- Trong bối cảnh hiện nay, việc phát triển thương mại điện tử (TMĐT) gắn liền với các chiến lược, chính sách phát triển kinh tế số, xã hội số, chuyển đổi số quốc gia. Điều này đã được cụ thể hóa tại Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 645/ QĐ-TTg ngày 15/5/2020.
Với tầm quan trọng của tên miền “.vn” trong hoạt động về chuyển đổi số quốc gia, “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 đã xác định “… Dịch vụ trực tuyến của các cơ quan nhà nước, báo điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, giáo dục, y tế, thương mại điện tử của Việt Nam sử dụng tên miền quốc gia (.vn)” là giải pháp để phát triển hạ tầng số và là nhiệm vụ quan trọng, tạo nền móng cho chuyển đổi số quốc gia.
Để đa dạng hóa kênh bán hàng và tiếp cận khách hàng tốt hơn, các doanh nghiệp đã sử dụng mô hình bán hàng đa kênh. Tuy nhiên trong mô hình bán hàng đa kênh (dù là Multi-chanel hay Omni channel) thì doanh nghiệp cần phải chú ý đến việc xây dựng một website bán hàng chuyên nghiệp, bên cạnh các kênh tiếp cận khác (mạng xã hội, sàn TMĐT…). Website bán hàng với tên miền riêng được cho là kênh TMĐT bền vững và uy tín, giúp thương hiệu của doanh nghiệp hiện diện, tin cậy trên mạng Internet.
Thực tế, trước làn sóng thịnh hành của kinh doanh online, không sở hữu một website chuyên nghiệp chẳng khác gì doanh nghiệp mở cửa sổ bán hàng nhưng lại chốt cửa chính. Do đó, không phải ngẫu nhiên mà doanh nghiệp khi chuyển hướng kinh doanh online đều bắt đầu từ việc xây dựng một trang web uy tín, chuyên nghiệp và xem đó là một công cụ bán hàng. Website còn được ví như tấm chứng minh thư giới thiệu danh tính, địa chỉ và nhận diện thương hiệu của chính công ty trên môi trường điện tử.
Trong những năm gần đây, thị trường TMĐT ngày càng được mở rộng và hiện đã trở thành phương thức kinh doanh phổ biến được doanh nghiệp, người dân biết đến. Sự đa dạng về mô hình hoạt động, về đối tượng tham gia, về quy trình hoạt động và chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ với sự hỗ trợ của hạ tầng Internet và ứng dụng công nghệ hiện đại đã đưa TMĐT trở thành trụ cột quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế số của quốc gia.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, thị trường TMĐT càng trở nên sôi động hơn và việc ứng dụng công nghệ số, xây dựng kênh phân phối mới đang trở thành một phương án hữu hiệu cho các doanh nghiệp Việt Nam vượt qua khó khăn mang đến cơ hội mới từ nhu cầu mới phát sinh của thị trường. Thói quen mua hàng của người tiêu dùng Việt Nam tại thị trường nội địa cũng dần dịch chuyển từ mua hàng truyền thống sang hình thức mua hàng online thông qua phương tiện điện tử. Kết quả điều tra, khảo sát của Bộ Công Thương cho thấy, tính đến năm 2020, Việt Nam có 49,3 triệu người tham gia mua sắm trực tuyến (số liệu này năm 2016 mới chỉ ghi nhận 32,7 triệu người).
Sàn thương mại điện tử là website/ứng dụng thương mại điện tử cho phép các thương nhân, tổ chức, cá nhân có thể tiến hành bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trên website/ứng dụng đó. Người bán trên sàn thương mại điện tử không phải là chủ sở hữu hoặc người quản lý website thương mại điện tử đó.
Sàn TMĐT có ưu điểm là người bán nhanh chóng tiếp cận được các khách hàng trên sàn TMĐT, không cần có kiến thức về quản trị website vì đã có đội ngũ kỹ thuật của sàn TMĐT phụ trách. Nhược điểm là phụ thuộc hoàn toàn chính sách của sàn TMĐT về chi phí gian hàng, chiết khấu, quảng cáo,…; thương hiệu của doanh nghiệp, sản phẩm, dịch vụ của người bán hàng bị mờ nhạt; tâm lý khách mua không đánh giá cao độ tin cậy cho hàng hóa bán trên sàn TMĐT.
Không phải ngẫu nhiên mà phần lớn doanh nghiệp khi chuyển hướng kinh doanh online đều bắt đầu từ việc xây dựng một trang web uy tín, chuyên nghiệp. Website là công cụ quan trọng nếu doanh nghiệp muốn kinh doanh bền vững. Hơn cả một công cụ bán hàng, website còn được ví như tấm chứng minh thư giới thiệu danh xưng, địa chỉ và nhận diện thương hiệu của chính công ty trên thị trường trực tuyến.
Website là cái gốc của doanh nghiệp khi bắt đầu tham gia thương mại điện tử. Dù doanh nghiệp có bao nhiêu kênh bán hàng trực tuyến, website vẫn là nơi khách hàng tìm đến để tra cứu thông tin và quyết định đặt niềm tin vào doanh nghiệp.
Một cuộc khảo sát được Trung tâm Internet Việt Nam thực hiện năm 2021 cho thấy, có đến gần 98% người tiêu dùng có sử dụng Internet đã từng mua hàng trực tuyến. Điều đặc biệt, những người tiêu dùng trực tuyến này thường xuyên duy trì thói quen truy cập website của sản phẩm/doanh nghiệp để tìm hiểu kỹ lưỡng thông tin trước khi quyết định mua hàng (đặc biệt với các sản phẩm có giá trị lớn, sản phẩm tiêu dùng có ảnh hưởng đến sức khỏe…).
Khi người tiêu dùng được hỏi về độ tin cậy khi mua hàng trên các website có sử dụng tên miền khác nhau, bao gồm tên miền quốc gia “.vn” và tên miền quốc tế, hơn 85% người được hỏi đánh giá họ thấy website với tên miền quốc gia “.vn” có độ tin cậy vượt trội so với tên miền quốc tế. Có thể thấy, tên miền quốc gia “.vn” đã và đang đạt được những giá trị nhận diện nhất định đối với người sử dụng Internet ở Việt Nam, khẳng định được độ tin cậy của website cũng như thương hiệu sản phẩm.
Cũng theo xu hướng đó, theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã quy định “Chuyển đổi toàn bộ mạng Internet Việt Nam sang ứng dụng địa chỉ giao thức Internet thế hệ mới (IPv6). Dịch vụ trực tuyến của các cơ quan nhà nước, báo điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, giáo dục, y tế, thương mại điện tử của Việt Nam sử dụng tên miền quốc gia (.vn)”.
Phạm Lê