Hơn 22 năm vẫn bền bỉ lăn bánh, chiếc Toyota Land Cruiser phiên bản 1999 vẫn là lựa chọn yêu thích của khá nhiều tài xế chuyên nghiệp khi mà hàng loạt cái tên đình đám khác đã trở thành dĩ vãng... "Bền bỉ tuyệt đối" - đó là niềm tin mà mẫu xe của thương hiệu Nhật Bản đã gây dựng tại thị trường Việt Nam.
“Bền bỉ tuyệt đối” là lời nhận xét mà anh B.X.H, tài xế chiếc Toyota Land Cruiser đời 1999, dành cho chiếc xe mà mình đã cầm lái 12 năm. Anh H. đã có hơn 20 năm kinh nghiệm cầm lái và làm việc cho một cơ quan nhà nước chuyên triển khai các dự án cộng đồng ở những nơi có địa bàn hiểm trở như Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Nguyên. Chiếc xe Land Cruiser đời 1999 mà anh phụ trách cũng đã có thâm niên 22 năm phục vụ các dự án cộng đồng vùng sâu vùng xa.
Quay trở lại thời điểm đầu những năm 2000, khi đó những chiếc SUV Nhật Bản đặc biệt được các cơ quan và doanh nghiệp lớn ưa chuộng. Những cái tên như Toyota Land Cruiser, Land Cruiser Prado, Mitsubishi Pajero hay Nissan Patrol, Isuzu Trooper... rất quen thuộc với cánh tài xế của các cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, sau hơn 2 thập kỷ, gần như chỉ còn những chiếc Land Cruiser vẫn được giữ lại để sử dụng, trong khi những cái tên khác đều đã dần biến mất.
Và những chia sẻ ngay sau đây của anh B.X.H – một tài xế chuyên nghiệp công tác đã có thâm niên hơn 20 năm cầm lái, trong đó quá nửa thời gian này là song hành cùng chiếc Land Cruiser để hiểu rõ hơn vì sao mẫu xe này trở thành một huyền thoại.
Những chiếc Land Cruiser 90 là sự tin tưởng của người lái không còn là câu chuyện hiếm gặp |
Phóng viên: Như anh vừa nhận xét về chiếc Toyota Land Cruiser mà mình đang phụ trách, đó là sự “Bền bỉ tuyệt đối”, vì sao vậy?
Vâng, phải nói là một sự bền bỉ đến đáng kinh ngạc. Trong suốt 22 năm qua, chiếc xe này không chỉ sử dụng để đi lại hàng ngày thông thường mà còn được dùng để chạy trong nhiều điều kiện vận hành khắc nghiệt. Khi đến tay tôi, mỗi năm tôi có khoảng 8 - 10 chuyến đi công tác và làm từ thiện, từ Tây Bắc sang Đông Bắc, từ vùng sâu vùng xa cho đến miền núi, vùng biển... đâu đâu cũng có vết bánh của chiếc xe này. Trong khi đó, hầu như chiếc xe chưa bao giờ hỏng vặt giữa đường, cho dù hoạt động ở mức độ khắc nghiệt đến đâu chăng nữa.
Chiếc xe này hiện đã lăn bánh được bao nhiêu km rồi và anh cảm thấy thế nào trong quá trình vận hành, đặc biệt là việc bảo dưỡng một chiếc xe chạy lâu năm như vậy?
Chiếc xe hiện đã chạy được tổng cộng hơn 600.000 km rồi. Kể từ năm tôi thì cầm lái chiếc Land Cruiser này cho đến nay đã được 12 năm, trước đó là một tài xế khác phụ trách. Mặc dù vậy, lịch sử bảo dưỡng và chăm sóc chiếc xe này từ đầu tôi đều nắm rất rõ; Chưa phải “đại tu” bao giờ, mỗi lần đến kỳ chỉ bảo dưỡng đơn giản kiểu thay dầu, kiểm tra phanh, lốp, côn và nếu hỏng mới phải thay mới. Chỉ duy nhất một lần, cách đây 4 năm, tôi phải cho bảo dưỡng lớn động cơ hết 60 triệu đồng. Như vậy là quá rẻ đối với một chiếc xe 22 năm vẫn chạy tốt. Tôi còn nhớ như in vẻ mặt của anh thợ kỹ thuật ở xưởng khi đưa xe lên cầu nâng để kiểm tra khung gầm; chất lượng của chiếc xe so với “độ tuổi” của nó quả thật là điều thực sự gây ngạc nhiên cho tất cả xưởng lúc đó. Đây là một chiếc xe “nồi đồng cối đá” đúng nghĩa.
