Ngày 6/2, tập đoàn Alphabet Inc - công ty mẹ của Google ra mắt một dịch vụ chatbot mới có tên “Bard” nhằm cạnh tranh với ứng dụng ChatGPT của OpenAI đang tạo “cơn sốt” trên khắp thế giới trong thời gian vừa qua.
|
Theo CEO của Google và Alphabet, ông Sundar Pichai, một nhóm người dùng sẽ được Google lựa chọn để tham gia thử nghiệm các tính năng của Bard trước khi công cụ này chính thức được cung cấp tới công chúng trong một vài tuần tới.
Tương tự ChatGPT, Bard được xây dựng dựa trên mô hình ngôn ngữ lớn. Các mô hình này được đào tạo dựa trên kho dữ liệu trực tuyến khổng lồ để đưa ra các phản hồi thuyết phục đối với những yêu cầu truy vấn từ phía người dùng.
“Bard kết hợp kho tàng tri thức vô tận của thế giới với sức mạnh, trí thông minh và sự sáng tạo của các mô hình ngôn ngữ lớn của chúng tôi. Dựa trên thông tin từ các trang web, nó có thể đưa ra những phản hồi chất lượng cao và cập nhật” - CEO Google cho hay.
Google ra mắt công cụ chatbot Bard trong bối cảnh sản phẩm cốt lõi của hãng là ‘tìm kiếm trực tuyến’ (Google Search) hiện được cho là đang đối mặt với nguy cơ nghiêm trọng nhất trong nhiều năm trở lại đây do sự xuất hiện của ChatGPT.
Đến tay công chúng từ cuối tháng 11/2022, ứng dụng chatbot ChatGPT của công ty khởi nghiệp OpenAI đã được sử dụng để tạo các bài tiểu luận, các câu chuyện và lời bài hát, cũng như trả lời một số câu hỏi mà trước đây người ta có thể tìm kiếm trên Google.
“Cơn sốt” mang tên ChatGPT được cho là đã khiến ban lãnh đạo của Google phải bật chế độ “báo động đỏ” đối với lĩnh vực kinh doanh dịch vụ tìm kiếm trực tuyến.
Trong một bài đăng trên Twitter hồi năm ngoái, ông Paul Buchheit, đồng sáng lập Gmail đã cảnh báo rằng, Google “có thể chỉ còn một hoặc hai năm nữa là sẽ bị vượt mặt hoàn toàn” bởi sự “trỗi dậy” của các ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Mới đây, Microsoft đã công bố kế hoạch đầu tư hàng tỷ USD vào OpenAI, đồng thời cho biết sẽ tích hợp công cụ chatbot ChatGPT vào một số sản phẩm của mình. Trong đó, có tin đồn rằng tập đoàn này đang lên kế hoạch tích hợp ChatGPT vào công cụ tìm kiếm của hãng, Bing.
Công nghệ nền tảng đằng sau ứng dụng Bard là LaMDA, viết tắt của ‘Language Model for Dialogue Applications’ (mô hình ngôn ngữ cho các ứng dụng đối thoại).
Trong bản demo các tính năng của chatbot mới, Google đã đưa ra thí dụ về một người dùng yêu cầu Bard giải thích những khám phá mới do kính viễn vọng không gian James Webb của NASA thực hiện theo cách mà một đứa trẻ 9 tuổi có thể thấy thú vị. Bard sau đó đã đưa ra câu trả lời bằng 3 gạch đầu dòng trong bảng hội thoại.
Ông Sundar Pichai cho biết, Google sẽ sớm triển khai các công cụ được hỗ trợ bởi AI trên công cụ tìm kiếm cốt lõi của hãng là Google Search. “Thời gian tới, các tính năng được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo sẽ xuất hiện trên Google Search, giúp chắt lọc các thông tin phức tạp thành các định dạng dễ hiểu để người dùng nhanh chóng hiểu được bức tranh toàn cảnh và có thể tìm hiểu thêm từ các trang web”.
(theo Nhandan.vn)