“Không có nhà mạng, không có mạng lưới, không có Netflix, cũng không có Google”, đây là khẳng định của lãnh đạo nhà mạng Orange (Pháp).
Căng thẳng giữa các hãng viễn thông châu Âu và Big Tech Mỹ đang lên đến cao trào. Nhà mạng cho rằng, các công ty Internet lớn, chủ yếu của Mỹ, đã phát triển kinh doanh dựa trên hàng tỷ USD đầu tư vào hạ tầng Internet của họ.
Gần một nửa lưu lượng Internet ngày nay phát sinh từ Google, Netflix, Meta, Apple, Amazon và Microsoft. Do đó, các hãng viễn thông cho rằng những tập đoàn, doanh nghiệp lớn nên trả phí “công bằng” xét đến nhu cầu hạ tầng bất cân xứng của mình và hỗ trợ triển khai 5G, cáp quang thế hệ mới.
Ủy ban Châu Âu (EC) đã mở một cuộc tham vấn vào tháng trước để tìm phương án xử lý. Họ muốn nghe ý kiến xoay quanh việc có cần Big Tech đóng góp trực tiếp cho nhà mạng hay không. Song Big Tech phản bác điều này sẽ ảnh hưởng đến tính trung lập mạng.
Nhà mạng nói gì?
Trong hội nghị MWC 2023 vừa diễn ra, lãnh đạo doanh nghiệp viễn thông đã bày tỏ quan điểm của mình. Họ chi hàng tỷ USD để đặt cáp và lắp đặt ăng-ten nhằm đối phó với nhu cầu Internet tăng cao trong khi Big Tech không đầu tư tương ứng.
“Không có nhà mạng, không có mạng lưới, không có Netflix, cũng không có Google”, Michael Trabbia – Giám đốc công nghệ và đổi mới tại nhà mạng Orange (Pháp) – chia sẻ với CNBC. “Vì vậy, chúng tôi tuyệt đối quan trọng, là điểm khởi đầu cho thế giới số”.
Nhà mạng cho rằng, Big Tech phải trả phí cho hạ tầng Internet và hỗ trợ triển khai thế hệ mạng mới. (Ảnh: Bloomberg) |
Trong bài thuyết trình ngày 27/2, CEO tập đoàn viễn thông Deutsche Telekom Tim Hoettges cho khán giả xem ảnh minh họa, đại diện cho quy mô vốn hóa thị trường giữa các đối tượng tham gia trong ngành. Các “ông lớn” của Mỹ thống trị bản đồ này. Ông đặt câu hỏi, tại sao những công ty này không thể đóng góp dù chỉ tối thiểu cho hạ tầng, mà nhà mạng đang xây dựng tại châu Âu.
Howard Watson, Giám đốc Công nghệ nhà mạng BT, tin rằng Big Tech đóng phí là điều công bằng. Ông lấy ví dụ chợ ứng dụng của Google và Apple cũng thu phí nhà phát triển.
Big Tech nói gì?
Tất nhiên, Big Tech cực lực phản đối ý tưởng đóng phí hạ tầng Internet.
Cũng trong khuôn khổ MWC 2023, ngày 28/2, đồng CEO Netflix Greg Peters gọi đề xuất trả tiền cho hạ tầng mạng là một loại “thuế”, gây tác động ngược đến người tiêu dùng.
Yêu cầu những công ty như Netflix – vốn đã đầu tư không ít cho nội dung – thanh toán chi phí nâng cấp mạng sẽ khiến họ khó phát triển các chương trình phổ biến.
Doanh nghiệp công nghệ nêu quan điểm, nhà mạng đã nhận tiền để đầu tư vào hạ tầng từ khách hàng của mình – thông qua cước gọi điện, nhắn tin, data. Do đó, kêu gọi công ty Internet trả tiền đồng nghĩa họ muốn nhận gấp đôi số tiền này.
Người tiêu dùng có thể phải “hấp thụ” chi phí nói trên và “ảnh hưởng tiêu cực, đặc biệt trong thời buổi giá cả leo thang”, Matt Brittin – Giám đốc Google EMEA – nói hồi tháng 9/2022.
Bên cạnh đó, Big Tech cho rằng mình đã đầu tư khổng lồ vào hạ tầng viễn thông châu Âu, bao gồm cáp quang biển và cụm máy chủ.
Cuộc tranh luận về “công bằng” khiến một số người lo ngại các nguyên tắc của trung lập mạng – tự do, cởi mở và không ưu ái bất kỳ dịch vụ nào – có thể bị suy yếu. Các hãng công nghệ lo lắng ai trả nhiều tiền hơn cho hạ tầng sẽ được truy cập mạng tốt hơn. Theo Brittin của Google, nó dẫn đến các biện pháp phân biệt đối xử giữa các loại lưu lượng và xâm phạm quyền của người dùng cuối.
Một giải pháp ngắn hạn là truyền tải nội dung “so le” tại các thời điểm khác nhau để xoa dịu lưu lượng mạng.
Những cuộc tranh luận như vậy đã khá cũ. Trong hơn một thập kỷ, nhà mạng cũng phàn nàn về các dịch vụ OTT như WhatsApp, Skype vì “xài miễn phí” mạng lưới của họ. Dù vậy, năm nay có chút khác biệt, đó là sự có mặt của một quan chức EU cấp cao tại MWC.
Thierry Breton, Giám đốc Thị trường nội bộ của EC, cho rằng EU phải tìm ra mô hình tài chính cho các khoản đầu tư khổng lồ, cần thiết để phát triển mạng di động thế hệ mới và các công nghệ mới nổi như vũ trụ ảo. Điều quan trọng là không làm suy yếu trung lập mạng.
(Theo Vietnamnet)