Người ta hay nói: “Của bền tại người”, điều này có đúng trong trường hợp này?
Với tôi thì đúng là như vậy. Tôi coi chiếc xe này như ngôi nhà thứ 2 của mình nên chăm sóc khác cẩn thận. Trong khi nó hầu như cũng chẳng có gì để hỏng mà phải sửa cả, ngoài những thứ liên quan tới hệ thống truyền động, vật tư tiêu hao... Điều ngạc nhiên là chiếc Land Cruiser này cho dù nội thất đã xuống sau hơn 2 thập kỷ nhưng chất lượng vẫn là sự tự hào. Các chi tiết nhựa vẫn còn chắc chắn, nỉ vẫn còn căng và tốt,..., hệ thống radio trên xe chưa gặp bất cứ trục trặc nào.
Cứ bước lên xe, vặn chìa khoá là máy nổ, điều hoà mát rượi, vận hành lại vô cùng êm ái (cười)....
Kỉ niệm nào đáng nhớ nhất của anh với chiếc Land Cruiser này?
Trong suốt nhiều năm là những chuyến đi công tác dài ngày, thời tiết mưa nắng thất thường, khắc nghiệt, đường sá thì khó khăn, hiểm trở nhưng rất may là chiếc xe này chưa một lần đầu hàng. Chuyến đi khắc nghiệt nhất mà có lẽ tôi sẽ không bao giờ quên được, đó là vào mùa lũ năm 2020 mới đây thôi, tôi cùng một số cán bộ đã chở đồ cứu trợ đến miền Trung và Tây Nguyên. Đoàn đi khi đó có 3 xe, trong đó có chiếc Land Cruiser tôi lái là có tuổi đời cao nhất.
Đường từ Hà Nội đến Quảng Trị và Huế thì đẹp, nhưng đường tới Tây Nguyên, nhất là khu vực gần đường biên giới rất xấu, nhiều ổ voi. Thời tiết lại mưa nhiều, có ngày tôi phải cầm lái hơn 600 km liên tục không nghỉ. Đôi lúc cũng khá lo lắng bởi hành trình vất vả, xe lại cũ, vậy nhưng chiếc Land Cruiser đời 1999 đã hoàn thành trọn vẹn nhiệm vụ cho quãng đường 3.500 km đầy thử thách đó. Thậm chí kết thúc chuyến đi, cho đến tận bây giờ chiếc xe vẫn hoạt động hoàn hảo và không hề phát sinh bất cứ một vấn đề.
Toyota Land Cruiser không chỉ là phương tiện hữu dụng trong công việc mà còn là người bạn đồng hành tin cậy của những phong cách sống khoáng đạt |
Vậy có lúc nào chiếc xe phải quay đầu? Các cung đường biên giới có trở ngại lớn?
Có chứ, lúc vào đường cụt là phải quay đầu rồi. Còn lại chưa có lúc nào chúng tôi đầu hàng địa hình, thậm chí chiếc Land Cruiser còn phải đóng vài trò cứu hộ cho các xe khác trong đoàn. Gầm cao, hai cầu, động cơ mạnh… chúng tôi chẳng cần phải nóng vội gì, cứ túc tắc điềm đạm nuốt từng con dốc, từng ổ voi mà không có trở ngại nào. Trong khi các mẫu xe khác, cho dù đời mới hơn cũng phải gầm gào một lúc cuối cùng cũng phải nhờ tôi kéo ra khỏi cái hố mà chúng tôi vừa nhàn nhã đi qua. Bạn thử tưởng tượng hơn 60 km đường như vậy thì đủ biết Land Cruiser “ghi điểm” thế nào.
