Vĩnh biệt cây đại thụ của văn học cách mạng Việt Nam!

10:28, 14/02/2014
|

(VnMedia) - Chiều ngày 13/2/2014, nhà văn Nguyễn Quang Sáng - cây bút hàng đầu thuộc dòng văn học cách mạng Việt Nam, đã qua đời ở tuổi 82.

Đạo diễn Quang Dũng đã thông báo trên trang cá nhân về sự ra đi của bố anh - nhà văn Nguyễn Quang Sáng bằng những lời lẽ chân thành, chứa chan tình cảm: "Kết thúc một chặng đường. Ba tôi - nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã chia tay gia đình tôi. Ba đến nơi gặp những bạn bè thân, chú Trịnh Công Sơn, chú Bảo Phúc... Chúc ba vui vẻ nơi ấy! Má và các con yêu ba! Cám ơn thượng đế cho con được là con của ba".

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng sinh ngày 12/1/1932 tại xã Mỹ Luông, huyện Chợ Mới, An Giang. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ông gia nhập quân đội và hoạt động ở chiến trường miền Nam. Sau năm 1954, ông tập kết ra Bắc và bắt đầu sự nghiệp viết văn kể từ đó. Đến những năm kháng chiến chống Mỹ, ông quay lại miền Nam, tham gia cuộc kháng chiến và tiếp tục viết văn.

Ảnh minh họa

Đạo diễn Quang Dũng thông báo về sự ra đi của cha mình - nhà văn Nguyễn Quang Sáng trên trang facebook cá nhân

Từ tháng 4/1946, ông xung phong vào bộ đội, làm liên lạc viên cho đơn vị Liên Chi 2. Đến năm 1948 được bộ đội cho đi học thêm văn hoá ở Trường trung học kháng chiến Nguyễn Văn Tố. Năm 1950, về công tác tại phòng chính trị Bộ Tư lệnh phân khu miền Tây Nam Bộ, làm cán bộ nghiên cứu tôn giáo (chủ yếu là Phật giáo và Hòa Hảo).

Năm 1955, ông theo đơn vị tập kết ra Bắc, chuyển ngành với cấp bậc chuẩn úy, về làm cán bộ Phòng Văn nghệ Đài Phát thanh tiếng nói Việt Nam. Từ năm 1958, công tác ở Hội Nhà văn Việt Nam, làm biên tập viên tuần báo Văn nghệ biên tập nhà xuất bản Văn học, cán bộ sáng tác. Năm 1966, ông vào chiến trường miền Nam, làm cán bộ sáng tác của Hội Văn nghệ Giải phóng. Năm 1972, trở ra Hà Nội, tiếp tục làm việc ở Hội Nhà văn.

Sau ngày đất nước thống nhất tháng 4/1975, ông về TP.HCM, giữ chức Tổng thư ký (về sau đổi tên gọi thành Chủ tịch) Hội Nhà văn TP.HCM các khoá l, 2, 3. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1957; Ủy viên Ban Chấp hành Hội khoá 2, 3 và là Phó tổng thư ký Hội khoá 4. Sau 1975, ông là lãnh đạo đầu tiên và liên tục suốt ba nhiệm kỳ ở Hội Nhà văn TP. HCM.Tại Đại hội nhà văn toàn quốc khóa IV, ông được giới nhà văn bỏ phiếu cao nhất, được giới thiệu để bầu làm Tổng thư ký nhưng ông từ chối, sau đó giữ chức Phó tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam, còn nhà văn Vũ Tú Nam được bầu làm Tổng thư ký.

Cùng với Đoàn Giỏi, Anh Đức, ông Nguyễn Quang Sáng được xem là nhà văn hàng đầu của miền Nam trong dòng văn học kháng chiến. Để ghi công trạng của ông, Đảng Cộng sản trao tặng ông giải thưởng cao nhất về văn học nghệ thuật, Giải thưởng Hồ Chí Minh, năm 2000.

Ảnh minh họa

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng là cây bút truyện ngắn bậc thầy của văn chương Việt, Chiếc lược ngà là truyện ngắn mẫu mực cho nhiều thế cầm bút nước nhà; ông còn là nhà biên kịch lớn của điện ảnh Việt Nam, Cánh đồng hoang là kịch bản hay nhất từ xưa đến nay ở Việt Nam, chưa ai có thể vượt qua được.

Các tác phẩm đã xuất bản của ông gồm có: Con chim vàng (1978), Người quê hương (truyện ngắn, 1968), Nhật ký người ở lại (tiểu thuyết, 1961), Đất lửa (tiểu thuyết, 1963), Câu chuyện bên trận địa pháo (truyện vừa, 1966), Chiếc lược ngà (truyện ngắn, 1966), Bông cẩm thạch (truyện ngắn 1969), Mùa gió chướng (tiểu thuyết, 1975), Người con đi xa (truyện ngắn, 1977), Dòng sông thơ ấu (tiểu thuyết, 1985), Bàn thờ tổ của một cô đào (truyện ngắn, 1985), Tôi thích làm vua (truyện ngắn, 1988), 25 truyện ngắn (1990), Paris - tiếng hát Trịnh Công Sơn (1990), Con mèo của Foujita (truyện ngắn - 1991), Nhà văn về làng (truyện ngắn, 2008)...

Ông còn ghi dấu ấn của mình ở lĩnh vực biên kịch với các kịch bản phim: Cánh đồng hoang (1978), Pho tượng (1981), Cho đến bao giờ (1982), Mùa nước nổi (1986), Dòng sông hát (1988), Câu nói dối đầu tiên (1988), Thời thơ ấu (1995), Giữa dòng (1995), Như một huyền thoại (1995).

Ông ra đi để lại một văn nghiệp đồ sộ, nồng thắm tình yêu quê hương, con người, đất nước Việt Nam và những tác phẩm này đã ăn sâu và sẽ còn sống mãi trong trái tim độc giả.


Ý kiến bạn đọc