Từ 1/1/2023: Nhiều điểm mới, bổ sung trong quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình

0
0

- Nghị định số 71/2022/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2016/NĐ-CP về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình vừa được Chính phủ ban hành ngày 1/10/2022, có hiệu lực từ 1/1/2023 với nhiều bổ sung quy định quản lý mới, nổi bật.

Từ năm 2018, tại Việt Nam, dịch vụ phát thanh, truyền hình theo yêu cầu trên mạng Internet (OTT TV VOD) bắt đầu phát triển với sự tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài. Với các doanh nghiệp trong nước, nội dung theo yêu cầu (VOD) phải thực hiện biên tập chặt chẽ bởi cơ quan có Giấy phép hoạt động truyền hình.

Tuy nhiên, nội dung VOD trên các dịch vụ OTT TV VOD của doanh nghiệp nước ngoài không biên tập, phân loại, cảnh báo theo quy định pháp luật Việt Nam, dẫn tới nhiều nội dung vi phạm các điều cấm, như: xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; vi phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam; vi phạm thuần phong, mỹ tục, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm phát biểu tại Họp báo.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm phát biểu tại Họp báo công bố Nghị định 71

Để kịp thời bổ sung quy định điều chỉnh trực tiếp đến loại dịch vụ này, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã đề xuất và được Chính phủ giao sửa đổi, bổ sung các quy định tại Nghị định số 06/2016/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình.

Ngay từ giữa năm 2018, Bộ TT&TT đã khẩn trương thực hiện các quy trình, thủ tục và triển khai xây dựng dự thảo Nghị định theo quy định pháp luật, dự thảo Nghị định được xây dựng đồng bộ với các quy định quản lý tại Nghị định số 06/2016/NĐ-CP, gồm bổ sung quy định về: quản lý dịch vụ OTT TV VOD; quản lý biên tập, phân loại, biên dịch nội dung VOD và tỷ lệ nội dung Việt Nam trên dịch vụ OTT TV VOD bên cạnh việc cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong quản lý dịch vụ phát thanh, truyền hình, đặc biệt là dịch vụ OTT TV VOD. Đến ngày 03/7/2019, Bộ TT&TT đã trình Chính phủ hồ sơ dự thảo Nghị định để Chính phủ xem xét, ban hành.

Nội dung VOD trên dịch vụ OTT TV VOD bao gồm các thể loại phim, trong bối cảnh Luật Điện ảnh hiện hành chưa có quy định chi tiết về quản lý phim trên không gian mạng. Và cũng tại thời điểm này, Chính phủ cũng đang giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu xây dựng Luật Điện ảnh mới nhằm bổ sung quy định quản lý điện ảnh, trong đó có quy định về quản lý phim trên không gian mạng. Vì lý do đó, Chính phủ đã yêu cầu Bộ TT&TT tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị định, trình Chính phủ ban hành sau khi Quốc hội ban hành Luật Điện ảnh mới.

Ngày 15/6/2022, Quốc hội đã ban hành Luật Điện ảnh, gồm 8 chương, 50 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2023. Luật Điện ảnh 2022 được ban hành đã bổ sung quy định chi tiết về việc phổ biến phim trên không gian mạng tại Điều 21 với quan điểm quản lý phim trên không gian mạng rất hiện đại.

Căn cứ quy định về phổ biến phim trên không gian mạng tại Luật Điện ảnh, Bộ TT&TT đã hoàn thiện dự thảo Nghị định, trình Chính phủ xem xét ban hành. Sau đó, ngày 01/10/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 71/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2016/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2023.

Nghị định số 71/2022/NĐ-CP được ban hành đã bổ sung quy định quản lý mới, nổi bật, như sau:

1. Bổ sung chính sách quản lý, gồm: bổ sung quy định làm rõ dịch vụ truyền hình xuyên biên giới phải được quản lý theo quy định của Nghị định, tại Khoản 4 Điều 5 và bổ sung quy định cho phép duy trì dịch vụ truyền hình cáp tương tự theo nhu cầu thị trường, đây là quy định thể chế hóa Nghị quyết số 70/NQ-CP ngày 14/5/2020, tại Khoản 7 Điều 5.

2. Bổ sung quy định cho phép dịch vụ OTT TV được cung cấp đến người Việt Nam mà không buộc phải cung cấp kênh chương trình như các dịch vụ truyền hình truyền thống, tại Điểm c Khoản 2 Điều 12.

