Chính quyền liên bang cùng 8 tiểu bang tại Mỹ đệ đơn kiện chống độc quyền nhằm vào Google với cáo buộc công ty này đã sử dụng các phương tiện “phi pháp” để duy trì lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực quảng cáo và tìm kiếm.
Tuần qua, Bộ Tư pháp Mỹ đã kích hoạt đơn kiện Alphabet, công ty mẹ Google, với các cáo buộc công ty này đã lạm dụng sự thống trị trong lĩnh vực kinh doanh quảng cáo kỹ thuật số.
“Google đã sử dụng các biện pháp phi cạnh tranh, bất hợp pháp nhằm loại bỏ hoặc giảm thiểu đáng kể các mối đe doạ đối với sự thống trị của họ trên lĩnh vực công nghệ quảng cáo kỹ thuật số”, trích cáo buộc của cơ quan chức năng trong đơn kiện chống độc quyền.
Google đang thống trị lĩnh vực tìm kiếm và quảng cáo kỹ thuật số. Ảnh: Reuters |
Theo đó, Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu toà án buộc Google phải rút lui hoàn toàn khỏi đơn vị công nghệ quảng cáo, gồm cả sàn trao đổi AdX. Đây là đơn kiện chống độc quyền cấp độ liên bang thứ 2 do Bộ Tư pháp đưa ra. Vụ kiện đầu tiên bắt đầu từ năm 2020, với nguyên đơn 17 bang, khiếu nại sự độc quyền của công ty trong lĩnh vực tìm kiếm và dự kiến sẽ được xét xử vào tháng 9 năm nay.
Ngoài cấp liên bang, đến nay đã có 8 bang riêng lẻ tham gia vụ kiện lần này, bao gồm cả California, nơi đặt trụ sở chính của gã khổng lồ công nghệ. Do đó, toà án gần như chắc chắn sẽ ra phán quyết yêu cầu thay đổi cấu trúc của gã khổng lồ này trên phạm vi toàn nước Mỹ mà không chỉ giới hạn tại một số bang nhất định.
Công nghệ quảng cáo đang là một trong những mảng kinh doanh cốt lõi của Google, đóng góp gần 12% doanh thu công ty này trong năm 2021. Trong khi đó, gã khổng lồ này cũng là một nhân tố quan trọng trong nền kinh tế Mỹ.
Thông thường, các bang đệ trình riêng lẻ đơn kiện cáo buộc vi phạm luật chống độc quyền, nhưng chính phủ liên bang đôi khi cũng can thiệp trực tiếp vào quá trình này, hoặc gửi đơn kiện nhằm phát đi thông điệp mang tính toàn quốc.
Giới chuyên gia pháp lý cho hay, mặc dù các thẩm phán không phải lúc nào cũng “xuôi” theo quan điểm chính phủ liên bang trong các vụ việc liên quan tới chống độc quyền, tuy nhiên ý kiến của Bộ Tư pháp hay Uỷ ban thương mại liên bang sẽ tác động nhiều đến phán quyết cuối cùng của họ.
Ví dụ, vào năm 2019, chính quyền New York cùng 12 tiểu bang khác đã khởi kiện ngăn chặn vụ sáp nhập giữa nhà mạng không dây T-Mobile và Sprint, tuy nhiên chính phủ Mỹ lúc bấy giờ cho rằng thoả thuận này nên được thông qua do có lợi ích cải thiện vùng phủ sóng không dây tại vùng nông thôn.
Trên quan điểm trên, Bộ Tư pháp kêu gọi toà án cân nhắc “quan điểm thống nhất, mang tính toàn quốc” và từ chối yêu cầu của tiểu bang liên quan lệnh cấm đối với vụ sáp nhập của 2 nhà mạng. Toà án sau đó ra phán quyết thông qua thoả thuận với một số điều kiện nhất định, được dàn xếp riêng do Bộ Tư pháp làm trung gian.
Tuy nhiên, đối với vụ kiện nhằm vào Google lần này, “nếu mục tiêu cuối cùng là thay đổi cấu trúc công ty” thì gã khổng lồ công nghệ đang ở thế yếu hơn nhiều so với lập luận của chính phủ, Shubha Ghosh, giáo sư luật Đại học Syracuse cho biết.
(theo ICTnews)