- Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2024, khi Luật Viễn thông sửa đổi chính thức có hiệu lực (01/7/2024) sẽ có những tác động tích cực đến thị trường viễn thông Việt Nam.
Có thể kể đến hàng loạt những tác động tích cực như: Thúc đẩy phát triển các dịch vụ viễn thông mới; Tạo thuận lợi cho phát triển hạ tầng viễn thông; hoàn thiện hơn nữa chính sách viễn thông công ích, đấu giá kho số viễn thông, tài nguyên Internet; Thúc đẩy cạnh tranh trong hoạt động viễn thông thông qua quy định về hoạt động bán buôn trong viễn thông, đơn giản hoá TTHC trong cấp phép viễn thông gia nhập thị trường; Ngăn chặn “rác viễn thông”; Bảo vệ quyền lợi người sử dụng dịch vụ viễn thông.
Để triển khai thị hành Luật Viễn thông sửa đổi ngay sau khi Luật có hiệu lực thi hành, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ có kế hoạch triển khai một số công tác cụ thể.
Thứ nhất, khẩn trương nghiên cứu, xây dựng, trình Chính phủ ban hành để có hiệu lực cùng với Luật (ngày 01/7/2024) các văn bản sau: 03 Nghị định (Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Viễn thông; Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Viễn thông về quản lý kho số viễn thông, tài nguyên Internet; việc bồi thường khi nhà nước thu hồi mã, số viễn thông, tài nguyên internet; đấu giá quyền sử dụng mã, số viễn thông, tên miền quốc gia Việt Nam “.vn ”; Nghị định quy định chi tiết Luật Viễn thông về hoạt động viễn thông công ích);
Thứ hai, khẩn trương nghiên cứu, xây dựng và ban hành khoảng 10 Thông tư của Bộ trưởng Bộ TT&TT.
Thứ ba, sẽ phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan tổ chức tập huấn, phổ biến Luật cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết của các đối tượng liên quan về Luật.
Thứ tư, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Luật, nhằm đảm bảo Luật được thực thi nghiêm túc, đúng quy định.
Thứ năm, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến Luật rộng rãi đến người dân, nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của Luật và các quy định của Luật.
Cùng với việc chính thức đi vào cuộc sống của Luật Viễn thông sửa đổi, năm 2024 cũng là năm Bộ Thông tin và Truyền thông tiến hành lộ trình dừng công nghệ 2G.
Bộ TT&TT đã có công văn số 3095/BTTTT-CTS ngày 31/7/2023 về thông báo quy hoạch các băng tần 900/1800/2100MHz, trong đó, định hướng triển khai lộ trình, kế hoạch dừng công nghệ di động 2G. Theo đó, mục tiêu tháng 9/2024 không còn máy điện thoại 2G hoạt động trên mạng, hệ thống 2G dùng để cung cấp dịch vụ thoại và nhắn tin cho các thuê bao sử dụng điện thoại 3G và 4G Non-VoLTE.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã và đang triển khai các giải pháp thúc đẩy tắt sóng 2G.
Doanh nghiệp viễn thông triển khai các chương trình hỗ trợ thuê bao chuyển sang sử dụng smartphone, ban hành chính sách cước hỗ trợ việc thuê bao chuyển đổi.
Triển khai các ứng dụng (Apps) dịch vụ công để thúc đẩy sử dụng smartphone tại địa phương.
Huy động các nguồn lực từ địa phương hỗ trợ chuyển đổi smartphone, ưu tiên cho hộ nghèo, cận nghèo
Hỗ trợ Smartphone cho các hộ nghèo, cận nghèo thông qua Quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam.
Thực hiện truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, Doanh nghiệp viễn thông nhắn tin, gọi điện trực tiếp tới khách hàng, các kênh truyền thông online…để nâng cao nhận thức của người sử dụng, thúc đẩy quá trình chuyển đổi sử dụng điện thoại thông minh, tạo điều kiện doanh nghiệp viễn thông di động thực hiện dừng công nghệ di động 2G.
Hiện các doanh nghiệp triển khai mở rộng vùng phủ 4G để đảm bảo vùng phủ, không để việc cung cấp dịch vụ bị gián đoạn.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã chỉ đạo nhà mạng nghiên cứu thực hiện các biện pháp ngăn chặn các máy 2G không tuân thủ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 117:2020/BTTTT về thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất được hòa mạng mới vào mạng di động.
Được biết, kể từ tháng 7/2023 tới 12/2023 số thuê bao 2 G giảm từ 22,01 triệu thuê bao xuống còn 18,9 triệu thuê bao (giảm 14%). Hiện, số thuê bao 2G tại các địa phương phân bố không đồng đều nên các nhà mạng đã xây dựng kế hoạch để tắt sóng 2G từng địa phương khi đạt số thuê bao thấp dưới 5%.
Hai mạng di động VinaPhone và MobiFone đã tắt dần các trạm 2G theo nguyên tắc số thuê bao 2G giảm (còn 5%), lưu lượng 2G trên trạm vô tuyến thấp. VinaPhone đã tắt khoảng 2500 trạm trên 63 tỉnh, thành phố. MobiFone triển khai tắt dần các trạm 2G từ năm 2023. Các doanh nghiệp sẽ tiếp tục theo dõi, giám sát số lượng thuê bao và phát sinh lưu lượng 2G tại các trạm vô tuyến để triển khai tắt sóng 2G trên phạm vi toàn quốc
Phạm Lê