3. Bổ sung quy định về quản lý biên tập VOD thích ứng với tính chất, đặc điểm của loại hình dịch vụ OTT TV VOD, phân nhóm nội dung để có các quy định biên tập phù hợp, tại Khoản 1 Điều 20a:

- Nhóm chương trình tin tức, thời sự; các chương trình về chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, xã hội: do cơ quan báo chí có Giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình sản xuất, biên tập trước khi cung cấp trên dịch vụ;

- Nhóm phim: Doanh nghiệp được chủ động thực hiện hoạt động phân loại phim theo tiêu chí phân loại do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định khi đáp ứng các điều kiện thực hiện phân loại phim theo quy định của Chính phủ và chịu trách nhiệm về kết quả phân loại. Trong trường doanh nghiệp không có năng lực, điều kiện để thực hiện thì đề nghị cơ quan quản lý phân loại hoặc cấp quyết định phát sóng;

- Nhóm chương trình thể thao, giải trí: Doanh nghiệp được chủ động thực hiện hoạt động biên tập, phân loại trước khi cung cấp trên dịch vụ và hiển thị cảnh báo trong khi cung cấp dịch vụ, căn cứ theo nguyên tắc biên tập, phân loại và cảnh báo nội dung theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông và quy định của pháp luật liên quan, bảo đảm không vi phạm các điều cấm theo quy định pháp luật Việt Nam.

4. Điều chỉnh quy định về quản lý biên dịch: doanh nghiệp được chủ động trong hoạt động biên dịch. Biên dịch VOD nước ngoài, kênh nước ngoài phải bảo đảm tôn trọng, bảo tồn sự trong sáng của tiếng Việt, bảo đảm không vi phạm các điều cấm theo quy định pháp luật Việt Nam, nội dung biên dịch phải được biên tập, phân loại theo đúng quy định, tại Khoản 2 Điều 19 và Khoản 2 Điều 20a.

5. Bổ sung các quy định để nâng cao trách nhiệm của Cơ quan báo chí có Giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình trong hoạt động liên kết sản xuất chương trình, tại Khoản 3 và Khoản 5 Điều 16.

6. Bổ sung quy định giao cơ quan có thẩm quyền triển khai ngăn chặn nội dung truyền hình theo yêu cầu không thực hiện biên tập theo quy định, tại Khoản 3 Điều 20a.

7. Bổ sung các quy định để giảm thủ tục hành chính, định hướng trực tuyến hóa các thành phần hồ sơ để giảm chi phí cho doanh nghiệp. Hướng dẫn cụ thể sẽ được Bộ TT&TT ban hành theo hình thức Thông tư.

Nghị định số 71/2022/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung 15/32 Điều của Nghị định số 06/2016/NĐ-CP được Chính phủ ban hành và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2023, sẽ đảm bảo quản lý hiện đại, phù hợp xu hướng thế giới, thúc đẩy thị trường truyền hình trả tiền Việt Nam phát triển. Doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam được kinh doanh trên cùng mặt bằng pháp lý.

Được biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đang hoàn chỉnh Văn bản hợp nhất Nghị định số 71/2022/NĐ-CP và Nghị định số 06/2016/NĐ-CP để thống nhất áp dụng các quy định, tạo thuận lợi trong quản lý thực hiện từ ngày 01/01/2023. Trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ tổ chức phổ biến những quy định mới tại Nghị định số 71/2022/NĐ-CP và ban hành Văn bản hợp nhất hai Nghị định này.

Phạm Lê


Ý kiến bạn đọc


Phát tán thông tin, làm nhục người khác trên không gian mạng bị phạt như thế nào?

(VnMedia) - Theo Dự thảo Nghị định Theo Dự thảo Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng, người làm ra và phát tán thông tin trên không gian mạng có nội dung sai sự thật, xúc phạm, làm nhục… người khác sẽ bị xử phạt đến 50 triệu đồng và nhiều hình thức phạt bổ sung khác…

Giải ngân đầu tư công vẫn chậm: Những kiến nghị đẩy nhanh tiến độ

(VnMedia) - Theo Báo cáo về tình hình giải ngân vốn đầu tư công từ Bộ Tài chính, lũy kế thanh toán vốn đầu tư công kế hoạch năm 2024 trong 4 tháng đầu năm ước đạt 16,41% tổng kế hoạch, tăng so với cùng kỳ năm trước. Bộ Tài chính đang triển khai các giải pháp đồng bộ và nêu những kiến nghị đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.

Giá vàng được dự báo tăng lên mức cao

(VnMedia) – Về trung và dài hạn, vàng được dự báo sẽ gia tăng trong môi trường lạm phát cao và kinh tế chậm chạp. Hơn thế, nước Mỹ không thể tránh được kịch bản bước vào thời kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ với chuỗi hạ lãi suất. Đồng USD suy yếu sẽ đẩy giá vàng đi lên.

Tốc độ dữ liệu 6G nhanh hơn 500 lần so với 5G

(VnMedia) - Tốc độ dữ liệu 6G đạt 100Gbps trong thử nghiệm mới đây cho thấy, nhanh hơn 500 lần so với tốc độ dữ liệu trung bình của mạng 5G.

Triệt phá ổ nhóm mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng

(VnMedia) - Lực lượng công an đã triệt phá nhóm đối tượng hoạt động thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền với quy mô rất lớn, lên đến hàng nghìn tỷ đồng...