Chùa Giám - danh lam cổ tích

21:40, 03/03/2013
|

Chùa Giám, tên chữ là Nghiêm Quang Tự, tọa lạc trên một thân đất đẹp bên hữu ngạn sông Thái Bình. Kề gần chùa Giám là nghè Giám, cũng là một di tích tín ngưỡng nổi tiếng. Từ xưa, chùa Giám đã được liệt hạng là Danh lam cổ tích, tương truyền khởi dựng từ thời Lý - Trần.

Văn bia trong chùa cho biết, thời Lê, đây thuộc xã An Trang, tổng An Trang, huyện Lương Tài, phủ Thuận An, đạo Kinh Bắc. Đầu triều Nguyễn, vùng quê này thuộc tỉnh Bắc Ninh, đến đời Thành Thái, khoảng năm 1890, mới cắt về huyện Cẩm Giàng, Hải Dương. Ngày nay, chùa Giám nằm ngay bên trục đường chính của xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Giàng.

Chùa Giám là một kiến trúc cổ đẹp hiếm thấy ở nước ta, có cả tam quan ngoài và tam quan trong. Qua tam quan ngoài một tầng, bốn mái, đi một đoạn tới tam quan trong hai tầng, tám mái, rồi vào sân chùa. Qua sân chùa, tới tòa tiền đường dài 18,9m, rộng 7,6m, gồm 7 gian với trái hạ xối, đao tàu, réo góc. Đặc biệt, tòa tiền đường không cao, cột quân chỉ 2,1m, nhưng thân cột rất to. Cửa tòa tiền đường đặt theo hàng cột thứ nhất, nên hiên rất rộng. Ở gian giữa có đóng ngưỡng chồng, cao tới 1m, có bốn cánh cửa ngắn bên trên, chức năng như cửa sổ. Cấu tạo của gian giữa như một tắc môn, đấy là một nét đẹp riêng, hiếm thấy ở các chùa khác. Cửa võng có bức chạm quần long tinh xảo, mang vẻ đẹp đặc trưng của nghệ thuật chạm khắc gỗ thời Lê, cũng hiếm thấy. Từ tiền đường, có một gian ống muống nối vào tòa tam bảo rộng một gian hai trái nằm song song với tiền đường.

Phía sau tam bảo là khoảng sân rộng hình vuông. Khu vực này có nhà phẩm, một tòa kiến trúc gỗ cao gần 8m với 4 cột cái, 16 cột quân cùng hệ thống xà nối, ván bưng đố lụa, các nghệ nhân xưa không dùng chốt giữ mộng nào, nhưng trải bao nắng mưa lịch sử suốt mấy trăm năm trời tòa kiến trúc vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt. Trong nhà phẩm còn có tòa cửu phẩm liên hoa, kiến trúc theo kiểu chồng diềm, 3 tầng, 12 mái. Nhà phẩm và tòa cửu phẩm liên hoa lưu giữ vẻ đẹp của nghệ thuật kiến trúc thời Hậu Lê (thế kỷ XVII - XVIII). Tòa cửu phẩm có cột cái gỗ lim khối lục lăng, mỗi mặt rộng 1,2m, cao 4,44m. Để tạo dựng kiệt tác này, các nghệ nhân xưa đặt cột trụ lim ở giữa, và 6 trụ chạm khắc hình trúc hóa long ở chung quanh. Liên kết trụ giữa với các cột chung quanh bằng một hệ thống xà gánh đan chéo hình múi khế; xà ngang chia tháp thành 9 tầng hoa sen (nên mới gọi là cửu phẩm liên hoa), mỗi tầng 5 lớp cánh. Mỗi cạnh của tòa cửu phẩm đặt 3 pho tượng Phật, mỗi tầng 18 pho, tầng cao nhất chỉ có 1 pho tượng ngồi cao 1m, đầu đội trần nhà cửu phẩm. Với chiều cao và diện tích như vậy, cùng tổng cộng 145 pho tượng Phật, ta hiểu khối lượng tòa cửu phẩm nặng thế nào. Nhưng, chỉ cần hai người dùng tay đẩy nhẹ, cả tòa cửu phẩm có thể từ từ quay vòng tròn. Có thể nói, công trình kiến trúc này, cùng với chùa Bút Tháp ở Bắc Ninh và chùa Động Ngọ ở Thanh Hà, Hải Dương, là ba kiệt tác của kiến trúc nghệ thuật điêu khắc gỗ cổ truyền Việt Nam còn lưu giữ được đến ngày nay.

Vườn chùa Giám bây giờ xum xuê nhãn trồng xen táo, có nhiều bảo tháp lưu xá lị của những vị hòa thượng nhiều đời trước đã tu trì ở đây. Chùa Giám cũng là nơi Thiền sư - đại danh y Tuệ Tĩnh từng tu trì. Ngài trồng rất nhiều cây thuốc trong vườn chùa và chữa bệnh cho dân chúng khắp vùng. Nhớ ơn công lao đức độ của Thiền sư Tuệ Tĩnh, nhân dân xã Cẩm Sơn đã tạc tượng Ngài, đặt tại nhà Tổ của chùa.

Danh lam cổ tích chùa Giám được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia từ năm 1974. Trước kia, lễ hội chùa tổ chức ở mức lễ hội văn hóa dân gian của một vùng quê. Đầu xuân 2001 Bộ Y tế và UBND tỉnh Hải Dương chủ trì lễ hội, cũng là để tưởng niệm, tưởng nhớ công đức của Đại danh y Tuệ Tĩnh. Từ đó, hội xuân chùa Giám có thêm ý nghĩa mới.

Gần kề chùa Giám còn có nghè Giám, một di tích tín ngưỡng lớn của địa phương. Đây cũng là một công trình kiến trúc đời Lê, cùng với chùa Giám, tạo nên một quần thể di tich kiến trúc cổ đẹp. Rất nhiều di vật cổ lưu giữa tại chùa Giám và nghè Giám chứa đựng những giá trị văn hóa - lịch sử quý, có thể giúp các nhà khoa học nghiên cứu, tìm hiểu truyền thống văn hiến của vùng quê Cẩm Sơn, Cẩm Giàng, Hải Dương.

Theo báo Hải Dương, chùa Giám đang đối mặt với sự hư hại, xuống cấp. Nhiều mảng ngói trên mái tòa thượng điện bị sụt lõm, do một số xà gỗ bị mục, hỏng. Tòa cửu phẩm bị nghiêng, nhiều mộng, khớp nối bị há ra. Nhà chùa phải dán biển cảnh báo khách không được quay tòa cửu phẩm để bảo đảm an toàn. Hiện chùa Giám còn lưu giữ được 15 tấm văn bia cổ với nhiều các hình dáng, kích cỡ, nhưng chưa có nhà bia cất giữ...


Báo Điện tử VnMedia

Ý kiến bạn đọc