- Những nghiên cứu phòng chống dịch bệnh quy mô toàn cầu, khắc phục hậu quả phóng xạ, hay lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, khoa học máy tính... có thể là tâm điểm tại Lễ trao Giải thưởng VinFuture năm nay, theo các Giáo sư từng giành giải thưởng VinFuture mùa đầu tiên.
“Thế giới cần giải pháp đột phá để phục hồi sau đại dịch”
Nói về VinFuture mùa thứ 2, Tiến sĩ Katalin Kariko – nhà khoa học từng giành Giải thưởng Chính VinFuture mùa đầu tiên (cùng Giáo sư Pieter R. Cullis và Giáo sư Drew Weissman) đánh giá, chủ đề “Hồi sinh và Tái thiết” năm nay rất ý nghĩa và thiết thực.
Tiến sĩ Katalin Kariko – nhà khoa học từng giành Giải thưởng Chính VinFuture mùa đầu tiên đánh giá, chủ đề “Hồi sinh và Tái thiết” năm nay rất ý nghĩa và thiết thực. |
Theo bà, sau đại dịch, mọi người đều nhận ra, tất cả các quốc gia, lĩnh vực đều chịu thiệt hại nặng nề ra sao. Điều cần làm lúc này theo bà không chỉ là khôi phục kinh tế - xã hội mà còn chữa lành những tổn thương trong tâm lý của con người sau thời gian dài cách ly.
“Hơn lúc nào hết, thế giới đang rất cần những giải pháp đột phá để đẩy nhanh quá trình phục hồi sau đại dịch. VinFuture đã rất đúng đắn khi tìm kiếm những phát minh khoa học như thế”, TS Katalin Kariko nói.
Dự đoán về lĩnh vực và phát minh sẽ chiến thắng tại VinFuture năm nay, vị Tiến sĩ cho rằng, những nghiên cứu để phòng chống các dịch bệnh tiếp theo ở quy mô toàn cầu vẫn có thể có cơ hội giành giải VinFuture. Theo TS Katalin Kariko, đại dịch Covid-19 đã mang tới cho con người bài học về việc không nên chờ mọi thứ xảy đến rồi mới nghĩ tới giải pháp. Thế giới cần phát hiện ra các vấn đề của nhân loại, đặc biệt là các mầm bệnh, để tìm ra cách phòng chống, chữa trị.
Nói về những lĩnh vực có thể được quan tâm tại VinFuture năm nay, GS Drew Weissman - đồng chủ nhân Giải thưởng Chính VinFuture mùa đầu tiên, hướng sự quan tâm tới vấn đề thời sự là giải quyết hậu quả của những xung đột hiện tại trên thế giới. Theo quan sát của ông, nhiều đồng nghiệp trong giới khoa học đang quan tâm để tìm ra các phương pháp điều trị hiệu quả cho phơi nhiễm bức xạ, hóa chất, và sinh học.
Ngoài ra, ông cũng nhắc tới những lĩnh vực đang được giới khoa học quan tâm như phương pháp cấy ghép mới giúp người bệnh không cần dùng thuốc ức chế miễn dịch hay các vấn đề liên quan tới ứng phó với môi trường, cách nuôi động vật lấy thịt…
Kể ra những cái tên nổi bật, GS Drew Weissman nhắc tới TS Michael J Hogan - một nhà nghiên cứu tại Bệnh viện Nhi ở Pennsylvania, người đã tìm thấy một loại phản ứng miễn dịch hoàn toàn mới với khả năng sử dụng RNA. Ông cũng nói tới TS Norbert Pardi – nhà khoa học đang phát triển vắc-xin sử dụng công nghệ RNA LNPs. Ngoài ra còn là những nhà nghiên cứu đang tiên phong nghiên cứu các hạt nano lipid bọc kim loại mới hay phương sản xuất các hạt nano lipid… “Tất cả những nhà khoa học này với những nghiên cứu hiện tại đều phù hợp với VinFuture năm nay”, ông khẳng định.
“Điều tuyệt vời” từ Giải thưởng VinFuture
Nói về Giải thưởng VinFuture năm nay, GS Omar Yaghi – người từng được vinh danh tại Giải thưởng VinFuture mùa đầu tiên với “siêu vật liệu” khung hữu cơ-kim loại (MOFs), tỏ ra chờ đợi những ý tưởng liên quan tới phát triển bền vững, đảm bảo duy trì cuộc sống và môi trường cho con người.
Những nghiên cứu phòng chống dịch bệnh quy mô toàn cầu có thể là tâm điểm tại Lễ trao Giải thưởng VinFuture năm nay |
“Dự đoán của tôi cho giải thưởng năm nay là dự án liên quan đến trí tuệ nhân tạo, học máy, khoa học máy tính và tác động của chúng trong việc thúc đẩy nghiên cứu”, GS Omar Yaghi dự đoán. Ở góc độ nghiên cứu của ông, trí tuệ nhân tạo, học máy có ý nghĩa quan trọng để trả lời câu hỏi mà khoa học đang tốn rất nhiều thời gian để nghiên cứu, đó là để tìm ra cấu trúc phù hợp nhất cho một ứng dụng cụ thể.
Về tổng quan, GS Quarraisha Abdool Karim, chủ nhân Giải Đặc biệt VinFuture 2021, hiện là thành viên Hội đồng Sơ khảo, thừa nhận, bà và các thành viên Hội đồng đã rất khó khăn để rút gọn danh sách khi có quá nhiều đề cử tuyệt vời.
Trong quá trình xem xét, cá nhân vị giáo sư tỏ ra quan tâm tới các dự án về môi trường, an ninh lương thực, y học chính xác, công nghệ mới giúp khôi phục thính giác, thị lực hay công nghệ nano áp dụng trong phục hồi thương tổn, tránh việc cắt cụt chi…
Về tiêu chí chấm giải, theo bà, bên cạnh sự xuất sắc trong lĩnh vực khoa học, “còn là sức ảnh hưởng và khả năng tác động của các nghiên cứu, không quan trọng là nghiên cứu đang ở giai đoạn nào”, nhà khoa học nổi tiếng với nghiên cứu về một loại gel giúp kháng virus HIV và ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm nói. Trong số các đề cử, GS Quarraisha Abdool Karim tiết lộ, bà đã thấy nhiều nghiên cứu khoa học chất lượng cao.
“Dù chưa thể tiết lộ chi tiết nhưng tại mùa 2, chúng tôi đã nhận được đề cử của nhiều nhà khoa học từng nhận các giải thưởng lớn và giá trị của thế giới. Chỉ sau một năm, VinFuture đã đạt những thành tựu như vậy là điều thật sự rất tuyệt vời”, vị giáo sư nói.
Chia sẻ thêm về những đóng góp của VinFuture tới thế giới, giáo sư Omar Yaghi thừa nhận, Giải thưởng VinFuture không chỉ đang nâng tầm học thuật mà còn nâng tầm giá trị xã hội, thông qua thông điệp: Khoa học là chìa khóa để mang đến cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người.
“Điều tuyệt vời của Giải thưởng VinFuture là khả năng lan tỏa những giá trị này khi ngày càng nhiều học giả đã biết tới giải thưởng. Nhờ đó, nhiều người nhận ra khoa học công nghệ đã tác động tích cực tới đời sống xã hội như thế nào.”, ông nói.
P.V