Đấy là còn chưa nói, mỗi lúc đi qua ngầm hay đoạn suối xâm xấp nước, Land Cruiser lại phải lĩnh ấn tiên phong dò đường bởi các xe khác biết rằng, chỉ có những chiếc xe được thiết kế chuyên biệt, với ống thở cao mới có thể an toàn qua những đoạn đường này.
Vậy đó, những đoạn đường kể ra thì khá đơn giản nhưng khi “vào việc” rõ ràng chỉ có Land Cruiser mới mang lại những cảm xúc thực sự khác biệt khi chinh phục những cung đường này.
Cầm lái chiếc Land Cruiser đời cũ này đã 12 năm, anh đã bao giờ cảm thấy buồn và nhàm chán?
Chưa bao giờ chán cả. Tôi cũng từng được sếp đề xuất đổi cho sang lái các dòng khác đời mới hơn một chút như Prado và Pajero. Tuy nhiên đến khi thử lái những chiếc xe đó, tôi vẫn quyết định gắn bó với chiếc xe mình đang phụ trách vì tôi thấy chiếc Land Cruiser đời 1999 vẫn có trải nghiệm vận hành an toàn và thực sự khác biệt dù đã lăn bánh 22 năm. Hơn nữa, an toàn là vấn đề quan trọng nhất để tôi yên tâm công tác. Chiếc Land Cruiser này có mà 10 năm nữa vẫn hoạt động tốt. Còn nếu có đổi, tôi chỉ mong muốn đó vẫn là chiếc Land Cruiser nhưng đời mới hơn. (cười)…..
Xin cảm ơn anh, chúc anh và “chiến binh” Toyota Land Cruiser đời 1999 sẽ tiếp tục những hành trình an toàn để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
10 ĐIỀU ĐÁNG CHÚ Ý TRÊN TOYOTA LAND CRUISER 300 1. Nhập khẩu từ Nhật Bản, giá bán 4,06 tỷ đồng 2. Sử dụng động cơ V6 3.5L Twin-turbo và hộp số tự động 10 cấp cho công suất 409 mã lực và momen xoắn cực đại 650 Nm tại 2.000 – 3.600 vòng/phút. 3. Lần đầu tiên sử dụng hộp số tự động 10 cấp và duy trì 3 chế độ lái (Eco/Normal/Sport), hệ thống dẫn động bốn bánh toàn thời gian AWD. 4. Cải tiến Hệ thống thích nghi đa địa hình - Multi Terrain Select (MTS) với chế độ Auto, và bên cạnh các chế độ Dirt, Sand, Mud, Deep Snow. 5. Tích hợp lựa vị trí chọn tốc độ của chế độ Kiểm soát Vượt địa hình (Crawl Control) cùng chế độ MTS. 6. Toyota Land Cruiser 300 được sử dụng nền tảng TNGA (Toyota New Global Architecture) nhẹ hơn 200kg so với Land Cruiser 200 7. Tính năng hỗ trợ cua ở góc hẹp (Turn Assist) vẫn được trang bị. 8. Lần đầu có trang bị Toyota Safety Sense; Hệ thống cảnh báo tiền va chạm, Hệ thống kiểm soát hành trình chủ động, Hệ thống hỗ trợ giữ làn đường, Hệ thống đèn pha thông minh tự động. 9. Các tính năng điện tử hỗ trợ an toàn với Hệ thống cảnh báo điểm mù, Hệ thống cảnh báo phương tiện cắt ngang khi lùi, Camera phát hiện người phía sau, Màn hình đa địa hình (Multi-Terrain Monitor). 10. Các trang bị hỗ trợ vận hành đường địa hình; Hệ thống kiểm soát tích hợp động lực học (VDIM), Hệ thống treo động lực học điện tử (E‐KDSS) |
Xem thêm tại: Facebook I Tiktok I Youtube
Kim Ngân
Theo Thế giới Phương tiện