Theo Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT, Bộ TT-TT), có hơn 82% trẻ em Việt Nam trong độ tuổi 12-13 tuổi có sử dụng Internet. Việc tham gia hoạt động trên mạng sẽ khiến trẻ em đối mặt với nhiều rủi ro.
Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng là việc làm cấp bách, cần thiết |
Chia sẻ tại hội thảo “Thực tiễn và giải pháp bảo vệ trẻ em trên không gian mạng”, ông Nguyễn Đức Tuân- Giám đốc VNCERT cho hay, Việt Nam có khoảng 24,7 triệu người là trẻ em, trong đó 2/3 trẻ có thể tiếp cận thiết bị kết nối Internet.
Dẫn báo cáo của UNICEF, đại diện VNCERT cho biết, 82% trẻ em Việt Nam trong độ tuổi 12-13 tuổi có sử dụng Internet và con số này tăng lên 93% đối với trẻ từ 14-15 tuổi. “Điều này cho thấy mức độ tham gia các hoạt động trên không gian mạng của trẻ em ở Việt Nam là rất lớn, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19. Có thể nói chưa bao giờ trẻ em dành nhiều thời gian cho Internet như hiện nay”- ông Nguyễn Đức Tuân nói.
Theo đại diện VNCERT, việc tham gia hoạt động trên mạng sẽ khiến trẻ em phải đối mặt với nhiều rủi ro như tiếp cận với nội dung độc hại, bị phát tán thông tin riêng tư, nhạy cảm; bị bắt nạt trực tuyến hoặc rơi vào tình trạng nghiện Internet.
Ông Đặng Hoa Nam- Cục trưởng Cục trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết, trung bình mỗi năm, Tổng đài quốc gia về bảo vệ trẻ em 111 tiếp nhận nhận hơn 500.000 cuộc gọi đến, cao điểm nhất là năm 2020 – 2021, khi đại dịch Covid-19 đang trong giai đoạn cao điểm.
Tính đến 11-2022 đã tiếp nhận 356.681 cuộc gọi tới, trong đó, các hệ thống trực tuyến đã tiếp nhận trên 9.300 cuộc gọi phản ánh. “Hơn 400 cuộc gọi trong số này xếp loại có vấn đề xâm hại trên môi trường mạng. Các tổng đài viên đã triển khai 393 cuộc gọi tư vấn, trong đó, có 20 trường hợp cần can thiệp khẩn cấp”- lãnh đạo Cục trẻ em thông tin.
Trong đó, các cuộc gọi yêu cầu gỡ bỏ các thông tin xâm phạm về đời tư của trẻ để lan truyền trên mạng với ý đồ khác nhau, chiếm số lượng lớn nhất.
Theo các chuyên gia, để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, các sản phẩm, giải pháp công nghệ hiện nay có thể giúp ngăn ngừa, hạn chế việc tiếp xúc với các thông tin độc hại; giúp các bậc cha mẹ thuận tiện hơn trong việc quản lý và bảo vệ trẻ em khi sử dụng mạng Internet. Bên cạnh đó, giáo dục trẻ em phải đi trước 1 bước để các em tự tin, hiểu biết khi lên mạng.
(theo An ninh thủ đô)