Những giải pháp phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam

0
0

- Vi mạch bán dẫn được xem là nền tảng của tính toán hiện đại, giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong bối cảnh thế giới bước sang giai đoạn bùng nổ nghiên cứu, ứng dụng và phát triển các công nghệ mới như AI, IoT, 5G, Big Data...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Công nghiệp vi mạch bán dẫn ngày càng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, giữ vai trò quan trọng trong việc quyết định giá thành và làm tăng chức năng hoạt động của tất cả các hệ thống điện tử, công nghệ thông tin, viễn thông, tự động hóa.

Theo số liệu của Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn SIA, doanh số của lĩnh vực bán dẫn vi mạch năm 2021 là xấp xỉ 556 tỷ USD và dự đoán đạt 1000 tỷ USD vào năm 2030. Lĩnh vực công nghệ thay đổi nhanh chóng, các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, xe tự hành... đều được xây dựng dựa trên vi mạch bán dẫn.

Việt Nam có lợi thế về quy mô dân số gần 100 triệu người, cùng với định hướng chuyển đổi số của Chính phủ và tham gia đầu tư của nhiều tập đoàn hàng đầu trên thế giới như: Samsung, LG, Foxconn, Panasonic, Cannon... sẽ là điều kiện thuận lợi cho thị trường công nghiệp chip bán dẫn. Cùng với đó, một yếu tố thuận lợi nữa để gia tăng vị thế trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu của Việt Nam, nhất là về vị trí địa lý, đó là có quan hệ gần gũi với các cường quốc bán dẫn như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Mỹ và đồng minh xây dựng chuỗi cung ứng bán dẫn mới, trong đó coi trọng các nước ASEAN và Việt Nam. Hiện đang có làn sóng chuyển dịch đầu tư và hợp tác đào tạo kỹ sư thiết kế chip sang Việt Nam, cụ thể Apple, Samsung, Synopsys...

Theo phân tích của các chuyên gia, Việt Nam vẫn có cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu nếu có kế hoạch dài hạn phù hợp thu hút đầu tư, hợp tác, tham gia các công đoạn sản xuất từ thấp đến cao (đóng gói, kiểm tra, sản xuất,..) với các nước sản xuất chip. Ngoài ra, Việt Nam có thể tham gia chuỗi cung cấp nguyên liệu sản xuất chip từ việc hợp tác khai thác các nguồn nguyên vật liệu tiềm năng, đặc biệt là đất hiếm.

Việt Nam có lợi thế nguồn nhân lực dồi dào. Nhu cầu nguồn nhân lực kỹ sư thiết kế chip là rất lớn và cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn được dự báo sẽ rất phát triển trong một thập kỷ tới đây.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế, Việt Nam lại chưa có Chiến lược phát triển công nghiệp Vi mạch bán dẫn quốc gia để có kế hoạch phát triển, lộ trình phù hợp, giúp phát huy hiệu quả mọi lực nguồn lực; Chưa có cơ quan/bộ phận chuyên trách về phát triển ngành bán dẫn; Chưa có chính sách ưu đãi và hoặc trợ cấp, hỗ trợ tài chính đặc thù cho lĩnh vực bán dẫn phát triển.

Thêm vào đó, vấn đề kết nối phát huy nguồn lực của các chuyên gia, doanh nghiệp, nhà nước... để phát triển công nghiệp chip bán dẫn chưa hiệu quả. Việt Nam đang phụ thuộc 100% nguồn cung chip bán dẫn từ nước ngoài: Broadcom, Hitachi, Qualcomm, Samsung, SK Hylix,... Các công ty trong nước lại chỉ tham gia với công đoạn thiết kế chip, các công ty trong nước có vốn đầu tư nước ngoài đa phần thực hiện các công đoạn gia công thiết kế vi mạch, lắp rắp, kiểm định.

Về dài hạn, việc triển khai chiến lược chuyển đổi kinh tế số giai đoạn 2021 - 2030 với mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GDP, đến năm 2030 chiếm 30% GDP, sẽ gặp thách thức do Việt Nam khó chủ động về nguồn cung, giá thành chip và thiết bị công nghệ khiến nguy cơ không đảm bảo an ninh, an toàn thông tin cao hơn.

Việt Nam phải đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt từ các nước khu vực (Thái Lan, Singapore, Malaysia,...) trong thu hút đầu tư và gia tăng vị thế trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.

Việt Nam chưa có nhà máy sản xuất chip bán dẫn. Trong trường hợp có xung đột chính trị hoặc có quan hệ căng thẳng với nước sản xuất chip, Việt Nam có thể chịu tác động rất lớn do không làm chủ được công nghệ và sản xuất.

