- Với quan điểm, các bộ, ngành quản lý các lĩnh vực trong đời sống thực thì cũng có trách nhiệm quản lý ngành, lĩnh vực đó trên không gian mạng, trong thời gian qua, Bộ TT&TT đã tăng cường truyền thông để thay đổi nhận thức của các bộ, ngành nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm quản lý của bộ, ngành, địa phương mình trên không gian mạng…
Những năm qua, sự phát triển vượt bậc của CNTT, mạng xã hội và các dịch vụ truyền thông trên Internet đã có những tác động rất lớn đến đời sống của người dân và toàn xã hội. Theo báo cáo Digital in VietNam của We are social, tính đến tháng 1/2023, Việt Nam có 77,9 triệu người sử dụng Internet, chiếm 79,1 % tổng dân số cả nước, tăng 5,8 triệu (+ 8%) so với tháng 1/2022. Trung bình mỗi ngày, người sử dụng mạng tại Việt Nam dành 6h38p để truy cập Internet (trên thiết bị di động là 3h32p và trên máy tính là 3h06p), trong đó, khoảng 2h28p sử dụng mạng xã hội.
Ngày nay, công nghệ và ứng dụng phát triển giúp cho việc chia sẻ và tiếp cận thông tin ngày càng thuận tiện và dễ dàng hơn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tri thức, tăng tính dân chủ, minh bạch và công khai trong xã hội. Các loại hình dịch vụ nội dung trên mạng phát triển ngày càng đa dạng, phong phú nhằm đáp ứng nhu cầu trao đổi về thông tin, giải trí, mua sắm của người sử dụng nhằm nâng cao chất lượng sống trong đời sống xã hội hiện đại.
Về bản chất Internet là môi trường mở, cho phép người sử dụng được tự do cung cấp, tìm kiếm và chia sẻ thông tin. Tuy nhiên, tùy thuộc vào động cơ, mục đích và nhận thức của cá nhân, tổ chức sử dụng mà thông tin đưa lên internet là tích cực, hoặc tiêu cực, hoặc thậm chí đi ngược lại lợi ích chính đáng của cộng đồng, xã hội. Vì vậy, bên cạnh những mặt tích cực và tiện ích mang lại cho xã hội thì trên mạng Internet cũng còn tồn tại nhiều thông tin vi phạm pháp luật.
Ảnh minh họa |
Với vai trò là cơ quan thay mặt Chính phủ quản lý nhà nước về hoạt động cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, trong những năm vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết đã liên tục rà quét để xử lý, ngăn chặn, gỡ bỏ hàng chục nghìn thông tin vi phạm pháp luật, chủ yếu là các vi phạm về tin giả, tin xấu độc tuyên truyền chống phá Đảng và Nhà nước, nói xấu, bôi nhọ uy tín, danh dự, nhân phẩm các tổ chức, cá nhân, quảng cáo vi phạm pháp luật…
Tuy nhiên, qua thực tế quản lý, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận thấy ngoài các thông tin vi phạm pháp luật nói chung dễ nhận biết để xử lý, trên môi trường mạng còn tồn tại nhiều nội dung vi phạm chuyên ngành thuộc thẩm quyền quản lý của các Bộ, ngành khác, đòi hỏi phải có đánh giá, thẩm định chuyên môn để xác định vi phạm, trong khi nhiều bộ, ngành có trách nhiệm liên quan còn lúng túng, chưa chủ động xử lý kịp thời, khiến cho quy trình xử lý mất thời gian, chưa hiệu quả, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Với quan điểm, các bộ, ngành quản lý các lĩnh vực trong đời sống thực thì cũng có trách nhiệm quản lý ngành, lĩnh vực đó trên không gian mạng, trong thời gian qua, Bộ TT&TT đã tăng cường truyền thông để thay đổi nhận thức của các bộ, ngành nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm quản lý của bộ, ngành, địa phương mình trên không gian mạng. Đồng thời, trong nhiều báo cáo, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành tăng cường phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông để thực hiện quản lý ngành, lĩnh vực của mình trên không gian mạng và trong quá trình rà soát hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật quản lý môi trường mạng.
Với việc xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 72/2013/NĐ-CP, Bộ Thông tin và Truyền thông đã bổ sung các quy định nhằm phân định trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong công tác quản lý không gian mạng. Trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ có văn bản chỉ đạo các Bộ, ngành chủ động thực hiện quản lý ngành, lĩnh vực trên không gian mạng theo chức năng, thẩm quyền được phân công.
Trên thực tế, trong thời gian qua, Bộ TT&TT đã và đang phối hợp chặt chẽ với một số Bộ, ngành để cùng quản lý lĩnh vực chuyên ngành như Bộ Y tế để quản lý hoạt động quảng cáo trên mạng liên quan các sản phẩm thuộc quản lý của Bộ Y tế như thuốc, thực phẩm chức năng…; phối hợp với Bộ Công thương để quản lý hoạt động thương mại điện tử trên các mạng xã hội; phối hợp Tổng cục Thuế để tăng cường giám sát, đôn đốc các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới đóng thuế tại Việt Nam; phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để quản lý hoạt động hoạt động phổ biến phim, hoạt động biểu diễn nghệ thuật trên môi trường mạng…
Phạm Lê