Theo Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số, doanh nghiệp có thể bị phạt 10% doanh thu toàn cầu nếu vi phạm một số quy tắc cạnh tranh nghiêm trọng nhất và có thể bị đình chỉ hoạt động nếu vi phạm nhiều lần.
Ủy viên phụ trách vấn đề cạnh tranh của Liên minh châu Âu (EU) Margrethe Vestager. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Ủy viên phụ trách vấn đề cạnh tranh của Liên minh châu Âu (EU) Margrethe Vestager ngày 12/1 cảnh báo các tập đoàn công nghệ khổng lồ của Mỹ sẽ phải nghiêm túc tuân thủ Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số của EU, sau khi những quy định này có hiệu lực sau hai tháng nữa.
Bà Vestager đang có chuyến thăm Thung lũng Silicon, nơi bà sẽ gặp Giám đốc điều hành (CEO) Apple, Tim Cook, CEO của Google - ông Sundar Pichai và các CEO thuộc nhiều công ty công nghệ lớn khác để cùng thảo luận về Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA) của EU, có hiệu lực vào ngày 7/3 tới.
Theo DMA, EU đã gắn mác "người gác cổng" điều hành các dịch vụ cốt lõi của Internet đối với 6 tập đoàn khổng lồ trong lĩnh vực công nghệ là các tập đoàn Alphabet, Amazon, Apple, Meta, Microsoft (cùng của Mỹ), và công ty ByteDance (Trung Quốc) - chủ sở hữu ứng dụng TikTok.
Phát biểu với báo giới sau cuộc họp với các CEO công nghệ tại Mỹ, bà Vestager nhấn mạnh: “'Những người gác cổng' đã được xác định và kể từ ngày 7/3 họ sẽ phải tuân thủ các quy tắc (của EU), các nghĩa vụ liên quan những dịch vụ nền tảng cốt lõi đã được chỉ định. Và điều này là không thể coi thường.”
Những dịch vụ cốt lõi được DMA đề cập bao gồm kho ứng dụng App Store của Apple; mạng xã hội Facebook, ứng dụng chia sẻ hình ảnh Instagram và ứng dụng nhắn tin-đàm thoại WhatsApp của Meta; nền tảng chia sẻ video YouTube và trình duyệt Chrome của Google, cũng như trình duyệt Safari của Apple.
Một trong những mục tiêu chính của DMA là ngăn chặn những công ty lớn hơn tác động tiêu cực tới sự phát triển của các công ty nhỏ hơn, trở thành đối thủ cạnh tranh rồi "nuốt chửng" họ thông qua hoạt động tiếp quản, giống như việc Facebook mua lại Instagram và WhatsApp hay việc Google mua YouTube và Waze trước đây.
Theo DMA, một công ty sẽ chịu mức phạt lên tới 10% doanh thu toàn cầu, nếu họ vi phạm một số quy tắc cạnh tranh nghiêm trọng nhất. Nhà chức trách cũng có thể đình chỉ hoạt động của công ty trong trường hợp vi phạm nhiều lần.
Tuy vấp phải sự phản đối của một số công ty như Meta, Apple hay TikTok, nhưng bà Vestager khẳng định không có lý do gì để đình chỉ việc thực hiện DMA.
Bà cũng đồng thời bày tỏ sự tin tưởng rằng các công ty công nghệ sẽ nỗ lực điều chỉnh để tuân thủ quy định của EU kể từ ngày 7/3 tới./.
Các doanh nghiệp Big Tech chỉ trích Đạo luật Dữ liệu của EU
Theo đại diện các doanh nghiệp Big Tech, Đạo luật Dữ liệu sẽ đặt ngành công nghiệp châu Âu vào thế bất lợi khi ngành này phải từ bỏ các dữ liệu khó thu nhặt được và hạn chế quyền tự do về hợp đồng.
(Theo TTXVN/Vietnam+)