- Đó là sự thay đổi về nguồn tin, niềm tin và sự hứng thú của độc giả với tin tức đang suy giảm và lo ngại về tình trạng tin giả, tin sai sự thật...
Buổi Trao đổi chuyên môn “Thông tin đáng tin cậy trên môi trường số tại Việt Nam: Trách nhiệm thuộc về ai?” do Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) tổ chức mới đây, đã có sự tham gia của nhiều chuyên gia và nhà nghiên cứu trong lĩnh vực báo chí, truyền thông.
Mở đầu buổi Trao đổi chuyên môn, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng IPS, khẳng định đã có sự thay đổi trong chuỗi cung ứng tin tức cũng như hành vi tiếp nhận tin tức của độc giả trong thời đại công nghệ số. Trước đây, các cơ quan báo chí nắm vị thế độc quyền trong sản xuất tin tức, và kênh phân phối tin tức tới độc giả của báo chí là hệ thống các sạp báo.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quang Đồng, trong thời đại số, gần như bất kỳ cá nhân, nhóm cộng đồng hay tổ chức nào cũng có thể trở thành một nguồn tin tức, và hệ thống kênh phân phối của họ chính là các nền tảng kỹ thuật số hay mạng xã hội. Như vậy, báo chí mất đi vị thế nguồn tin độc quyền, và người tiêu thụ tin tức cũng không còn coi báo chí là nguồn thông tin có thẩm quyền duy nhất.
Theo ông Nguyễn Quang Đồng, có 3 xu hướng đáng chú ý trên thế giới về hành vi tiếp nhận tin tức của độc giả.
Thứ nhất, đó là sự thay đổi về nguồn tin. Báo cáo Nghiên cứu Thế hệ trẻ Việt Nam của Hội đồng Anh (2020) cho thấy 73% độc giả trẻ Việt Nam (16-30 tuổi) cho rằng mạng xã hội là nguồn thông tin chính cho các vấn đề đương thời. Ông Đồng đặc biệt nhấn mạnh xu hướng nhiều người có sức ảnh hưởng, người nổi tiếng đang trở thành nguồn cung cấp những thông tin đôi khi không thuộc chuyên môn, thẩm quyền của họ, nhưng lại là nguồn tin được độc giả trẻ rất ưa thích và lựa chọn.
Thứ hai, niềm tin và sự hứng thú của độc giả với tin tức đang suy giảm. Báo cáo Digital News Report 2023 do Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters thực hiện cho thấy chỉ 40% người được khảo sát tin tưởng đa số tin tức phần lớn thời gian, và 36% độc giả thỉnh thoảng hoặc thường xuyên né tránh tin tức.
Thứ ba, lo ngại về tình trạng tin giả, tin sai sự thật: Khảo sát của Ipsos và UNESCO (2023) về tác động của thông tin giả cho thấy 85% người được khảo sát quan ngại hoặc rất quan ngại về tác động của tin giả đến người dân nước họ, 78% thường xuyên đọc được thông tin cố tình sai lệch trên mạng xã hội. Sự phát triển nhanh chóng của các công nghệ trí tuệ nhân tạo tạo sinh cũng khiến nhiều độc giả lo ngại tình trạng thông tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng trở nên trầm trọng hơn.
Trong phần thảo luận chung, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã trao đổi về những chính sách nhằm thúc đẩy thông tin đáng tin cậy trên môi trường số tại Việt Nam.
Một chuyên gia nhận định việc đảm bảo thông tin đáng tin cậy trên mạng là trách nhiệm của nhiều bên, trong đó bản thân mỗi người dùng internet là nhân tố quan trọng nhất bởi họ là đối tượng vừa tiêu thụ, sản xuất và chia sẻ thông tin. Vì vậy, người dân cần được trang bị kỹ năng số tối thiểu khi tham gia vào không gian mạng, không chỉ là kỹ năng tiếp nhận mà còn là kỹ năng chia sẻ thông tin, tranh luận và ứng phó khủng hoảng truyền thông trên mạng xã hội.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia đồng ý đang tồn tại khoảng trống về thông tin có thẩm quyền từ Chính phủ do các cơ quan nhà nước chưa chú trọng việc cung cấp và minh bạch thông tin cho người dân theo quy định tại Luật Tiếp cận Thông tin 2016. Người tham dự cũng cho rằng Chính phủ và các cơ quan báo chí cần nâng cao vai trò thông tin cho người dân, công bố thông tin đầy đủ, kịp thời và làm sáng tỏ, bác bỏ những thông tin sai sự thật.
PV