- Mẫu xe classic Honda CB350 H’ness xuất hiện tại Việt Nam với sự ngạc nhiên vô cùng lớn, đó không chỉ là lần đầu tiên xuất hiện mà còn là sự tái sinh của một dòng động cơ ra đời cách đây hơn 50 năm… Một sự “chịu chơi” từ Honda Việt Nam khi mà đã từ lâu, các dòng xe mang thương hiệu hình chữ H vốn không được đánh giá cao về thiết kế cá tính như các đối thủ đồng hương khác.
Việc Honda CB350 H’ness có mặt tại Việt Nam, là sự thay thế hoàn hảo cho mẫu cruiser – Honda Rebel 300, vốn bị người anh em Rebel 500 (có cùng thiết kế) lấn át hoàn toàn cả về sức mạnh, công năng và sự hợp lý về giá bán. Do vậy, sự xuất hiện của CB350 H’ness, trong chừng mực nào đó, còn giúp Honda Việt Nam có sự cân bằng trong dải sản phẩm mà không có sự trùng lắp giữa các mẫu xe với nhau.
Honda CB350 H’ness tại Ấn Độ có hai phiên bản nhưng Honda Việt Nam chỉ đưa về phiên bản tiêu chuẩn, không có hệ thống điều khiển bằng giọng nói trên điện thoại thông minh HSVCS (Honda Smartphone Voice Control system) |
Sứ mệnh lịch sử
Honda CB350 H’ness ra đời vào năm 2020 tại Ấn Độ, nơi sản xuất mẫu xe này cho thị trường Việt Nam, được ra đời từ nhu cầu cạnh tranh với đối thủ là hãng xe Ấn Độ ở phân khúc xe mô tô giá rẻ - Royal Enfield với chiếc Classic 350, vốn nhận được nhiều ưu ái ở thị trường tỷ dân này.
Việc lựa chọn tái sinh chiếc CB350 này – xuất hiện trong danh mục sản phẩm của Honda nửa thế kỷ nay (từ năm 1968 – 1973) bởi thiết kế kiểu dáng, bố trí động cơ máy đứng hoàn toàn “xứng tầm” với đối thủ Royal Enfield Classic 350. Sở dĩ lựa chọn nền tảng là mẫu CB350 là bởi vì đây là một trong mẫu xe hiếm hoi (và CB360) từng có trong lịch sử (mang thiết kế cổ điển) có thiết kế máy đứng – dòng động cơ đang được thị trường Ấn Độ ưa chuộng.
Và có một điều trên thực tế, chiếc Honda CB350 phiên bản cũ cũng ra đời ở chính thị trường Ấn Độ, và xuất khẩu trở lại Nhật Bản dưới cái tên Honda CB350 RS. Còn nay Honda CB350 H’ness cũng quay lại thị trường Nhật Bản, với tên gọi GB350 - tất nhiên sẽ phải đảm bảo các tiêu chuẩn của thị trường này.
Vậy vai trò của Honda CB350 H’ness tại Việt Nam là gì?
Đương nhiên, một sản phẩm mới được đưa về Việt Nam sẽ phải có vai trò nhất định trong kinh doanh; Tại Ấn Độ, chiếc xe này có giá bán khởi điểm tương đương từ 64 triệu đồng và khi về Việt Nam, mẫu xe này có giá bán 130 triệu đồng. Mức chênh lệch này được coi là chấp nhận được khi mà nhập khẩu vào Việt Nam, Honda CB350 H’ness sẽ phải chịu các loại thuế nhập khẩu , thuế TTĐB, thuế GTGT… (đến tay người tiêu dùng thêm lệ phí trước bạ).
Và hiệu quả mà CB350 H’ness mang lại cho HVN khi được phân phối chính thức, đó là việc “dọn dẹp” thị trường, khiến các mẫu Honda CB300 H’ness được nhập khẩu ngoài ngay lập tức giảm giá mạnh, từ gần 200 triệu đồng xuống còn tương đương mức giá của HVN.
Và rõ ràng, với mức giá tương đương thì không có lý do gì không chọn nhà phân phối chính thức, vừa được đảm bảo về bảo hành, bảo dưỡng, mà còn có một hệ thống dịch vụ đủ lớn, trải dài khắp Việt Nam (chưa kể đội ngũ kỹ thuật viên được đào tạo chính thống cùng máy móc hỗ trợ).
Ngoài ra, trong tương lai gần, một dải sản phẩm hoàn thiện của Honda sẽ phục vụ nhu cầu tốt hơn, và giá bán một mẫu xe trên 300cc khởi điểm từ 130 triệu, rõ ràng không phải hãng xe nào cũng có được.
Honda CB350 H’ness dành cho ai?
