- Làm việc trên dây chuyền lắp ráp iPhone chắc chắn không phải là một công việc hấp dẫn. Thậm chí có thể coi đó là công việc nhàm chán và lặp đi lặp lại mà không phải ai cũng muốn nhận trừ khi họ không tìm được một công việc tốt hơn với mức lương ổn thỏa.
Mới đây, một ấn phẩm phi lợi nhuận Rest of the World đã đăng câu chuyện về Hunter (tên của nhân vật đã được thay đổi), một người đàn ông 34 tuổi làm việc trong nhà máy Foxconn tại Trịnh Châu, Trung Quốc. Đây là nhà máy lắp ráp iPhone lớn nhất tại Trung Quốc và sản xuất khoảng 50% số lượng iPhone phát hành trên thế giới, bao gồm cả iPhone 14 Pro và iPhone 14 Pro Max.
Nhà máy Foxconn tại Trịnh Châu cũng là cơ sở chịu trách nhiệm về sự thiếu hụt tạm thời các mẫu dòng iPhone 14 Pro vào tháng 11/2022 sau khi Trung Quốc bắt đầu áp dụng lệnh phong tỏa do COVID. Công nhân tại các dây chuyền lắp ráp không muốn phải ăn uống sinh hoạt trong ký túc xá, hoặc buộc phải sống trong khuôn viên nhà máy, nên đã tìm cách trốn khỏi nhà máy và gây ra tình trạng thiếu nhân công làm việc một cách trầm trọng.
Vài tuần sau, những người mới tuyển dụng tuyên bố rằng, Foxconn đã không thực hiện theo đúng những gì đã thỏa thuận trong hợp động ký kết với họ, trong khi phía lãnh đạo nhà máy lại cho rằng đây là thiếu sót về mặt thủ tục trong gia hạn hợp đồng dẫn đến bạo lực xảy ra giữa công nhân nhà máy và nhân viên bảo vệ. Cuối cùng, phía lãnh đạo nhà máy và công nhân đã giải quyết ổn thỏa vấn đề, việc sản xuất dòng iPhone 14 Pro hiện đã trở lại bình thường nhưng cũng khiến Apple mất khoảng 6 tỷ USD doanh số iPhone.
Công việc hiện tại của Hunter là "bắt vít" tại nhà máy lắp ráp iPhone
Công việc hiện tại của Hunter tại nhà máy được gọi là "làm việc với những con ốc vít". Anh ấy nhặt phần nắp sau của chiếc iPhone và một sợi cáp nhỏ dùng để sạc pin cho chiếc điện thoại. Sau khi quét mã QR của cả hai phần, anh bóc lớp băng dính phía sau và kết nối hai phần bằng cách siết chặt hai con vít. Khi nhiệm vụ hoàn thành, các bộ phận mà anh ta vừa làm được đưa lên băng chuyền và gửi đến trạm tiếp theo.
Công nhân dây chuyền lắp ráp có 60 giây để hoàn thành nhiệm vụ của mình. Mỗi ngày, Hunter có một ca làm việc kéo dài 10 tiếng, trong đó anh gắn 600 dây cáp vào 600 vỏ máy bằng 1.200 con vít. Điều đó có nghĩa là một mình anh ấy đã góp phần hoàn thiện khoảng 600 chiếc iPhone mỗi ngày để mang chúng đến tay người dùng cuối. Môi trường làm việc của Hunter được xem như một “nồi áp suất” đầy căng thẳng. Căn phòng nơi anh làm việc không có cửa sổ và nồng nặc mùi clo. Hunter đeo khẩu trang và áo choàng chống tĩnh điện khi làm việc.
Hunter chia sẻ với tạp chí Rest of the World, "Tôi cảm thấy chúng tôi không có quyền và phẩm giá trong phân xưởng của nhà máy. Một số quản lý dây chuyền không thể sống một ngày mà không la mắng mọi người." Vì Apple tập trong sản xuất theo thời vụ, có nghĩa là thời điểm bận rộn nhất trong năm của nhà máy là vào tháng 9 và tháng 10 khi các mẫu iPhone mới được công bố và phát hành. Tốc độ sản xuất điên cuồng tiếp tục qua các ngày lễ và tiếp tục qua tháng Giêng hoặc tháng Hai khi Tết Nguyên đán đến gần.
Để đảm bảo có đủ công nhân điều khiển dây chuyền lắp ráp, Foxconn trả lương cho công nhân của mình cao hơn mức lương mà một công nhân bình thường trong nước được trả. Bữa trưa kéo dài 60 phút được tính giờ nghiêm ngặt và bất kỳ thời gian nào trong phòng vệ sinh cũng cần được bù lại. Các trưởng dây chuyền quan sát dây chuyền lắp ráp bằng máy tính và nhanh chóng loại bỏ những người không theo kịp tiến độ.
Foxconn trả lương cao hơn cho công nhân ở Trịnh Châu
Một công nhân khác của Foxconn, từng là đầu bếp đã giải thích lý do anh chuyển nghề để làm việc trên dây chuyền lắp ráp iPhone căng thẳng. Anh ấy nói, "Thật khó để kiếm sống ở nơi khác, vì vậy chúng tôi đã đến nhà máy. Chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài làm việc với mức lương cao cho Foxconn."
Nói về tiền lương, một công nhân từng làm việc cho Foxconn trước đây, nhưng không làm việc trong dây chuyền lắp ráp cho biết, năm ngoái, ngay trước khi phát hành dòng iPhone 14, anh ấy đã nhìn thấy một áp phích tuyển dụng của Foxconn đưa ra khoản tiền thưởng tương đương 1.474 USD cho những công nhân ở lại làm việc hơn 90 ngày. Vì vậy, anh quay trở lại làm việc tại nhà máy. Nhưng vào tháng 10, khi lệnh phong tỏa COVID bắt đầu, anh ấy buộc phải lựa chọn từ bỏ căn hộ bên ngoài nhà máy và sống trong ký túc xá hoặc nghỉ việc. Anh ấy đã chọn cái sau.
Nhưng vào tháng 12, sau khi bị cách ly trong căn hộ ở Trịnh Châu trong nhiều tuần, Hunter tình cờ thấy một tờ rơi tuyển dụng khác từ Foxconn hứa hẹn với công nhân khoản tiền thưởng hàng tháng tương đương 885 USD cho những người làm việc đủ ít nhất 26 ngày trong tháng 12/2022 và 23 ngày trong tháng 1/2023. Trên mạng xã hội, đây được gọi là thử thách 60 ngày của Foxconn. Vì vậy, Hunter đã trải qua quá trình quen thuộc và trở lại làm việc cho Foxconn. Lần này, anh làm việc trên dây chuyền lắp ráp iPhone.
Vì vậy, có vẻ như đối với những người lao động như Hunter, chính mức lương tương đối cao đã thu hút nhân viên ngay khi họ cần nhất. Số tiền này có thể không so sánh với mức lương của công nhân viên chức cổ cồn xanh ở nhiều nơi, nhưng ở Trịnh Châu, tiền thưởng của Foxconn rất hấp dẫn đối với những người chịu được áp lực.
Hoàng Thanh