- Theo bà Jenn Mullen, Trưởng bộ phận Giải pháp công nghệ mới tại Keysight Technologies, công nghệ mô phỏng, thực tại ảo và thực tại tăng cường đã và đang mang lại những lợi ích có khả năng chuyển đổi nhiều ngành nghề, và xu hướng này sẽ tiếp tục phát triển.
Trong quá khứ, các thế giới ảo 3D, chẳng hạn các thế giới trong trò chơi điện tử, là những không gian số tồn tại độc lập, hoạt động song song như một đa vũ trụ ảo. Tuy nhiên, sự hợp lưu của Internet 3D và các công nghệ mới nổi như thực tế mở rộng (XR) và bản sao số đã tạo ra điều kiện thích hợp để đa vũ trụ ảo này hội tụ và phát triển thành một metaverse thống nhất, có khả năng tương tác.
Khái niệm metaverse bao gồm hệ sinh thái ảo hóa, cách chúng ta tương tác trong đó và những gì mà chúng ta tương tác. Không gian mới này tạo ra tiềm năng vô hạn cho kết nối rộng hơn và trải nghiệm số nhân văn hơn.
Bước chân vào Metaverse
Công nghệ thường thay đổi nhanh chóng và tinh tế, do đó thật khó nhớ lại được thời điểm các cải tiến phát huy tác dụng. Mạng Internet 2 chiều (2D) với các chức năng tìm kiếm thông tin, máy chủ và trình duyệt đã đưa kiến thức bách khoa toàn thư đến tận tay cho chúng ta. Ngày nay, Internet 3 chiều (3D) kết nối chúng ta với thông tin, dịch vụ và với nhau bằng những phương cách năng động và tương tác. Đây là sự kết hợp của hai công nghệ - Internet và đồ họa 3D - cho phép người sử dụng giao tiếp với nhau và tương tác với các tính năng trong không gian ảo theo thời gian thực.
Thông qua Internet 3D, metaverse hiển thị các dịch vụ được kết nối dưới dạng thế giới ảo để xây dựng sự gắn kết có tổ chức không phụ thuộc thời gian, khoảng cách và sự gián đoạn toàn cầu. Nhờ đó, chúng ta có thể cải thiện quá trình ra quyết định bằng cách tìm và đưa những phát hiện sâu sắc từ dữ liệu tới tận tay người dùng, cũng như đẩy nhanh các quy trình nhờ tự động hóa và truy nhập thông tin trọng yếu bằng công nghệ điện toán đám mây.
Jenn Mullen - Trưởng bộ phận Giải pháp công nghệ mới tại Keysight Technologies |
Trải nghiệm Metaverse
Các công nghệ thực tế tăng cường (AR), thực tế ảo (VR) và thực tế mở rộng (XR) sẽ góp phần nâng cao trải nghiệm đắm mình hoàn toàn của metaverse. Những loại thiết bị này loại bỏ đại diện trung gian (avatar), cho phép người dùng có thể tự mình quan sát gần như mọi đối tượng trong metaverse
AR, VR và XR cho chúng ta đôi mắt để trải nghiệm metaverse. Nhờ các thiết bị này, chúng ta khám phá một hình ảnh ảo của thế giới vật chất và những sự vật trong thế giới đó. Từ các yếu tố xã hội và văn hóa, cho tới các sản phẩm và cấu phần, cho tới các hệ thống của con người, các bản sao số mô phỏng thế giới thực sao cho con người có thể xem, thao tác, bảo trì các bản sao số này, sau đó áp dụng lại vào thế giới thực. Trong nhiều trường hợp, chúng ta có thể nhìn thế giới chính xác hơn khi sử dụng AR. Lý do là công nghệ AR cho phép chúng ta nhìn thấy không chỉ những gì chúng ta quan sát mà còn cung cấp các chi tiết bổ sung tùy theo bối cảnh, hoặc mô phỏng những kịch bản dự báo các sự kiện tương lai từ dữ liệu đầu vào do chúng ta cung cấp.
Các bản sao số không chỉ đơn giản hóa quá trình thiết kế và phát triển sản phẩm mới, chúng còn có thể hỗ trợ việc thiết kế các cơ sở sản xuất ra những sản phẩm mới này. Dữ liệu thu thập từ các thiết bị y tế được kết nối và các dữ liệu chăm sóc sức khỏe khác có thể cho phép chúng ta tạo ra các bản sao số chính xác của chính bản thân mình. Bản sao số và metaverse không thay thế mà còn tăng cường trải nghiệm của con người. Từ các thành phố nơi ta sống, đến các sản phẩm ta sử dụng và thậm chí cả sức khỏe của chúng ta, metaverse dỡ bỏ những hạn chế về thời gian và khoảng cách để kết nối chúng ta với các dịch vụ ta cần và những người ta trông cậy.
