- Theo chuyên gia Mark Gurman của kênh Bloomberg, mối quan hệ giữa Apple và Trung Quốc có thể đang ở thời điểm quan trọng nhất kể từ khi cựu Tổng thống Donald Trump áp thuế đối với các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc.
Khi chính sách thuế quan mà chính quyền thời cựu Tổng thống Trump ban hành có hiệu lực, thì thuế nhập khẩu lại đánh trực tiếp vào các tập đoàn Hoa Kỳ khi nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc vào Hoa Kỳ, cũng như người tiêu dùng xứ cờ hoa.
Lần đầu tiên, Apple sản xuất các mẫu iPhone 15 không phải Pro tại Trung Quốc và Ấn Độ
Chính sách thuế quan mới đã buộc Apple phải thay đổi hoạt động sản xuất của mình, chưa kể những vấn đề phát sinh khác có khả năng làm gián đoạn các dây chuyền sản xuất của công ty bên ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ như thuế nhập khẩu, căng thẳng và tranh chấp giữa các bên kéo dài… Theo chuyên gia Gurman chia sẻ, Apple đang xem xét chuyển sản xuất iPhone nhiều hơn sang Ấn Độ, nơi các nhà máy ở đất nước Tây Á này đã sản xuất 6,5 triệu chiếc iPhone vào năm ngoái và Apple hy vọng sẽ đạt 10 triệu chiếc trong năm nay.
Vào năm 2023, lần đầu tiên các mẫu iPhone 15 không phải Pro sẽ được sản xuất đồng thời tại Trung Quốc và Ấn Độ. Trong khi, hai phiên bản iPhone 15 Pro và iPhone 15 Ultra sẽ chỉ được lắp ráp tại Trung Quốc. Các sản phẩm khác được liên kết với các cơ sở sản xuất không phải của Trung Quốc. Điển hình như Việt Nam, quốc gia được đặt hàng để sản xuất tai nghe AirPods và các hoạt động sản xuất khác của “Táo khuyết” diễn ra ở Malaysia và Ireland.
Các nhà quản lý tại Apple đang yêu cầu nhân viên tìm kiếm thêm các địa điểm bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc để nhập khẩu nguồn linh kiện và đặt dây chuyền sản xuất cho các sản phẩm mới sẽ ra mắt vào năm tới. Mặc dù vậy, ít nhất là trong thời điểm hiện tại (và có thể là nhiều năm tới), Apple cần tiếp tục mối quan hệ hiện tại với Trung Quốc. Hiện tại, có khoảng 20% doanh thu của Apple đến từ Trung Quốc gồm Đài Loan và Hồng Kông. Apple có 40 cửa hàng bán sản phẩm ở Trung Quốc và phần lớn các phiên bản iPhone vẫn được lắp ráp tại Trung Quốc.
Có thể thấy một ví dụ điển hình về mức độ gắn bó giữa Trung Quốc và Apple, đó là khi chính quyền ở nhiều tỉnh của Trung Quốc ban hành các chính sách kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh Covid đã ảnh hưởng đến các công nhân tại cơ sở sản xuất iPhone lớn nhất của Foxconn ở Trịnh Châu. Do không muốn bị phong tỏa, nhiều nhân viên Foxconn rời khỏi khuôn viên nhà máy, dẫn đến các dây chuyền lắp ráp iPhone phải đóng cửa. Hậu quả là Apple thiếu hụt khoảng 6 triệu chiếc iPhone 14 Pro và iPhone 14 Pro Max để cung cấp ra thị trường vào mùa mua sắm cuối năm 2022 và đầu năm 2023.
Những rào cản nói trên buộc Apple phải có những phương án dự phòng, đó là đưa một phần các dây chuyền sản xuất iPhone ra khỏi Trung Quốc. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo hàng đầu của Apple lo lắng rằng nếu họ nhanh chóng rút sản xuất ra khỏi Trung Quốc, động thái này sẽ phản tác dụng khi người tiêu dùng Trung Quốc ngừng mua iPhone và các sản phẩm khác của Apple. Mùa hè năm ngoái, Apple đã yêu cầu xưởng đúc chip hàng đầu của Đài Loan - TSMC tuân thủ theo yêu cầu của Chính phủ Trung Quốc và dán nhãn các lô hàng linh kiện, thiết bị đưa đến Trung Quốc là sản xuất tại "Đài Loan, Trung Quốc" hoặc "Đài Bắc Trung Quốc".
Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất mà Apple muốn từ từ rời xa
Bên cạnh Trung Quốc, Apple rất muốn rút lui khỏi Đài Loan. Là một nhà thiết kế chip không có kinh nghiệm, Apple phải dựa vào xưởng đúc hàng đầu thế giới là Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) để sản xuất tất cả các con chip của mình. Nhưng hãy tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu Trung Quốc thực hiện hành động quân sự chống lại Đài Loan và tiếp quản nhà máy của TSMC. Gần đây, Robert O'Brien, cựu Cố vấn An ninh Quốc gia của chính quyền Trump, đã ám chỉ rằng Hoa Kỳ sẽ phá hủy các cơ sở sản xuất của TSMC để chúng không thuộc về Trung Quốc nếu có tranh chấp xảy ra.
Bắt đầu từ năm tới, TSMC sẽ bắt đầu sản xuất chip 4nm tại nhà máy của mình ở Phoenix, Arizona. Và mặc dù những con chip đó sẽ không đủ tiên tiến để trang bị cho iPhone 16 Pro và iPhone 16 Ultra, nhưng một nhà máy thứ hai đang được xây dựng ở Phoenix sẽ bắt đầu sản xuất chip 3nm vào năm 2026. Tuy nhiên, đến lúc đó, có thể có những con chip tiên tiến nhất được sản xuất bằng quy trình 2nm. Tuy nhiên, Apple sẽ mua chip từ các cơ sở của TSMC tại Hoa Kỳ cho các thiết bị khác, điều này sẽ làm giảm sự phụ thuộc của Apple vào các nhà máy Đài Loan của TSMC.
Kế hoạch là vậy, nhưng Apple cũng gặp không ít khó khăn. Các chuyên gia cho rằng, nếu các nhà máy của TSMC tại Đài Loan ngừng hoạt động, sẽ mất hơn một năm để tăng sản lượng chip lên mức trước đó và đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất của Apple.
Hoàng Thanh