- Điểm giấy phép lái xe có được cộng dồn sang năm sau? Làm thế nào để yên tâm việc CSGT trừ điểm là đúng vi phạm? Nếu vi phạm các lỗi bị tước quyền sử dụng GPLX và vừa bị trừ hết điểm trên GPLX thì thời gian bị cấm lái xe được tính như thế nào?
![]() |
Liên quan đến quyết định của Chính phủ, đồng ý với đề xuất của Bộ Công An về việc triển khai tính điểm trên Giấy phép Lái xe (GPLX), Cục Cảnh sát Giao thông (CSGT) đã có những chia sẻ liên quan đến các quy định chuẩn bị chính thức ra mắt này.
Căn cứ vào hành vi vi phạm để trừ điểm
Hiện tại ở Việt Nam, Chính phủ đã quyết định đây là hình thức xử lý song song với xử lý vi phạm, dựa vào độ nghiệm trọng của các lỗi vi phạm để trừ điểm. Ví dụ, hành vi vượt đèn đỏ theo Quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính thì sẽ bị phạt tiền và tước GPLX tạm thời. Ngoài ra sẽ có số điểm tương ứng bị trừ về hành vi này, nếu trong 1 năm mà người điều khiển phương tiện bị trừ còn 0 điểm thì sẽ mất quyền lái xe.
Làm thế nào để người dân sẽ theo dõi số điểm của mình?
Hiện nay Bộ Công an đã chỉ đạo Cục CSGT đang tiến hành triển khai đồng bộ phần mềm xử lý vi phạm. Phần mềm này ra đời, sẽ quản lý hoạt động toàn bộ phương tiện vi phạm, GPLX của người vi phạm sẽ có trong hệ thống phần mềm này. Khi chiến sĩ CSGT ra quyết định xử phạt thì đều phải nhập dữ liệu vào hệ thống này và người dân hoàn toàn có thể theo dõi. Ngoài ra, dữ liệu rất quan trọng để theo dõi song song với dữ liệu quản lý cấp, cấp đổi GPLX.
Việc trừ điểm GPLX có áp dụng với xe máy?
Việc trừ điểm sẽ được áp dụng đối với cả GPLX ôtô và môtô, xe gắn máy. Trên thực tế, người điều khiển xe máy vi phạm rất nhiều lỗi như vượt đèn đỏ, phóng nhanh, vượt ẩu... gây ra rất nhiều vụ tai nạn. Chính vì vậy, việc trừ điểm đối với GPLX môtô, xe máy là rất cần thiết. Nếu bị trừ hết điểm thì người vi phạm không được phép điều khiển phương tiện nữa.
![]() |
Nếu “lỗi chồng tội” thì sẽ xử lý như thế nào?
Khi bị xử lý vi phạm mà người điều khiển phương tiện bị tước quyền GPLX, khi hết thời hạn sẽ được trả lại GPLX (theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP), nhưng với các lỗi vi phạm này, người điều khiển phương tiện cũng sẽ bị trừ điểm trên GPLX, hiện Cục CSGT đang tính toán các phương án trừ điểm khi vi phạm các lỗi phải tước GPLX tạm thời.
Ví dụ trong Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với lái xe ôtô có thể bị tước GPLX lên đến 24 tháng. Sau khi hết thời gian xử lý hành vi này, người vi phạm sẽ được trả lại GPLX, được tiếp tục sử dụng để điều khiển phương tiện. Đối với quy định trừ điểm, người vi phạm bị thu hồi GPLX thì người vi phạm sẽ phải thi lại. Theo quy định thì sau 6 tháng kể từ khi bị thu hồi GPLX mới được thi lại để lấy GPLX mới. Hiện Cục CSGT đang tính toán quy điểm; đối với hành vi thu hồi GPLX sẽ tính toán 2 năm thì sẽ phải trừ điểm của 2 năm, tức là trong 2 năm đó cũng không được lái xe. Không chỉ thế, khi bị thu hồi GPLX thì trong vòng 6 tháng người vi phạm mới được thi lại GPLX. Như vậy, thời gian không được lái xe sẽ bị tăng lên thành ít nhất 30 tháng chứ không chỉ 24 tháng như hiện nay.
Có được để dành điểm GPLX từ năm này sang năm sau hay không?
Nếu trong một năm không bị trừ hoặc trừ không hết điểm GPLX thì cơ quan chức vẫn sẽ cấp lại 12 điểm để áp dụng cho năm kế tiếp và sẽ không được cộng tích lũy điểm sang năm kế tiếp. Tài xế bị trừ hết điểm sẽ phải thi lại GPLX.
Hiện Cục CSGT đang đề nghị theo hướng, nếu lái xe chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về bảo đảm TTATGT thì sẽ mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự với giá thấp hơn. Lái xe bị trừ điểm nhiều – tức là có nguy cơ mất an toàn cao hơn thì sẽ phải mua bảo hiểm với giá cao hơn.
Nguyễn Chí (ghi)