin tức”, tuyên bố của Meta cho biết thêm.
Thủ tướng Úc Anthony Albanese nói với các phóng viên: “Ý tưởng... thu lợi từ khoản đầu tư của người khác, không chỉ không đầu tư vốn mà còn không đầu tư vào con người, không đầu tư vào báo chí là không công bằng... Đó không phải cách làm của người Úc”.
Chính phủ Úc đang tìm kiếm lời khuyên từ Bộ Tài chính và Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Úc (ACCC) để thực hiện các bước tiếp theo sau tuyên bố của Meta. Rod Sims, cựu chủ tịch ACCC, người giám sát việc thiết kế luật, gọi sự thay đổi của Meta là ích kỷ và lo ngại về tác động đối với xã hội vì quyết định này làm suy giảm báo chí chính thống trên mạng xã hội.
Theo các điều luật và thỏa thuận giữa các Big Tech và báo chí hồi năm 2021, hầu hết các hợp đồng của Meta với truyền thông Úc đều chỉ kéo dài ba năm và sẽ hết hạn vào năm 2024.
Các phương tiện truyền thông lớn nhất của Úc chỉ trích quyết định của Meta và gọi đây là một cuộc tấn công vào báo chí. News Corp cho biết rằng “Meta đang sử dụng sức mạnh thị trường to lớn của mình để từ chối đàm phán” và chính quyền Úc cần phải can thiệp.
CEO Mike Sneesby của Nine Entertainment, công ty sở hữu các tờ báo nổi tiếng Sydney Morning Herald và Australian Financial Review, cho biết quyết định này không thừa nhận giá trị của truyền thông chính thống.
Mặc dù giá trị các thương vụ giữa Meta và báo chí Úc không được tiết lộ nhưng các phương tiện truyền thông đã đưa tin rằng Facebook đang trả khoảng 70 triệu đô la Úc (45 triệu USD) mỗi năm cho ngành báo chí nước này.
Ngoài Úc, Canada và sắp tới có thể là Mỹ và Liên minh châu Âu, một số quốc gia ở những khu vực khác cũng đang yêu cầu Big Tech trả tiền cho báo chí. Indonesia tháng trước cho biết họ cũng có kế hoạch buộc các công ty công nghệ lớn phải trả tiền cho nội dung tin tức ở nước này.
(theo Công luận Online)