- Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, với nguồn cung nhân lực dồi dào, Việt Nam có nhiều lợi thế để đào tạo nguồn nhân lực và có thể nắm bắt cơ hội cung cấp nguồn nhân lực đang khan hiếm cho ngành công nghiệp bán dẫn và tiếp tục đóng góp vào sự phát triển của ngành cả trong nước và quốc tế.
Thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ Thông tin và Truyền thông đã và đang phối hợp với các Bộ, ngành, tổ chức, tập đoàn nghiên cứu quốc tế xây dựng Chiến lược phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn đến năm 2030, tầm nhìn 2035.
Ảnh minh họa |
Về mục tiêu, Việt Nam có 50 nghìn nhân lực vi mạch bán dẫn, trong đó có 15 nghìn kỹ sư thiết kế, 35 nghìn kỹ sư và lao động trong sản xuất, đóng gói, kiểm thử vi mạch;
Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong hệ sinh thái công nghiệp vi mạch bán dẫn với đầy đủ các hoạt động nghiên cứu thiết kế, sản xuất chế tạo vi mạch, đóng gói và kiểm thử và chế tạo thiết bị điện tử - công nghệ thông tin và tự động hoá.
Về lộ trình, phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn với ba giai đoạn; trong ngắn hạn tập trung vào hoạt động thiết kế, đóng gói, kiểm thử; trong trung hạn thực hiện các công đoạn sản xuất; trong dài hạn làm chủ một số công nghệ lõi.
Về giải pháp tập trung vào các vấn đề: Phát triển cơ sở hạ tầng cho công nghiệp vi mạch bán dẫn; Ban hành các chính sách đặc biệt ưu đãi cho hoạt động vi mạch bán dẫn; Phát triển nhân lực vi mạch bán dẫn; Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn.
Với nguồn cung nhân lực dồi dào, Việt Nam có nhiều lợi thế để đào tạo nguồn nhân lực và có thể nắm bắt cơ hội cung cấp nguồn nhân lực đang khan hiếm cho ngành công nghiệp bán dẫn và tiếp tục đóng góp vào sự phát triển của ngành cả trong nước và quốc tế.
Trong bối cảnh các quốc gia trong khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore,… đang có các ưu đãi đặc biệt cho công nghiệp bán dẫn, Việt Nam cần có giải pháp, chính sách để khai thác thế mạnh trong nước và tận dụng nguồn lực nước ngoài để xây dựng Chiến lược phát triển phù hợp.
Hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách để tạo đột phá trong phát triển công nghiệp bán dẫn: Thông qua việc xây dựng chính sách đặc thù, vượt trội như ưu đãi về thuế, hỗ trợ tài chính,… nhằm thu hút đầu tư, chuyên gia, hỗ trợ doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo để phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn.
Phát triển nhân lực: Thông qua việc xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo các cấp: Đào tạo chuyên ngành về vi mạch bán dẫn; Đào tạo nhân lực phục vụ sản xuất công nghiệp; và Đào tạo nâng cao phục vụ nghiên cứu phát triển vi mạch bán dẫn, đào tạo giảng viên cùng với những chính sách hỗ trợ xây dựng các chương trình đào tạo, kết nối đào tạo, chính sách ưu đãi cho học viên, đảm bảo điều kiện học tập, thử nghiệm tại các cơ sở đào tạo trọng điểm.
Phát triển cơ sở hạ tầng: Xây dựng quy hoạch công nghiệp bán dẫn bao gồm các cơ sở nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, đóng gói, kiểm thử và phụ trợ, hình thành mạng lưới ươm tạo doanh nghiệp vi mạch bán dẫn, trung tâm hỗ trợ thiết kế, quy hoạch hạ tầng điện, nước, môi trường,… để hỗ trợ cho hoạt động sản xuất.
Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn: Hình thành các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp vi mạch bán dẫn tại Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia và các cơ sở đào tạo với mục tiêu cung cấp không gian làm việc, tư vấn pháp lý, bảo hộ, đăng ký sở hữu trí tuệ, kết nối chuyên gia. Thúc đẩy công nghiệp điện tử, tự động hoá để làm đầu ra cho công nghiệp vi mạch bán dẫn.
Dự thảo Đề án Chiến lược đề ra những giải pháp, kế hoạch và nội dung cụ thể để triển khai phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam đào tạo được 50.000 kỹ sư ngành công nghiệp bán dẫn trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị. Trong đó có 15.000 kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn và 35.000 kỹ sư phục vụ các công đoạn khác của quá trình sản xuất chip bán dẫn.
Về giải pháp, dự thảo Đề án đề ra các nhóm nhiệm vụ giải pháp cụ thể:
+ Nhóm các nhiệm vụ, giải pháp đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn cho các đối tượng: giảng viên, sinh viên hệ chính quy, hệ ngắn hạn, chuyển tiếp, nhân lực trình độ sau đại học, các tổ chức, doanh nghiệp tham gia đào tạo.
+ Nhóm các nhiệm vụ, giải pháp về nghiên cứu và phát triển nhằm: Khuyến khích và tài trợ các dự án nghiên cứu và phát triển vi mạch; Ứng dụng và thương mại hóa các dự án nghiên cứu; và nghiên cứu các xu hướng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
+ Nhóm các nhiệm vụ, giải pháp về đầu tư cơ sở vật chất và hạ tầng công nghệ cho: các trung tâm đào tạo vi mạch bán dẫn, trung tâm nghiên cứu và phát triển sản phẩm vi mạch bán dẫn, các nền tảng hỗ trợ nghiên cứu, đào tạo.
+ Nhóm nhiệm vụ, giải pháp thu hút chuyên gia, nhân tài nhằm: Xây dựng các chính sách thu hút nhân tài trong nước, các chuyên gia quốc tế về ngành công nghiệp bán dẫn tham gia vào thị trường Việt Nam; Thu hút, hợp tác với các nhân sự cao cấp trong các tập đoàn, công ty vi mạch bán dẫn lớn tham gia vào quá trình giảng dạy, nghiên cứu tại các trường đại học, viện nghiên cứu; Phát triển Mạng lưới đổi mới sáng tạo ngành công nghiệp bán dẫn.
+ Nhóm nhiệm vụ, giải pháp tạo đầu ra cho nguồn nhân lực, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp bao gồm: Xây dựng, triển khai chương trình hỗ trợ kỹ sư ngành vi mạch bán dẫn Việt Nam làm việc, trao đổi kinh nghiệm ở nước ngoài; Xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ngành công nghiệp bán dẫn; Xây dựng và triển khai chương trình hợp tác viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm kết nối các cơ hội thực tập, việc làm cho sinh viên và người lao động với nhà tuyển dụng.
Phạm Lê