Trong nhiều lĩnh vực, những năng lực này có tiềm năng tạo ra những tác động có tính cách mạng tới mọi khía cạnh của một tổ chức. Hãy cùng khám phá một số ngành nghề đã sử dụng metaverse.
Sản xuất
Các doanh nghiệp sản xuất có thể sử dụng môi trường ảo để thiết kế và thử nghiệm nguyên mẫu, cho phép họ tái thiết kế nhanh hơn, giảm chi phí tạo nguyên mẫu vật lý. Trong quá trình thiết kế, tính năng cộng tác từ xa cho phép các nhóm làm việc cùng nhau trong thời gian thực từ mọi địa điểm - một lợi ích vô giá cho các doanh nghiệp sản xuất phục vụ khách hàng toàn cầu. Metaverse cũng mang lại lợi ích cho việc đào tạo và an toàn cho người lao động. Các doanh nghiệp sản xuất có thể mô phỏng các quy trình phức tạp cho phép người lao động thực hành trong một môi trường an toàn, có kiểm soát trước khi thực hiện nhiệm vụ trên hiện trường. Các ứng dụng đào tạo mô phỏng giúp giảm thiểu sai sót và rủi ro xảy ra các sự cố có thể phát sinh tại nơi làm việc, nâng cao hiệu quả làm việc của người lao động và vận hành của cơ sở.
Ngành Y tế
Trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, metaverse có thể cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tăng cường giáo dục và đào tạo y tế, đồng thời cung cấp các công cụ nghiên cứu và trị liệu mới. Công nghệ y tế từ xa cho phép bệnh nhân và cơ sở khám chữa bệnh tương tác trong môi trường ảo và tạo điều kiện tư vấn, chẩn đoán và điều trị từ xa. Mô phỏng y khoa cải thiện hoạt động giáo dục chăm sóc sức khỏe bằng cách cho phép sinh viên thực hành các thủ thuật trong môi trường ảo, cung cấp cho họ những trải nghiệm trực tiếp có lợi cho bệnh nhân trong thế giới thực. Dữ liệu sức khỏe được trực quan hóa giúp bệnh nhân và các bác sĩ hiểu sâu hơn về tình trạng sức khỏe và cho phép họ hợp tác để cùng đưa ra phương pháp điều trị phù hợp làm hài lòng cả hai bên. Các nhà nghiên cứu có thể mô phỏng các phương pháp điều trị y tế và kiểm tra hiệu quả của các phương pháp này, tìm hiểu các phản ứng tiềm tàng, thậm chí xác định các bệnh khác mà phương pháp điều trị của họ có thể mang lại hiệu quả.
Dịch vụ từ xa
Metaverse sẽ ngày càng trở nên quan trọng trong việc cung cấp dịch vụ từ xa khi năng lực của công nghệ XR ngày càng được cải thiện. Metaverse sẽ tạo thuận lợi cho hoạt động đào tạo và chuyển giao kiến thức từ xa. Các kỹ thuật viên có thể đào tạo trong môi trường ảo và khai thác thông tin thời gian thực để hỗ trợ phát triển kỹ năng và giảm sai lỗi trên thực địa trong tương lai. Tính năng này đặc biệt hữu ích cho các tổ chức dịch vụ toàn cầu với cơ cấu tổ chức phân tán về mặt địa lý. Các tính năng cộng tác và giao tiếp của metaverse cho phép đội ngũ kỹ thuật viên và kỹ sư cùng làm việc theo thời gian thực để giải quyết vấn đề, giúp rút ngắn thời gian phản hồi cũng như thời gian gián đoạn. Đội ngũ kỹ thuật viên có thể sử dụng môi trường ảo của metaverse để tự chẩn đoán và sửa chữa sự cố từ xa, nâng cao hơn nữa chất lượng và tính liên tục của dịch vụ.
Tương lai
Thế giới số cho phép người dùng trải nghiệm các tình huống như thể họ đang ở thế giới thực, và metaverse cải thiện các mô phỏng để giảm thiểu rủi ro, giảm chi phí và tránh sử dụng lãng phí lao động. Tiềm năng thực sự của metaverse nằm ở cách các lĩnh vực khác nhau khai thác công nghệ này. Công nghệ mô phỏng, thực tại ảo và thực tại tăng cường đã và đang mang lại những lợi ích có khả năng chuyển đổi nhiều ngành nghề và xu hướng này sẽ tiếp tục phát triển.