Honda CB350 H’ness với định hướng phát triển là một mẫu xe classic, đơn giản, dễ sử dụng dành cho các khách hàng trung tuổi hay các bạn trẻ có nhu cầu di chuyển chủ yếu trong đô thị, không đòi hỏi quá về tốc độ nhưng đòi hỏi đây là một mẫu xe có cá tính.
Anh Lê Quang (Hoài Nhơn, Bình Định) - khách hàng U60 của Honda, dù đã sở hữu một chiếc adventure cỡ trung nhưng vẫn lựa chọn CB350 là phương tiện di chuyển trong phố. |
Chính vì vậy, rõ ràng định hướng này không nằm ở số đông khách hàng trẻ đang mong muốn có một mẫu xe mô tô “tất cả trong một” vừa có thể là phương tiện đi lại hàng ngày, vừa là chiến mã trên các cung đường, lại vừa đầy cá tính và sức lôi cuốn trong các buổi gặp mặt chill-chill với bạn bè.
Đặc trưng là khác biệt
Honda CB350 phiên bản 1968 – 1973 có thiết kế, vào thời điểm đó là động cơ 2 xy-lanh đặt song song (parallel twin), đến phiên bản CB360 hay có tên gọi là CB350F ra đời trong khoảng thời gian 1972 – 1974 đã được nâng cấp sử dụng động cơ 4 xylanh (I4)…
Honda CB350 phiên bản 1968 – 1973. TGPT |
Mặc dù vậy, công nghệ chế tạo thời điểm đó khiến cả hai mẫu xe này đều sử dụng chế hoà khí và làm mát bằng không khí, đi kèm phanh đùm trước/sau và quan trọng đều có động cơ đặt thẳng – một thiết mới nhìn thoáng qua đã thấy… thuộc về lịch sử, một thiết kế mang đậm tính cổ điển – classic mà bất cứ tay chơi “ham độ chế” nào cũng thích thú.
Và đến khi Honda CB350 H’ness được hồi sinh, cũng tại Ấn Độ, những đặc trưng về thiết kế này, cộng với một xy-lanh duy nhất, sẽ mang lại những điều ngạc nhiên thú vị cho người dùng.
Vận hành ổn định – tốc độ không phải lợi thế - ống xả âm thanh chưa đủ tầm…
Đặc trưng của động cơ “dung tích lớn” và chỉ có một máy là gì? Đó là âm thanh của ống xả - chậm rãi mà uy lực, điềm đạm nhưng lại rất lôi cuốn…, những điều đó với Honda CB350 H’ness thực sự chưa đáp ứng được nhu cầu. Một phần của nguyên nhân này, đó là việc hệ thống xả của Honda CB350 H’ness đã hạn chế một phần sức mạnh của động cơ, để đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn khí thải theo quy định của chính phủ Việt Nam.
Ở cấp số 4 và 5, Honda CB350 H’ness thuần chỉ mang lại hiệu quả về mặt... âm thanh, nhưng quả thật bộ tiêu âm và đốt khí thải trên mẫu xe này chỉ mang lại những âm thanh được cho là "vừa đủ, chưa đủ uy lực"... |
Và cũng chính vì điều này, Honda CB350 H’ness không có lợi thế về gia tốc, sự bứt phá của nước ga đầu không ấn tượng, việc di chuyển trong đô thị nếu muốn có được lực kéo tốt thì cấp số 3 có lẽ là cấp số phù hợp nhất (Honda CB350 H’ness dùng hộp số 5 cấp). Và chính điều này dẫn đến một câu hỏi thú vị; Tại sao Honda lại trang bị cho CB350 H’ness hệ thống kiểm soát lực kéo để làm gì? – một tính năng cần thiết cho các mẫu xe có công suất lớn, thay vì một mẫu xe Điềm đạm.
Nhưng bù lại, Honda CB350 H’ness có sự vận hành ổn định, xe có sự cân bằng tốt kể cả khi vào cua. Việc sử dụng dây ga đôi (kéo/hồi) giúp việc điều khiển xe khá nhẹ nhàng, trong khi đó bộ ly hợp chống trượt giúp chiếc xe vận hành mượt mà, loại bỏ các tình huống người lái điều khiển tay ga chưa phù hợp.
Ngoài ra, tư thế của người lái khá thoải mái với vị trí của ghi-đông có thể điều chỉnh góc độ cùng độ rộng vừa tầm, trong khi đó, thiết kế bộ yên thoải mái là đặc trưng của một chiếc xe classic – và với Honda CB350 H’ness cũng vậy.
Và điều ngạc nhiên nhất mà trang bị của Honda CB350 H’ness đó chính là bộ lốp do một công ty tại Ấn Độ sản xuất – MRF có độ bám đường rất tốt, hoàn toàn không thua kém các thương hiệu lớn. Chính nhờ bộ lốp này mà Honda CB350 H’ness có sự vận hành ổn định và an toàn khá tốt, và điều này mang lại sự tự tin ngay từ khi cầm vào tay lái (nếu đứng yên một chỗ, tay lái của CB350 H’ness vô cùng cùng nặng do ma sát lốp trước xuống đường lớn).
