Theo tác giả Rod Sims của Trường Chính sách công Crawford, thông báo của Meta là một hành động kiêu ngạo và gây tổn hại chung.
Biểu tượng của Tập đoàn Meta. Ảnh: AFP/TTXVN
Giáo sư Rod Sims tại Trường Chính sách công Crawford có bài viết nhận định về thông báo gần đây của Meta rằng họ sẽ không tham gia thỏa thuận thương mại mới đối với các nội dung truyền thông theo Bộ luật thỏa thuận truyền thông tin tức của Australia (NMBC).
Theo tác giả, thông báo của Meta là một hành động kiêu ngạo và gây tổn hại chung. “Gã khổng lồ” công nghệ này cũng từ chối thương lượng với các cơ quan xuất bản tin tức của Canada và chặn quyền truy cập tin tức của người dùng trên các nền tảng Facebook để phản đối Đạo luật tin tức trực tuyến ở Canada.
Facebook của Meta đã phát triển như một nền tảng cung cấp nhiều loại nội dung về thông tin và xã hội thông qua News Feed và cho cho phép người dùng đăng nội dung cho những người dùng khác cùng xem, bao gồm cả nội dung truyền thông. NMBC đã có hiệu lực từ tháng 3/2021, trong đó đưa ra yêu cầu tất cả các nền tảng số được chỉ định phải đàm phán một cách thiện chí với các cơ quan xuất bản tin tức của Australia. Trường hợp không đạt thỏa thuận về thanh toán cho nội dung truyền thông sẽ được giải quyết thông qua trọng tài độc lập.
Đạo luật tin tức trực tuyến của Canada cũng đã có hiệu lực từ tháng 12/2023, trong đó cũng yêu cầu Meta và Google phải đàm phán với các nhà xuất bản tin tức của Canada để trả tiền cho những nội dung báo chí được đăng trên các nền tảng này.
Logic của NMBC, giống như Đạo luật tin tức trực tuyến của Canada được ban hành vào năm ngoái, là cả Google và Facebook đã có được quyền lực ở các thị trường này. Họ cung cấp các dịch vụ mà người tiêu dùng sử dụng, nhưng không phải thanh toán bằng tiền, mà người tiêu dùng cung cấp dữ liệu và sở thích của mình cho các công ty này để các nền tảng số sử dụng với mục đích quảng cáo và sau đó hai công ty trên sẽ thu về những khoảng lợi nhuận khổng lồ từ việc quảng cáo đó.
Về bản chất mô hình kinh doanh này dùng nội dung của người khác để thu hút người dùng đến với các nền tảng của họ. Canada và Australia đều muốn thuyết phục các nền tảng truyền thông trả tiền cho những nội dung của cơ quan báo chí được đăng trên các nền tảng đó, nếu các nền tảng không muốn trả tiền họ sẽ chặn mọi nội dung báo chí và chỉ sử dụng các nội dung xã hội khác để tránh bị các quy định điều chỉnh.
Thực tế Google và Meta đã từng thanh toán cho báo chí Australia khoảng 250 triệu AUD (165 triệu USD) mỗi năm từ thời điểm NMBC có hiệu lực. Tại Canada, chỉ có Google đồng ý thanh toán khoảng 100 triệu CAD mỗi năm cho các cơ quan báo chí, trong khi Meta nhất quyết từ chối và thực hiện việc chặn tin tức ở nước này.
Meta biện minh rằng người dùng nền tảng của họ không coi trọng tin tức và hiện đang truy cập ít hơn vào mục này. Nhưng những gì người dùng nhìn thấy đều là do Meta xác định bởi họ kiểm soát những gì có trong News Feed và News Tab. Việc loại bỏ tin tức khỏi News Feed dường như là để đáp trả cho yêu cầu thanh toán cho nội dung tin tức mà cả Canada và Australia yêu cầu.
Meta giải thích rằng những vấn đề mà họ gặp phải không thể giải quyết bằng các quy định. Người phát ngôn của công ty nói rằng họ không chủ động lấy tin tức từ internet để đưa vào News Feed cho người sử dụng giống như các công cụ tìm kiếm khác và cách duy nhất để Meta tuân thủ các quy định liên quan một cách hợp lý là chấm dứt việc cung cấp tin tức cho người sử dụng.
Nỗ lực bảo vệ lợi nhuận này khiến xã hội sẽ phải trả giá đắt. Người dùng sẽ ít thấy nội dung từ các nhà báo hơn, những người thường có nội dung tương phản lại những thông tin cực đoan hoặc không đáng tin cậy từ nguồn xã hội. Thông tin sai lệch càng gia tăng thì xã hội càng bị ảnh hưởng. Báo chí mang lại lợi ích cho xã hội theo nhiều cách, ngay cả đối với những người không tiếp cận nó, vì nó nắm giữ quyền lực và cung cấp thông tin, đồng thời là diễn đàn cho các ý tưởng. Báo chí có chất lượng là nền tảng cho một xã hội vận hành tốt và dân chủ.
Theo tác giả, điều đáng nói ở đây là Meta không tạo ra được sản phẩm tốt như trước mà họ lại thay thế "xe hơi bằng xe lôi và xe ngựa kéo". Hành động của Meta chỉ đơn giản sẽ làm cho thông tin báo chí ít xuất hiện hơn trên các nền tảng truyền thông xã hội.
Hiện nay, Meta vẫn chưa chặn hoặc xóa tin tức ở Australia như họ đã làm tại Canada. Nhưng nếu áp dụng NMBC buộc Meta phải đàm phán, họ có thể sẽ phản ứng bằng cách xóa tất cả tin tức trên News Feed và không cho phép người sử dụng đăng tải lại tin tức trên New Tab hoặc bạn bè của họ.
(theo Bnews)