- Sáng 07/10, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Lễ công nhận Nền tảng số phục vụ người dân cho Trình duyệt và Công cụ tìm kiếm Cốc Cốc. Cũng trong buổi lễ, Cốc Cốc đã công bố về Bộ giải pháp Chuyển đổi số nhằm thúc đẩy chính phủ số, xã hội số cho toàn dân, qua đó hưởng ứng ngày Chuyển đổi số Quốc gia 10/10.
Tại buổi lễ, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng đã chính thức công bố và trao quyết định công nhận Công cụ tìm kiếm và Trình duyệt Cốc Cốc đạt tiêu chí Nền tảng số phục vụ người dân năm 2022.
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng đã chính thức công bố và trao quyết định công nhận Công cụ tìm kiếm và Trình duyệt Cốc Cốc đạt tiêu chí Nền tảng số phục vụ người dân năm 2022. |
Đây là minh chứng thể hiện sức mạnh công nghệ, tinh thần Việt Nam trong sản phẩm của Cốc Cốc; đồng thời khẳng định Cốc Cốc là một trong những doanh nghiệp “Make in Việt Nam” với sản phẩm công nghệ hàng đầu do người Việt phát triển và phục vụ cho lợi ích của người Việt.
Nền tảng số phục vụ người dân là chương trình do Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện nhằm triển khai Quyết định 578/QĐ-BTTTT với mục tiêu tìm ra những nền tảng số Việt Nam có khả năng triển khai rộng khắp và phục vụ những nhu cầu khác nhau của người dân.
Theo Quyết định này, để trở thành Nền tảng số phục vụ người dân năm 2022, các sản phẩm công nghệ phải đạt đủ 4 tiêu chí do Bộ Thông tin và Truyền thông đề ra bao gồm: Tư cách pháp nhân và năng lực của tổ chức, doanh nghiệp; chức năng và tính năng của nền tảng số; an toàn, an ninh mạng; tiêu chí khác theo từng tình huống, nền tảng cụ thể. Trong đó, ưu tiên những nền tảng có thể đáp ứng một số nhóm nhu cầu cơ bản, phổ biến của người dân như thông tin liên lạc, mua sắm, an toàn thông tin mạng...
Kết quả, Công cụ tìm kiếm và Trình duyệt Cốc Cốc là một trong số ít những nền tảng Việt đã vượt mọi tiêu chí khắt khe để được công nhận là Nền tảng số phục vụ người dân năm 2022. Đặc biệt, Cốc Cốc còn vinh dự đồng hành cùng Cục Chuyển đổi số Quốc gia triển khai chương trình Phổ cập kỹ năng số cộng đồng, giúp phổ cập kiến thức, giới thiệu và khuyến khích người dân sử dụng các sản phẩm công nghệ Việt tiện ích trên khắp 63 tỉnh, thành phố.
Bộ giải pháp “Vì Việt Nam số” góp phần chuyển đổi số Quốc gia
Nhân sự kiện này, ông Nguyễn Vũ Anh - Tổng Giám đốc Cốc Cốc cũng công bố Bộ giải pháp Chuyển đổi số do Cốc Cốc phát triển. Chia sẻ về bộ giải pháp này, ông Nguyễn Vũ Anh cho biết: “Việc được công nhận là Nền tảng số phục vụ người dân năm 2022 chính là sự khẳng định cho chất lượng và tính Việt của sản phẩm Cốc Cốc. Đồng thời, là sự công nhận của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông cho những đóng góp của Cốc Cốc trong việc phát triển nền công nghệ của Việt Nam, phát triển những giải pháp công nghệ phù hợp cho người Việt”.
Toàn cảnh Lễ công bố |
Ông Nguyễn Vũ Anh cho biết, Cốc Cốc sẽ luôn nỗ lực để đồng hành cùng Chính phủ trong các hoạt động Chuyển đổi số quốc gia nói chung và hưởng ứng hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia 10/10 nói riêng. Trong đó, đặc biệt chú trọng khuyến khích, hỗ trợ người dân tham gia vào các hoạt động trực tuyến một cách nhanh chóng, an toàn, tiện lợi. Mà ở đó, Bộ giải pháp Chuyển đổi số được xác định là hoạt động trọng tâm để hiện thực hóa mục tiêu này.
Được biết, Bộ giải pháp của Cốc Cốc được xây dựng dựa trên nhu cầu thực tiễn của người dùng trên Internet và các nhiệm vụ trọng tâm được Chính phủ nêu rõ trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng 2030.
Người dùng có thể trải nghiệm Bộ giải pháp này tại website https://dx.coccoc.com với 4 nhóm chủ đề chính.
● Chính phủ số: Cung cấp tính năng Chính phủ điện tử, giúp tìm kiếm thông tin về thủ tục hành chính công một cách dễ dàng, nhanh chóng và chính xác với nguồn dữ liệu chính thức, được dẫn trực tiếp và cập nhật liên tục từ Cổng Dịch vụ công Quốc gia, thuộc Văn phòng Chính phủ.
● Giáo dục điện tử: Phát triển kênh tổng hợp thông tin tuyển sinh, công cụ, cụm tính năng và tài liệu hỗ trợ học tập, ôn thi trực tuyến và số hóa công tác quản lý giáo dục tích hợp sẵn trên thanh công cụ của Công cụ tìm kiếm Cốc Cốc, giúp học sinh phổ thông Việt Nam từ lớp 1 đến lớp 12 tự học mọi lúc, mọi nơi, đồng thời thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục.
● An ninh mạng: Nâng cao nhận thức và cung cấp giải pháp bảo vệ người dùng trước các nguy cơ mất an toàn thông tin khi lên mạng với hệ thống bảo mật đa tầng: Chặn quảng cáo độc hại, Cảnh báo trang web nguy hiểm, Xác thực trang web chính chủ.
● Xã hội số: Xây dựng và phát triển tổ hợp các tính năng tiêu biểu, được “thiết kế” dành riêng cho người Việt như: Lịch âm, Công thức nấu ăn, Cập nhật Covid-19, Bóng đá, … nhằm phục vụ các nhu cầu cơ bản và phổ biến khi lên mạng của người Việt.
Phạm Lê