(VnMedia) - Hơn 600 học sinh tiểu học và 34 giáo viên ở Lào Cai và Sơn La đã được tiếp cận dự án giáo dục STEM được tổ chức bởi MSD với sự hỗ trợ từ Công ty 3M.
Mục tiêu phát triển bền vững số 4 của Liên Hiệp Quốc về Giáo dục chất lượng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo chất lượng giáo dục toàn diện và sự công bằng trong giáo dục, đồng thời thúc đẩy cơ hội học tập lâu dài cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, việc tiếp cận các tài liệu học tập và giáo dục STEM hiện nay vẫn là một thách thức đối với học sinh và giáo viên sống ở các vùng nông thôn, miền núi ở Lào Cai và Sơn La.
Ngoài ra, kết quả khảo sát được thực hiện vào tháng 8 năm 2022 của Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) tại 2 trường tiểu học ở Lào Cai đã cho thấy rằng để đưa giáo dục STEM đến các vùng này, các trường học cần phải được cải thiện về cơ sở vật chất, tài liệu giáo dục và truyền thông; đồng thời giáo viên cần được đào tạo về chủ đề STEM và nắm bắt được phương pháp tích hợp giáo dục STEM để có thể thiết kế bài giảng và tổ chức các buổi sinh hoạt thú vị, từ đó đạt mục tiêu giáo dục STEM đối với học sinh.
Với mục tiêu đó, MSD đã nhận được khoản tài trợ GlobalGiving trị giá 25.000 USD, tương đương với 586 triệu đồng, được thực hiện với sự hợp tác của Công ty Khoa học Toàn cầu 3M cho Dự án “STEMkidVN” nhằm đưa giáo dục STEM đến các trường tiểu học tại Lào Cai và Sơn La từ tháng 8 năm 2022 đến cuối tháng 1 năm 2023.
Theo báo cáo của MSD, dự án đã hỗ trợ hơn 600 học sinh và 34 giáo viên tại 6 trường tiểu học trên địa bàn hai tỉnh này nhằm nâng cao khả năng tiếp cận giáo dục STEM thông qua việc cải thiện cơ sở vật chất, thiết bị và tài liệu học tập, đặc biệt là xây dựng phòng học chuẩn STEM. Phòng học được trang bị đầy đủ các dụng cụ, thiết bị, tài liệu phục vụ việc học và thực hành STEM cho hơn 400 học sinh tại Lào Cai.
Phòng học STEM (Nguồn: MSD) |
Bên cạnh việc lan tỏa niềm yêu thích STEM tới các em học sinh, dự án còn tổ chức các khoá tập huấn nhằm khuyến khích và trang bị kỹ năng cho 34 giáo viên và lãnh đạo của 4 trường tiểu học tại xã Bản Lầu, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai đưa các hoạt động liên quan đến giáo dục STEM vào chương trình học để có thể khơi gợi tính sáng tạo của học sinh trong lĩnh vực khoa học.
Sau khi tham gia các khóa tập huấn trong khuôn khổ dự án, giáo viên và lãnh đạo tại các trường cũng xây dựng thành công các hoạt động giáo dục STEM để lồng ghép vào quá trình giảng dạy chính và chuỗi sinh hoạt trải nghiệm STEM hàng tuần cho các học sinh.
Các hoạt động trải nghiệm STEM hàng tuần kéo dài trong 2 tháng đã thu hút sự tham gia của 400 học sinh của trường tiểu học Bản Lầu, giúp các em có cơ hội tiếp cận, khám phá và mở rộng kiến thức STEM.
Đồng thời, dự án cũng thành công xây dựng mô hình CLB STEM với hơn 20 học sinh nòng cốt, bao gồm cả trẻ em gái và trẻ em người dân tộc thiểu số để các em được thoả sức sáng tạo và nuôi dưỡng niềm đam mê khoa học của mình.
Dự án cũng đồng thời tăng cường sự tham gia của các phụ huynh, trường học và chính quyền địa phương, trong đó nhấn mạnh vai trò và đóng góp của giáo viên cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở vùng cao.
Các tình nguyện viên từ CLB tình nguyện - Học viên Ngoại giao Việt Nam cũng đã đóng góp cho dự án với hoạt động tặng tài liệu giáo dục STEM cho 100 học sinh khó khăn tại trường tiểu học Mường Bám 2 tại xã Mường Bám, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La.
Phạm Lê