Nhà chức trách Trung Quốc cho biết, sẽ siết chặt quản lý video ngắn để ngăn trẻ em ‘nghiện ngập’.
Ngày càng nhiều trẻ em xem TikTok thường xuyên. (Ảnh: Gimme) |
Hôm 27/2, Cơ quan Quản lý Phát thanh và Truyền hình Quốc gia của Trung Quốc (NRTA) nhấn mạnh đến việc “tạo ra không gian trong sạch cho video ngắn, cải thiện mức độ bảo vệ người vị thành niên, đóng vai trò tích cực trong nuôi dưỡng tình cảm, khai sáng tâm trí và các xu hướng hàng đầu”. NRTA đã tổ chức cuộc họp nội bộ về vấn đề quản lý video ngắn vào ngày 22/2.
Tuyên bố của NRTA là động thái mới nhất trong chiến dịch siết chặt các quy định xoay quanh livestream, video game, sử dụng Internet của người vị thành niên từ hơn 1 năm trước. Dù chưa đưa ra biện pháp cụ thể, các chính sách được giới thiệu năm ngoái bao gồm: Cấm người vị thành niên tặng tiền cho livestreamer, yêu cầu các nền tảng stream và mạng xã hội trong nước tiến hành đánh giá việc bảo vệ người vị thành niên.
Các nền tảng video ngắn như Douyin, Kuaishou đã ra mắt chế độ riêng, dành cho người vị thành niên theo hướng dẫn của Cơ quan Quản lý Không gian mạng Trung Quốc vào tháng 3/2019. Chế độ áp đặt các hạn chế đối với thời gian trực tuyến, chức năng của dịch vụ.
Theo báo cáo của Trung tâm nghiên cứu Trẻ em và Thanh niên Trung Quốc, khoảng 65,6% người vị thành niên tham gia khảo sát cho biết xem video ngắn, 20% thừa nhận “luôn luôn” xem video ngắn. Dữ liệu từ Trung tâm Thông tin mạng Internet Trung Quốc chỉ ra, số lượng người dùng các sản phẩm video ngắn trong nước đạt 962 triệu, chiếm 91,5% tổng số người dùng Internet toàn quốc, số người dùng dưới 19 tuổi là 186 triệu, tính đến tháng 6/2022.
Bên cạnh video ngắn, Cơ quan Quản lý Báo chí và Xuất bản Quốc gia Trung Quốc – đơn vị phụ trách bản quyền video game – ra thông báo vào tháng 8/2021, yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ game online chỉ cho người vị thành niên chơi game từ 8 giờ đến 9 giờ tối thứ Sáu, Bẩy, Chủ nhật cũng như các ngày lễ để ngăn ngừa nạn nghiện game.
(theo ICTnews)