Honda CB350 H’ness có gì với giá bán 130 triệu đồng?
Với số tiền 130 triệu đồng, CB350 H’ness mang lại cho bạn… một thương hiệu xe máy lớn của Nhật Bản – đó là điều rất quan trọng với thị trường Việt Nam khi mà người tiêu dùng luôn đề cao tấm logo gắn trên xe, chưa kể với tiềm thức sử dụng xe lâu đời – Honda luôn là cái tên đầu tiên khi nhắc tới xe 2 bánh.
Đi sâu vào trang bị, CB350 H’ness sẽ mang tới cho bạn một danh sách các trang bị vốn hiếm khi xuất hiện trên một mẫu xe dưới 400cc; hệ thống đèn pha “full-led”, động cơ phun xăng điện tử, hệ thống hỗ trợ chống bó cứng phanh trước/sau, hệ thống ly hợp chống trượt hai chiều, hệ thống kiểm soát lực kéo…
Vậy có xứng đáng mua hay không?
Nếu như bạn có đủ tiền và mong muốn một mẫu xe “hơi” khác biệt và chủ yếu là phương tiện di chuyển trong đô thị, cafe nhẹ nhàng hóng gió – đó cũng là mục đích khi mà Honda Ấn Độ tái sinh lại mẫu xe này.
Ngoài ý tưởng tập trung vào thiết kế mang đậm tính cruiser của ZIFE, hiện cũng có một bản nâng cấp mang phong cách Scrambler dựa trên nền tảng mẫu Honda CB350 H'ness. |
Vậy còn các nhu cầu cao hơn nữa thì sao? Hãy nghe Nguyễn Minh Quang – thành viên của ZIFE Design một thương hiệu chuyên nâng cấp môtô chia sẻ: Vì đây là dòng classic đi phố nên cặp vành lốp size 18 trước/sau không phù hợp bằng cặp 17 với bản lốp rộng ngang. Một đôi lốp với kích thước 120 ở phía trước và 160 ở phía sau sẽ giúp điều khiển xe dễ dàng và cả một cái nhìn cân đối hơn. Chưa kể, bộ lốp này kết hợp với cặp phuộc trước dạng upside-down sẽ tương xứng hơn về tổng thể, và hành trình giảm xóc dài sẽ thích ứng với điều kiện đường xá Việt Nam hơn.
Ngoài ra, bình xăng nguyên bản khá lẫn với các thương hiệu vốn có thể mạnh về dòng classic (như Triumph - PV) nên ZIFE đưa ra giải pháp sử bình xăng với dáng hình giọt nước, gần gũi với Honda CB750, giúp mang lại tính nhận diện cao hơn. Một số các thay đổi khác cũng tập trung vào thiết kế cổ điển của chiếc xe; ống xả mới, đuôi xe và yên xe vuốt gọn hơn, thêm bộ gù nâng ghi đông, đồng hồ thuần dạng kim truyền thống…
Một số chi tiết thay đổi trên phiên bản nâng cấp - một mẫu xe được đánh giá cao về ý tưởng do ZIFE design thực hiện |
Những ý tưởng này cùng với thiết kế “máy đứng” hấp dẫn các tay chơi xe classic, Honda CB350 H’ness với giá bán 130 triệu đồng thực sự là giá hời cho một mẫu xe bát phố phù hợp nhiều đối tượng khách hàng. Tuy nhiên, để thực sự để trở thành một mẫu xe đáng đi, rất cần có thêm những sự thay đổi phù hợp để nâng tầm cho chiếc xe này – nhưng đáng tiếc, những trang bị thêm, như đại diện ZIFE Design vừa liệt kê sẽ không phải là những điều “thích thú” khi mà người tiêu dùng Việt Nam ít khi chịu đợi chờ và đầu tư thêm, một khi đã xuống tiền mua xe…
Honda vừa tổ chức một hành trình xuyên miền Trung, từ Quảng Nam ra Huế để khách hàng và những người quan tâm dòng classic có cơ hội trải nghiệm mẫu xe này. Hành trình này kéo dài trong 2 này, qua các địa danh nhiều người biết đến (và HVN đang bán xe tốt) như Tam Kỳ, Hội An, Đà Nẵng… với các điểm du lịch như phố cổ, đèo Hải Vân, Lăng Cô, cửa Vinh Hiền… Tham gia vào hành trình này có khoảng 50 người tham gia, sử dụng chủ yếu là các mẫu Honda CB350 H’ness và một số dòng xe mô tô khác của Honda. |
Theo Thế Giới Phương Tiện