- Đại học RMIT vừa cho ra mắt ngành Quản trị doanh nghiệp thời trang và Kỹ sư phần mềm tại Hà Nội.
Nhắc đến hai chữ “thời trang”, nhiều người sẽ nghĩ ngay tới công việc “thiết kế”, nhưng ngành thời trang rộng lớn hơn rất nhiều và còn liên quan mật thiết đến kinh doanh và công nghệ.
Theo báo cáo của Statista, doanh thu của ngành thời trang Việt Nam ước tính đạt 2,36 tỷ USD vào năm 2023. Ngành này cũng được dự kiến sẽ sở hữu tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 12,09% trong giai đoạn 2023-2027, dẫn đến khối lượng thị trường có thể đạt 3,73 tỷ USD vào năm 2027.
Ước tính, hiện có khoảng hơn 200 thương hiệu thời trang nước ngoài từ trung cho đến cao cấp như Hermes, Chanel, LV, Gucci... có mặt tại Việt Nam. Cùng với đó, Việt Nam cũng có những nhà thiết kế mang tài năng, bản lĩnh Việt chinh phục thế giới như nhà thiết kế Công Trí với hơn 200 ngôi sao Hollywood tin chọn trang phục để khoác lên mình trong những dịp quan trọng, từ Rihanna đến Rosé, Katy Perry và gần đây nhất là “hoạ mi nước Anh” Adele.
Không thể phủ nhận tài năng thiết kế nhưng thương hiệu CONG TRI sẽ khó có thể thành công như vậy nếu không có đội ngũ làm công việc kinh doanh, quản trị thương hiệu tốt.
Trên toàn cầu, câu chuyện về ngành công nghệ nói chung và kỹ thuật phần mềm nói riêng lại không được tươi sáng như vậy. Làn sóng sa thải đã càn quét các công ty công nghệ lớn từ năm 2022 đến nay. Tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, nhiều “ông lớn” đình đám cũng cắt giảm quy mô nhân sự như Shopee (Singapore), iPrice (Malaysia), Zenius (Indonesia),...
Tuy nhiên tại Việt Nam, theo Trung tâm dịch vụ việc làm Thành phố Hà Nội, trong quý 1/2023, các doanh nghiệp trong ngành công nghệ thông tin (CNTT) có nhu cầu tuyển dụng 12.000 - 15.000 vị trí việc làm, tập trung vào các công việc đòi hỏi chuyên môn cao như lập trình viên, nhân viên phát triển phần mềm.
Làn sóng đầu tư nước ngoài cũng mang đến nhiều cơ hội, khiến thị trường lao động CNTT Việt Nam trở nên sôi động nhất từ trước đến nay. Trong vài năm trở lại đây, những "gã khổng lồ" trong ngành công nghệ như Qualcomm Technologies, Google, Apple đã mở văn phòng đại diện hoặc mở nhà máy tại Việt Nam; Samsung Việt Nam hay LG xây dựng trung tâm R&D mới với quy mô lớn nhất Đông Nam Á tại Hà Nội; tập đoàn CNTT hàng đầu của Ấn Độ HCL Technologies duyệt kế hoạch đầu tư dài hạn vào Việt Nam tại Hưng Yên... Trong đó, nhu cầu kỹ sư phần mềm có kiến thức về cả phần mềm và phần cứng cũng như các hệ thống nhúng đang tăng lên mỗi ngày.
Báo cáo thị trường CNTT Việt Nam - Tech Hiring 2022 của TopDev cho biết dự báo từ năm 2022 - 2024, Việt Nam vẫn thiếu hụt 150.000 - 195.000 lập trình viên/kỹ sư hằng năm. Khoảng cách này dự kiến còn cao cho đến năm 2024 khi nhu cầu lên tới 800.00 lập trình viên.
Đáp ứng nhanh nhạy nhu cầu này, Đại học RMIT đã tâm huyết nghiên cứu thị trường bài bản, tham khảo nhiều học giả, chuyên gia, cũng như phụ huynh học sinh và chính thức ra mắt hai ngành học mới: Quản trị doanh nghiệp thời trang và Kỹ sư (Kỹ thuật phần mềm) tại cơ sở Hà Nội.
Đây là hai ngành "ngách" thu hút sự quan tâm của các em học sinh có nhu cầu học rất cụ thể, do đó rất nhiều tiềm năng nhưng hiếm có trường nào đào tạo quốc tế chuyên sâu tại phía Bắc. Việc ra mắt hai ngành học này nằm trong định hướng chiến lược phát triển trong năm năm tới của RMIT để tăng cường định vị là đại học hàng đầu về công nghệ, thiết kế và doanh thương.
Với ngành Kỹ sư (Kỹ thuật phần mềm), sinh viên sẽ được đào tạo bài bản trong hệ thống phòng máy và trang thiết bị chuyên dụng được đầu tư lên tới 6 tỷ đồng và cơ hội chọn lựa các chuyên ngành phụ hấp dẫn, đang được săn đón như: AI, học máy, dữ liệu lớn, an toàn thông tin, lập trình game và thực tế hỗn hợp, công nghệ đám mây và phát triển hệ thống kỹ thuật doanh nghiệp.
Đặc biệt, sinh viên ngành này sẽ sở hữu lợi thế cạnh tranh lớn khi tốt nghiệp nhờ chương trình học đào sâu về chuyên môn, được công nhận bởi Hiệp hội Kỹ sư Australia. Nhờ đó, tân khoa sẽ đủ điều kiện làm việc ở vị trí kỹ sư tại nhiều nước trên thế giới, bao gồm Mỹ, Anh, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore.
Các vị trí tân khoa có thể đảm nhiệm sau khi ra trường cũng vô cùng phong phú, như kỹ sư thiết kế và phát triển hệ thống lớn và hệ thống nhúng, kỹ sư phát triển phần mềm, chuyên viên phân tích hệ thống hay chuyên viên tư vấn CNTT.
Ngoài ra, với tấm bằng Danh dự (Honours) của ngành Kỹ sư Phần mềm, nếu tốt nghiệp loại xuất sắc (1st class honours), sinh viên có cơ hội đăng ký học thẳng chương trình Tiến sĩ và chọn hướng đi làm nghiên cứu khoa học mà không phải thông qua chương trình Thạc sỹ.
Phạm Lê