- Đây là thông điệp được chủ tịch Toyota - Aikio Toyoda - gửi đến 200 lãnh đạo doanh nghiệp tại Nhật Bản trong một cuộc chia sẻ vào ngày 13/1/2024, nhưng không hiểu sao nội dung này mới được đưa lại vào ngày 30/1 trên trang thông tin chính thức của Toyota Motor Company.
Trong khuôn khổ cuộc họp chung lần thứ 40 của Viện Quản lý NPS tại Nhật Bản, chủ tịch Toyota Motor Company (TMC) - Akio Toyoda - đã có bài giảng về Hệ thống Sản xuất Toyota (TPS) trước 200 nhà quản lý và điều hành doanh nghiệp của “Xứ sở mặt trời mọc”.
Ông đã giải thích trong 45 phút về việc TPS đã định hướng và giúp đỡ ông trong nhiều quyết định quản lý được đưa ra trong quãng thời gian nắm giữ chức Tổng Giám đốc (CEO) của tập đoàn. Sau đó, ông Akio Toyoda cũng trả lời các câu hỏi của nhiều lãnh đạo các công ty trong phần giải đáp, ông cũng giải thích về “Hai vai trò” của nhà quản lý.
Theo đó, trong câu hỏi “Ông có thể chia sẻ một số hiểu biết sâu sắc về việc trở thành một nhà lãnh đạo hàng đầu”, vị chủ tịch của TMC đã cho biết: “Tôi có thể chia công việc của mình với tư cách là nhà quản lý thành 2 phần nhỏ gồm: Đưa ra quyết định và chịu trách nhiệm. Đây là hai khía cạnh mà tôi luôn coi là công việc của nhà quản lý".
Giải thích cho việc này, ông lấy ví dụ, “Khi nhân viên đến hỏi ý kiến của tôi, có thể họ coi đó là phương án cuối cùng; vì vậy, tôi muốn trả lời theo cách để khi họ rời văn phòng của tôi, họ sẽ biết phải làm gì”.
Ông cũng chia sẻ thêm: “Nếu họ phạm sai lầm, tôi sẽ chịu trách nhiệm. Nói thì dễ nhưng mấu chốt là phải tuân thủ. Nếu bạn thể hiện rằng mình sẵn sàng hành động khi có điều gì đó rắc rối xảy ra, tôi nghĩ điều đó sẽ tạo ra sự khác biệt lớn.
Trong trường hợp của tôi, tôi nghĩ đã từng có tình trạng kiểu như: “Hãy nhanh chóng nghỉ việc để chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động kém cỏi của công ty - đó là vai trò của ông”. Nhưng tôi đã có thể tiến xa đến mức này nhờ những cuộc khủng hoảng đang diễn ra. Trong tình huống đó, không ai biết giải pháp. Tôi luôn sẵn sàng để nói: “Đừng lo lắng về kết quả. Hãy thử đi”, và đối mặt với công chúng khi mọi việc không suôn sẻ".
Ông Akio Toyoda trình bày trong cuộc họp của Viện Quản lý NPS. TGPT |
Ngoài ra, Akio Toyoda cũng giải thích về tính ưu việt của hệ thống sản xuất TPS hiện nay thay vì áp dụng PDCA (Lên kế hoạch, Thực hiện, Kiểm tra, Hành động). Ông cho biết: "Toyota coi TPS là một triết lý của công ty, không đơn thuần chỉ là một phương tiện để nâng cao hiệu quả trong quá trình sản xuất".
Về tương lai của ngành sản xuất ô tô, vị chủ tịch của TMC cho rằng "Toyota đang tập trung vào những hành động có thể thực hiện ngay bây giờ. Dù sản xuất tất cả các dòng xe điện (HEV, PHEV, BEV và FCEV) nhưng riêng với các xe BEV (thuần điện) và FCEV (pin nhiên liệu), hạ tầng là điều không thể thiếu. Ông cho biết thế giới hiện có một tỷ người sống không có điện, và vì "Toyota cung cấp ô tô cho những khu vực như vậy nên việc theo đuổi duy nhất chỉ mỗi xe BEV sẽ khiến chúng tôi không thể cung cấp khả năng di chuyển đến tất cả mọi người".
Bên cạnh đó, Akio Toyoda đề cao các mẫu xe Hybrid (HEV) khi đã giúp Nhật Bản trở thành quốc gia duy nhất giảm được 23% lượng khí thải CO2 khi HEV ra đời tại đây khoảng 20 - 30 năm trước. Ông tiếp tục khẳng định về việc xe thuần điện khó có khả năng chiếm số lượng lớn trong giao thông: "Cho dù BEV có phát triển đến đâu, tôi nghĩ chúng sẽ có thị phần là 30%. Do đó, 70% còn lại là động cơ HEV, FCEV hoặc xe chạy khí hydro. Tôi không nghi ngờ gì rằng xe sử dụng động cơ đốt trong sẽ vẫn tồn tại".
NPS (New Production System) là một phương pháp quản lý tập trung vào sản xuất hiệu quả, thích ứng linh hoạt và nhanh chóng với những thau đổi của môi trường. Viện Quản lý NPS được thành lập vào năm 1981 với tư cách là một nhóm nghiên cứu độc lập nhằm thiết lập Hệ thống Sản xuất Mới (NPS). Viện này xem TPS của Toyota như một triết lý quản lý có thể áp dụng cho các lĩnh vực ngoài ô tô. |
Hoàng Nguyễn
Theo Thế Giới Phương Tiện