Khủng hoảng niềm tin: Vẫn còn hi vọng!

13:38, 20/01/2015
|

(VnMedia) - Không phải đến khi Điều ước thứ 7 của VTV3 gặp sự cố, người ta mới thấy Niềm tin là thứ đang bị lợi dụng đến thế nào, mà trước đó, nó đã trở thành một “căn bệnh”.

>> VTV bị phạt 40 triệu đồng
>> Tạm dừng phát sóng Điều ước thứ 7
>> VTV nhận lỗi vụ "Vợ chồng hát rong"


Ảnh minh họa

Điều đau đớn nhất của khủng hoảng niềm tin, đó là những người làm việc thiện sẽ không dám tin 100% vào những mảnh đời bất hạnh nữa...!


Câu chuyện “vợ chồng hát rong” Như Đào - Nhật Thanh, đến tận bây giờ, khi chương trình Điều ước thứ 7 bị dừng phát sóng, biên tập viên, đạo diễn tạm đình chỉ công tác chờ xử lý,… thì người ta vẫn không thể hiểu được sự thật trong câu chuyện này là gì. Ngay kể cả phóng viên các báo đài về tận nhà anh Thanh ở Thanh Hóa, về tận nhà chị Đào ở Nghệ An, phỏng vấn trực tiếp nhân vật, phỏng vấn trực tiếp cha mẹ, vợ con, anh em của họ… nhưng rõ ràng, câu trả lời, vẫn chỉ là những điều họ nói sau khi “sự đã rồi”, và bản thân họ cũng bất nhất trong việc xác định thời điểm, câu chuyện và những việc họ làm.

Sẽ không bao giờ có câu trả lời cho việc này, bởi chỉ có Nhật Thanh và Như Đào là người hiểu rõ nhất, tại sao họ lại làm như thế, với những người đã và đang dành cho họ sự yêu thương, mong muốn tạo điều kiện cho họ được nhận nhiều hơn sự yêu thương và ủng hộ của cộng đồng, bởi một “mối tình” đẹp như cổ tích ấy.

Và cũng chỉ có Như Đào và Nhật Thanh mới là người hiểu rõ nhất mối tình ấy là gì? Là vợ chồng hay bồ bịch? Là anh em kết nghĩa hay là một sự “thỏa thuận” ngầm nào đó…? Chúng ta có lẽ cũng không cần phải biết sự thật. Chỉ có điều, câu chuyện Như Đào – Nhật Thanh thêm một lần nữa khoét sâu vào cái hố ngăn cách sự chủ động yêu thương giữa cộng đồng với những mảnh đời khó khăn, những con người thiếu may mắn trong cuộc sống. Trên truyền hình, đã có biết bao hành động, câu chuyện gây thương cảm cho khán giả rồi cuối cùng hóa ra là “lừa đảo”. Có những chương trình đấu giá từ thiện xong, người đấu giá biến mất. Có những chương trình nhân đạo nhưng nhân vật lại tự bịa lên câu chuyện bi thương của mình. Có những chương trình truyền hình thực tế, người tưởng hát hay lại không đoạt giải, hát dở thì lên ngôi. Có những những trình có vẻ gay cấn, kịch tính nhưng kết quả đã được sắp xếp trước và khán giả không khác gì những chú cừu ngây thơ… Nhiều lắm!

Còn ở ngoài đời, đã có những ông chủ nhà to, điện thoại “xịn” quản lý hàng chục “nhân viên” là những bà cụ, thiếu niên, phụ nữ, trẻ em… hàng ngày lê la ăn xin. Họ kể những câu chuyện thương tâm đến gỗ đá cũng phải xúc động, nhưng cho tiền lẻ có khi họ không thèm nhận và bước đi kèm theo một câu chửi đổng. Cũng có những người tàn tật lăn lê bò toài vô cùng thảm thiết để nhận tiền từ những sự thương cảm của đồng loại, rồi cuối buổi, họ đứng lên đi phăm phăm như chưa bao giờ bị tàn tật… Những số phận “bi thương” giả tạo ấy dần dần bị phát lộ và người ta bắt đầu thấy ngán ngẩm khi mất niềm tin vào những điều tai nghe mắt thấy.

