Nhiều tên tuổi đình đám trong giới công nghệ Trung Quốc đang gấp rút phát triển các phiên bản ChatGPT của riêng mình bất chấp nghi vấn về triển vọng của ứng dụng này.
AI luôn là một trong những lĩnh vực cạnh tranh khốc liệt nhất giữa Trung Quốc và Mỹ. Nguồn: AP |
Trong tuần này, tập đoàn Alibaba Group Holding, Tencent Holdings, Baidu, NetEase và JD.com đều đã công bố kế hoạch thử nghiệm và ra mắt các dịch vụ tương tự như ChatGPT trong thời gian tới, nhằm cạnh tranh với các đối thủ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) đến từ Mỹ .
Kể từ khi ra mắt vào tháng 11/2022, với sự hậu thuẫn của Microsoft, ChatGPT đang dẫn đầu trên con đường trở thành ứng dụng phát triển nhanh nhất trong lịch sử. Đáp lại các câu hỏi của cư dân mạng, chatbot này có thể trả lời bằng những thông tin hữu ích hoặc thậm chí là những câu châm chọc gây cười.
Gần đây, Google cũng cho ra mắt một sản phẩm tương tự với tên gọi Bard AI. Tuy nhiên, tình hình có vẻ không mấy khả quan khi mà giá cổ phiếu của công ty mẹ Alphabet giảm mạnh vào hôm 8/2 kể từ khi ra mắt công nghệ này.
Có thể thấy cạnh tranh trong AI cũng mang lại những ý nghĩa địa chính trị nhất định khi đây là một trong những lĩnh vực thường xuyên xảy ra xung đột trong cuộc chiến công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc.
Cổ phiếu của Baidu đã tăng lên mức cao nhất trong 11 tháng vào hôm 6/2 sau khi công ty này tiết lộ kế hoạch ra mắt "Ernie Bot" - ứng dụng tương tự ChatGPT, dựa trên công nghệ mà công ty đã phát triển từ năm 2019. Ông lớn này đặt mục tiêu hoàn thành thử nghiệm nội bộ vào tháng 3/2023 trước khi ra mắt công chúng.
Sau Baidu, Alibaba cũng đang thử nghiệm nội bộ một ứng dụng tương tự như ChatGPT mà không tiết lộ thêm bất kỳ chi tiết nào. Vào ngày 9/2, cổ phiếu của tập đoàn này đánh dấu mức tăng 3,96% tại Hồng Kông sau khi công bố thông tin trên.
Cũng vào hôm 9/2, Tencent gia nhập đường đua bằng việc xác nhận các kế hoạch trong tương lai của mình đều hướng tới tạo ra ứng dụng tương tự ChatGPT.
Nhà bán lẻ trực tuyến JD.com đang có kế hoạch tích hợp một số công nghệ làm nền tảng cho các ứng dụng giống như ChatGPT, chẳng hạn như xử lý ngôn ngữ một cách tự nhiên trong các sản phẩm của mình. Trong khi đó, “gã khổng lồ” NetEase cho biết họ đang nghiên cứu việc kết hợp nội dung do AI tạo ra vào các sản phẩm của mình.
"Hiển nhiên chúng ta có thể sử dụng những nội dung do AI tạo ra. Khi có một động thái nào lớn, các công ty chắc chắn sẽ cho chúng ta biết điều đó, tuy nhiên một vài công ty chỉ biết hô hào thay vì hành động cụ thể" – Nikkei dẫn lời giám đốc điều hành của một trong những công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc.
Ông cho biết thêm: "Cũng cần phải đề cập đến sự kiểm duyệt nghiêm ngặt của Trung Quốc đối với không gian mạng, điều này cũng sẽ khiến cho việc sáng tạo công nghệ AI trở nên khó khăn hơn".
Ông Kai Wang, nhà phân tích cao cấp của Morningstar Asia Limited, cho biết nhiều công ty AI Trung Quốc xem công nghệ tương tự ChatGPT là động lực thúc đẩy tăng trưởng dài hạn cho sản phẩm của họ, vì vậy thấy Baidu công bố kế hoạch ra mắt sản phẩm tương tự vào tháng 3, nhiều công ty khác cũng muốn tận dụng cơ hội này.
Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo về những điều không chắc chắn liên quan đến cách thức hoạt động của một chatbot ở Trung Quốc, vì những sản phẩm này vẫn đang trong giai đoạn phát triển ban đầu.
Ông nói: "Có rất nhiều điều không chắc chắn về việc cạnh tranh, quy định và cách vận hành trong giai đoạn này. Chúng tôi cũng phải xem xét cẩn thận về việc kiếm tiền từ các sản phẩm này và nguy cơ giảm lợi nhuận".
Vào hôm 9/2, các cổ phiếu liên quan đến lĩnh vực AI của Trung Quốc đã sụt giảm sau khi truyền thông nhà nước cảnh báo về những rủi ro xung quanh việc thổi phồng quá mức ứng dụng mới ra đời này.
Theo Kinhtedothi