- Ô tô lắp ráp trong nước được giảm 50% lệ phí trước bạ, mức thu này sẽ được áp dụng ngay khi Nghị định được thông qua và sẽ kéo dài hết 31/12/2023…, đó là nội dung dự thảo Nghị định về mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước mà bộ Tài Chính vừa trình Chính phủ.
Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại Công văn số 4019/VPCP-KTTH ngày 01/6/2023 và Công văn số 4174/VPCP-KTTH ngày 07/6/2023 của Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính đã nghiên cứu xây dựng Dự án Nghị định của Chính phủ về mức thu lệ phí trước bạ (LPTB) đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước theo trình tự, thủ tục rút gọn (*).
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan dây chuyền sản xuất, lắp ráp của Ford Việt Nam - Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Theo nội dung tờ trình, đó, Bộ Tài Chính trình Chính phủ quy định mức thu LPTB lần đầu đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự được sản xuất, lắp ráp trong nước. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký đến hết ngày 31/12/2023, cụ thể như sau:
- Từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31/12/2023: Mức thu LPTB bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định số 10/2022/NĐ-CP ngày 15/01/2022 của Chính phủ quy định về LPTB và các Nghị quyết hiện hành của Hội đồng nhân dân hoặc Quyết định hiện hành của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về mức thu LPTB tại địa phương.
- Từ ngày 01/01/2024 trở đi: Mức thu LPTB tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 10/2022/NĐ-CP ngày 15/01/2022 của Chính phủ quy định về LPTB và các Nghị quyết hiện hành của Hội đồng nhân dân hoặc Quyết định hiện hành của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về mức thu LPTB tại địa phương.
Ngoài ra, trong tờ trình Chính phủ dự thảo Nghị định, bộ Tài Chính cũng trình bày những tác động của Nghị định này, theo đó trong hai lần ưu đãi lệ phí trước bạ (theo Nghị định số 70/2020/NĐ-CP và Nghị định số 103/2021/NĐ-CP) đã khuyến khích các nhà sản xuất, nối lại chuỗi cung ứng và đáp ứng đủ cho nhu cầu của người dân, dẫn đến số lượng tiêu thụ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước tăng lên mạnh nên nguồn thu NSNN từ LPTB, thuế TTĐB, thuế GTGT đã bù đắp được phần giảm thu LPTB về mặt chính sách.
Dây chuyền lắp ráp sơ-mi rơ-moóc của tập đoàn Thaco tại Quảng Nam |
Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, sức mua và tiêu dùng được đánh giá là khác so với bối cảnh trong giai đoạn năm 2020 - 2022, nhu cầu mua xe của người dân có thể thấp hơn. Theo đó, việc tiếp tục thực hiện chính giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước vào giai đoạn hiện nay thì việc tăng thu từ thuế TTĐB và thuế GTGT sẽ có thể không đủ để bù đắp cho việc giảm LPTB. Theo đánh giá, việc giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có thể làm giảm thu NSNN về LPTB khoảng 8.000 - 9.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, việc giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có thể tác động đến cân đối thu NSNN của các địa phương. Theo báo cáo trên thì việc giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đã làm tăng số lượng tiêu thụ và đăng ký nên số thu LPTB, thuế GTGT và thuế TTĐB có thể tăng. Tuy nhiên, thực tế số thu thuế GTGT và thuế TTĐB chỉ tập trung ở 8 địa phương là Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hải Phòng, Ninh Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh (là nơi có các công ty sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước) và số thu LPTB chỉ tăng ở 11 địa phương (Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Giang, Quảng Trị, Khánh Hòa, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Ninh Thuận, Bình Thuận), 52 địa phương còn lại đều giảm thu từ chính sách này (địa phương đã có yêu cầu ngân sách trung ương cấp bù khoản hụt thu này để đảm bảo cân đối ngân sách địa phương).
Đáng quan tâm, tờ trình của Bộ Tài Chính cũng đánh giá (việc ưu đãi lệ phí trước bạ cho xe lắp ráp trong nước) là có ảnh hưởng tiêu cực trong việc thực hiện các cam kết quốc tế và chưa tuân thủ hoàn toàn quy định theo nguyên tắc Đối xử quốc gia trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các Hiệp định thương mại tự do (FTA).
Như Phúc
Theo Thế giới Phương tiện