- Một số động thái của Nga trước các hoạt động của BigTech, trong đó có việc sẽ chặn ứng dụng mạng xã hội nổi tiếng Instagram… cho thấy Nga sẽ có những động thái quyết liệt trong việc độc lập, không phụ thuộc vào các nền tảng xã hội của phương Tây…
Cuối tuần trước, vào thứ sáu (11/3), chính phủ Nga cho biết họ sẽ chặn ứng dụng mạng xã hội nổi tiếng Instagram, đồng thời thực hiện thêm hành động chống lại Meta - công ty mẹ của Facebook, Instagram và WhatsApp.
Lý do được đưa ra là bởi Facebook đã không hạn chế ngôn từ trong các bài đăng được cho là không phù hợp với nước Nga. Trước đó, Nga đã chặn Facebook, vốn có lượng người dùng ở quốc gia này ít hơn nhiều so với WhatsApp hay Instagram. Tuy nhiên, cơ quan quản lý Internet của Nga đã không mở rộng quy tắc chặn cho Instagram hoặc WhatsApp.
Và thực tế, từ đêm chủ nhật ngày 13/3, người dùng tại Nga đã không thể sử dụng các dịch vụ của Instagram. Một email từ cơ quan quản lý truyền thông nhà nước Nga yêu cầu mọi người chuyển ảnh và video của họ khỏi Instagram trước khi nền tảng đóng cửa, đồng thời khuyến khích người dùng chuyển sang các nền tảng mạng xã hội của Nga.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Người đứng đầu Instagram cho biết hành động của Nga sẽ ảnh hưởng đến 80 triệu người dùng tại Nga. Bởi có khoảng 80% người dùng ở Nga theo dõi tài khoản Instagram bên ngoài quốc gia của họ.
Đây được coi là một trong số động thái quyết liệt mà Nga đã, đang và sẽ áp dụng trong việc độc lập, không phụ thuộc vào các nền tảng xã hội của Phương Tây. Đồng thời, khuyến khích người dân sử dụng các nền tảng mạng xã hội trong nước như Vkontakte (VK), OdnoKlassniki (OK).
Trên thực tế, dù có bị các BigTech “quay lưng” lại, nhưng với những gì nước Nga đã triển khai trong lĩnh vực công nghệ, có thể thấy, việc này dù có ảnh hưởng, nhưng không có nghĩa sẽ quá “làm khó” được người Nga.
Bởi trước đó, Liên bang Nga cũng đã thành công nhờ chính sách thay thế nhập khẩu trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, công nghiệp công nghệ cao.
Nga đã đứng vững sau một vài năm đầu thiếu hàng hóa nhập khẩu và nay đã thực hiện thành công chính sách thay thế nhập khẩu sau khi bị trừng phạt bởi Mỹ và EU.
Vào năm 2014, các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) và Hoa Kỳ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt chống lại Nga, kỳ vọng rằng sau những trừng phạt này, Nga sẽ suy yếu và chìm trong khủng hoảng. Nhưng mọi thứ diễn ra ngược lại như trên.
Ngay khi EU bắt đầu áp đặt các biện pháp trừng phạt, Nga đã nhận ra mình đang mua rất nhiều sản phẩm ở nước ngoài và gây bất lợi cho chính các nhà sản xuất trong nước.
Do đó, Nga thực hiện hỗ trợ nhà nước cho sản xuất bắt đầu từ nông nghiệp, đồng thời cấm giới thiệu sản phẩm từ một số quốc gia nước ngoài.
Những biện pháp này dẫn đến công nghiệp chế biến nông phẩm ở Nga đã thực sự được cải thiện và việc người dân mua sản phẩm từ các nhà sản xuất trong nước trở nên có lợi hơn.
Nga cũng đã làm như vậy trong lĩnh vực công nghiệp, công nghệ thông tin, cơ khí chế tạo và các lĩnh vực sản xuất khác. Các lệnh trừng phạt đã thúc đẩy Nga tăng sản xuất của mình ở trong nước và gây bất lợi cho chính EU và Hoa Kỳ.
EU đồng thời nhận thấy, 146 triệu người Nga vẫn là một thị trường tiêu thụ tốt. Đặc biệt, các đại diện của EU đã phản đối các hành động của Nga liên quan đến hạn chế các nhà sản xuất nước ngoài tham gia thầu mua sắm công của Chính phủ, (mà thực chất đây là chính sách thay thế hàng nhập khẩu, bảo vệ thị trường cho các doanh nghiệp nội của Chính phủ Nga).
Nga đã tạo điều kiện tốt hơn cho các nhà sản xuất của mình trong việc tham gia thực hiện các đơn hàng của nhà nước hơn là các nhà sản xuất từ châu Âu. Đặc biệt, Nga trợ cấp 15% cho nhiều nhà sản xuất của mình.
Việc mua hàng của Chính phủ, nhiều chủng loại hàng hóa cần đạt 90% tỷ lệ nội địa hóa của Nga. Việc này được giải thích, nếu EU cấm Rosatom tham gia đấu thầu xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Cộng hòa Séc, thì tại sao Nga lại phải cho phép các nhà sản xuất EU tham gia đấu thầu dự án của mình?
Và thực tế cho thấy, tất cả các biện pháp trên đang giúp Nga khôi phục sản xuất, góp phần giữ vững vị thế của mình trên trường quốc tế trong nhiều lĩnh vực.
Năm 2020, nhà sản xuất đến từ Nga micro Soyuz - LLC Baikal - đã giành chiến thắng trong cuộc thi "Nhà xuất khẩu của năm". Công ty là nhà xuất khẩu trong nước tốt nhất trong số các nhà sản xuất thiết bị công nghệ cao, thiết bị điện, máy tính, sản phẩm điện tử và quang học.
90% sản phẩm của Soyuz được xuất khẩu ra nước ngoài. Về thị trường xuất khẩu của Soyuz, Hoa Kỳ dẫn đầu, tiếp theo là Đức, Nhật Bản, Chile, Ba Lan, Pháp, Úc, Mexico và Trung Quốc…
PV (tổng hợp)