Thách thức nguồn nhân lực chất lượng cao, ngành công nghiệp vi mạch Việt Nam đang ở công đoạn gia công (cả ở công đoạn thiết kế và sản xuất), chưa xuất hiện đội ngũ kỹ thuật ở mức tổng công trình sư làm chủ sản phẩm hoàn chỉnh.

Những đề xuất định hướng, giải pháp phát triển

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam cần xây dựng Chiến lược phát triển công nghiệp Vi mạch bán dẫn quốc gia để có kế hoạch phát triển, lộ trình phù hợp, giúp phát huy hiệu quả mọi nguồn lực

Việt Nam khó có thể không trông chờ việc thu hút các doanh nghiệp FDI (Intel, Synopsys...) để nâng cao năng lực công nghệ sản xuất và thiết kế vi mạch. Cùng với đó, chúng ta cũng cần có kế hoạch phát triển nhân lực vi mạch bán dẫn và xác định nguồn nhân lực là yếu tố quyết định thành công phát triển của công nghiệp vi mạch Việt Nam.

Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ phát triển các trung tâm đào tạo nhân lực vi mạch tiếp cận theo hướng chuyên sâu phù hợp với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, ví dụ như mô hình Trung tâm thiết kế vi mạch tại Khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh (SCDC).

Đây là kết quả hợp tác giữa Khu Công nghệ cao và Công ty Synopsys (Mỹ) và được xây dựng trên nguồn lực xã hội hóa. Trung tâm SCDC cung cấp các chương trình phần mềm thiết kế của Synopsys đến các trường, viện thông qua mạng riêng ảo (VPN); tổ chức các khóa đào tạo cao cấp về thiết kế vi mạch, cung cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ đóng gói và thử nghiệm vi mạch, kết nối doanh nghiệp với nhà nghiên cứu, xây dựng thị trường thiết kế vi mạch cho Việt Nam và hợp tác với các trung tâm thiết kế vi mạch của các quốc gia khác như: MOSIS (Mỹ), CMP (Pháp), IMEC (Bỉ), CIC (Đài Loan), IDEC (Korea), VDEC (Nhật Bản).

Cần có các chương trình tuyên truyền, quảng bá về vai trò quan trọng của nguồn nhân lực đối với phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn của Việt Nam rộng rãi hơn; Cần có chương trình kết nối đội ngũ tri thức Việt Nam, chuyên gia đầu ngành chip trên thế giới với các trường đào tạo, doanh nghiệp vi mạch trong nước để hợp tác kinh doanh, tiếp thu kiến thức, công nghệ chuyên sâu trong lĩnh vực vi mạch.

Nếu có chính sách, giải pháp phù hợp, Việt Nam vẫn có cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu nếu có kế hoạch dài hạn, chính sách, giải pháp đặc thù để thu hút đầu tư, hợp tác từ các nước cùng với sự quyết tâm mạnh mẽ từ cấp cao nhất của Chính phủ.

Phạm Lê


Ý kiến bạn đọc


Tắt sóng 2G: Thuê bao VinaPhone sẽ không bị bỏ lại phía sau

(VnMedia) - Nhằm giúp khách hàng đảm bảo quyền lợi sử dụng và dễ dàng trải nghiệm các tiện ích số, VinaPhone dành nhiều ưu đãi và hỗ trợ tối đa cho khách hàng.

Số lượng tiền điện tử bị đánh cắp trong các vụ hack trên toàn cầu tăng vọt

(VnMedia) - Các nhà nghiên cứu blockchain TRM Labs hôm 5/7 cho biết, số lượng tiền điện tử bị đánh cắp trong các vụ hack trên toàn cầu đã tăng hơn gấp đôi trong sáu tháng năm 2024 so với năm trước đó.

Cuối tuần, giá vàng đột ngột tăng rất mạnh

(VnMedia) - Chốt phiên giao dịch rạng sáng nay (6/7), giá vàng giao ngay tại thị trường New York bất ngờ bật tăng mạnh mẽ. Trong nước, chiều qua, giá vàng nhẫn tròn trơn của Bảo Tín Minh Châu tiếp tục vượt xa mức 76 triệu đồng/lượng.

Xác thực sinh trắc học trong giao dịch chuyển tiền trực tuyến: Người dùng nói gì?

(VnMedia) - Báo cáo nghiên cứu của Cốc Cốc dựa trên dữ liệu thu thập từ khảo sát trực tuyến trên nền tảng từ ngày 01/7 - 04/7/2024 đi sâu phân tích “phản ứng” của người dùng, cũng như những quan điểm về lợi ích và lo ngại liên quan đến quy định mới này…

Các giải pháp đảm bảo cung cấp điện 6 tháng cuối năm 2024

(VnMedia) - Để đảm bảo cung ứng điện cho hệ thống điện Quốc gia, đặc biệt tại khu vực miền Bắc trong các tháng còn lại của năm 2024, Cục Điều tiết Điện lực đã đưa ra 4 nhóm giải pháp.