Quay lại chương trình Điều ước thứ 7, đạo diễn Lại Bắc Hải Đăng đã công khai xin lỗi với tư cách cá nhân. Anh nói rằng không mong nhận được sự tha thứ, nhưng anh rất buồn, bởi từ nay, anh không còn dám TIN vào những nhân vật của mình, đó chính là điều đau đớn nhất của một người làm chương trình nhân đạo.

Làm một chương trình nhân đạo đầy tính nhân văn, vậy mà các “số phận’ cho dù tận mắt chứng kiến, tận tai nghe thấy và tận mặt cảm nhận,… thì những người thực hiện cũng sẽ phải thẩm định một cách rõ ràng, bài bản, chi tiết và công phu. Đó là quy trình bắt buộc của nghề báo, không ai được phép làm sai. Nhưng từ trong sâu xa, khi mà cái Thiện nó nằm từ Tâm của mỗi người nhưng đều đã phải đưa ra một cách rạch ròi, bài bản như một quy trình thì đó sẽ không còn là Thiện Tâm nữa. Sự mất lòng tin của công chúng đối với những chương trình, những nhân vật, những mảnh đời…. “giả tạo” bấy lâu đã trở thành mãn tính. Bây giờ, làm việc Thiện người ta cũng phải suy tính, cũng phải nghi ngờ, cũng phải tìm hiểu dù rõ ràng mắt thấy tai nghe… Đó chính là sự sa sút của văn hóa mà mặt trái của kinh tế thị trường đem lại.

Những người làm văn hóa, đặc biệt là quản lý văn hóa ở các cơ quan báo chí, truyền thông đôi khi cũng không lường trước được hậu quả sâu xa từ việc “sa sút văn hóa”, nó sẽ ăn mòn dần dần vào tâm hồn của mỗi người và “hóa thạch” theo thời gian kiểu “mưa dầm thấm lâu”, và dần dần, lòng tốt của con người sẽ mai một. Những bài báo “lá cải”, những chương trình truyền hình đặt mục tiêu “hot” lên hàng đầu bất chấp sự ảnh hưởng của những cái xấu đến với người xem, dần dần, cái xấu, sự giả dối..., giống như một sự “tất nhiên” hiển thị trong cuộc sống, xuất hiện ngày càng nhiều, ngang nhiên như một sự thách thức.

Cuộc sống ngày càng có nhiều sự vô cảm. Vô cảm từ lời nói đến hành động, vô cảm từ bệnh viện tới nhà chùa, vô cảm từ đường phố đến chính ngôi nhà của mình... Sự vô cảm ấy, trong hàng trăm lý do dẫn đến, thì có nguyên nhân của sự mất lòng tin mà mỗi ngày chúng ta lại có thể được chứng kiến ở đâu đó. Khủng hoảng niềm tin là có thật, nó đã và đang làm xói mòn đạo đức trong xã hội hiện đại, tưởng nhỏ, nhưng nó sẽ là nguyên nhân dẫn đến vô vàn những hệ lụy trong tương lai!

Rất may là trong cuộc sống hiện tại, cho dù niềm tin đang bị khủng hoảng, nhưng vẫn còn đó vô vàn những điều tốt, những người tốt, những việc tốt. Đó có thể là những người lính âm thầm đêm ngày giúp bà con miền biên ải trong việc phổ cập cái chữ, đó là hàng triệu con người ngày đêm âm thầm làm từ thiện ở các bệnh viện, ở ngoài đường phố, ở trong công viên, ở các ngôi chùa…, ở đâu, bất cứ ngành nghề nào vẫn còn rất nhiều người tốt, họ chính là những minh chứng cho những niềm tin của cộng đồng vào những điều tốt đẹp vẫn còn và mỗi cá thể trong xã hội, hãy luôn làm những điều tốt đẹp, dù nhỏ, để tạo nên sức mạnh của niềm tin trong cuộc sống.


Ngô Bá Lục

Ý kiến bạn đọc