Đặng Hồng Giang - người gieo sự lạc quan từ những mầm sống

06:56, 20/11/2016
|

(VnMedia) - Người mẹ sinh con bằng tinh trùng của chồng quá cố, một doanh nhân 11 năm vượt bạo bệnh bằng sự lạc quan phi thường, một người nông dân bám trụ bên mảnh đất bom đạn để mưu sinh vì con cái... những mầm sống ấy được đạo diễn Đặng Hoàng Giang chuyên chở bằng những phim tài liệu đầy tính nhân văn. 

Sau "Lửa Thiện Nhân", đạo diễn Đặng Hoàng Giang lại gửi đến khán giả ba câu chuyện thấm đẫm tính nhân văn và truyền cảm hứng lạc quan trong cuộc sống. Anh đã cất công, chắt chiu mạch nguồn cảm xúc từ ba nhân vật vô cùng tiêu biểu cho cả ba giới tri thức - doanh nhân - nông dân, đại diện cho ba miền Bắc - Trung - Nam. Họ vượt ra khỏi số phận, để vững vàng bước tiếp trong cuộc sống còn bộn bề những thử thách trước mắt. Những câu chuyện ấy, đã làm khán giả không cầm được nước mắt.

Người mẹ vĩ đại Hoàng Thị Kim Dung và ba đứa con
Người mẹ vĩ đại Hoàng Thị Kim Dung và ba đứa con

Sáng 18/11, đạo diễn Đặng Hoàng Giang đã giới thiệu chùm phim "Đáng sống" đến khán giả. Áp lực của "Lửa Thiện Nhân" quá lớn khiến cho những nhân vật anh muốn tái hiện lại trở thành một công cuộc gian nan, vất vả. Gian nan vì nhân vật có một cuộc đời đầy phi thường thì họ không muốn xuất hiện, không muốn bị chạm lại nỗi đau, không muốn hé lộ về những cơ cực chính mình. Nhưng bằng một sự chân thành, giản dị vốn như con người mình, Đặng Hoàng Giang đã khiến các nhân vật từ gật đầu, đến sẵn sàng thả nỗi lòng mình trôi theo mạch phim mà anh xây dựng. 

Trong chùm phim mới này, "Mầm sống" đã khiến khán giả bật khóc những tiếng nức nở trong rạp chiếu. Hành trình sinh hai đứa con trai từ tinh trùng của người chồng đã khuất khiến cho những ai ra khỏi rạp chiếu chỉ muốn lao vào ôm chị Hoàng Thị Kim Dung để thổ lộ nỗi lòng cảm phục đến bị khuất phục. Nghị lực, bản lĩnh, sự hy sinh ở trong cái đầu tỉnh táo, tính toán chi li của một nhà khoa học như chị Dung có lẽ Việt Nam chỉ có một. Chồng chị ra đi lúc chị mới sinh bé gái 6 tháng. Trong nỗi đau khổ cùng cực như xé gan, xé ruột, chị vẫn bình tĩnh tới mức tìm mọi cách giữ tinh trùng của chồng, để đáp lại tâm nguyện "chúng mình phải có hai đứa con" - như anh từng mong ước. 

Vượt qua trở ngại của bản thân, vượt qua áp lực dư luận, vượt qua nỗi sợ hãi phải gồng gánh nuôi ba đứa con không có cha... Tiến sĩ trẻ Kim Dung đã quyết định sinh con từ tinh trùng đã được trữ đông của chồng mình. Và ông trời không phụ tấm chân tình hiếm hoi đó, chị đã mang song thai - hai bé trai kháu khỉnh được chị hé lộ giống cha như đúc. Hạnh phúc vỡ òa trong trái tim người vợ trẻ mất chồng gần 4 năm, chị đã có thêm chỗ để nương náu những khi đau khổ hay chùn bước. Trong hành trình đó, bác sĩ Lê Vương Văn Vệ đã là người đồng hành để giúp cho phép màu cuộc sống trở thành hiện thực. Ông chính là người đã lưu trữ tinh trùng và giúp chị Kim Dung có được những phôi thai khỏe mạnh nhất. 

Câu chuyện cảm động này khiến cho những ai đã đi tận cùng đau khổ, như được choàng tỉnh một sự lạc quan. Hóa ra, người chết chưa phải là hết. Chính chị - một tiến sĩ trẻ, một giảng viên Đại học đã dạy chúng ta bài học về những mầm sống đầy ấm áp và lẽ sống cao đẹp của cuộc đời. 

Nhiếp ảnh gia Tăng A Pẩu và câu chuyện
Nhiếp ảnh gia Tăng A Pẩu và câu chuyện "Đáng sống"

Hai câu chuyện sau đó, cũng bằng lối dẫn chuyện rất đời thường, gần gũi, Đặng Hoàng Giang tái hiện cuộc đời của nhiếp ảnh gia Tăng A Pẩu. Cuộc chiến đấu ung thư của anh bền bỉ và đầy lạc quan. Anh đã tiếp tục duy trì sức khỏe 11 năm sau ca mổ cắt bỏ khối u gan ác tính. Cũng trong 11 năm đó, anh đã lặn lội đi tới nhiều mảnh đất để tìm kiếm và chụp hình tới 500 loài chim của Việt Nam, trong đó có những loài không hề có trên thế giới. 

Đây là câu chuyện đáng sống, về sự lạc quan trước căn bệnh hiểm nghèo. Vượt qua bệnh tật, anh Tăng A Pẩu vẫn vươn tới cái đẹp, chinh phục cái đẹp, như một sự cứu rỗi cho những đau đớn về thể xác, kiệt quệ về tinh thần mà anh từng trải qua. 

Câu chuyện cuối cùng tái hiện mảnh đất Quảng Trị đau thương - nơi người dân vẫn còn sống bằng nghề đi đào cuốc phế liệu chiến tranh. Nhân vật chính Nguyễn Ngọc Triệu đã nuôi cả gia đình, nuôi cậu con trai học đại học bằng chính nghề này suốt vài chục năm. Ở nơi mà tính mạng con người như ngàn cân treo sợi tóc, anh vẫn tự tin vào bản thân thừa kinh nghiệm đối phó với cả những quả bom chưa nổ, để lao vào rừng sâu nhặt nhạnh từng mảnh vụn của bom, đạn. Biết là nguy hiểm, biết là mỗi ngày ra khỏi nhà, vợ anh đều thắp hương cầu khấn phù hộ bình an, biết là có những người làng xóm của anh ra đi không về hay tàn phế, tật nguyền... nhưng anh vẫn phải đi, vì mưu sinh, và vì cả làng này sống bằng nghề ấy. 

Nhân vật Nguyễn Ngọc Triệu trong
Nhân vật Nguyễn Ngọc Triệu trong "Một con đường"

Đạo diễn Đặng Hoàng Giang gọi đó là cuộc mưu sinh chết chóc, và anh cũng đã thuyết phục được nhân vật chính bỏ nghề. Anh đã giúp cậu con trai của nhân vật Nguyễn Ngọc Triệu một chỗ ở cùng anh và việc làm ổn định sau khi ra trường. Tương lai của anh Triệu sẽ không còn mờ mịt nữa...

Chùm phim "Đáng sống" cảm động này sẽ được khởi chiếu trong cụm rạp BHD Hà Nội, BHD Thành phố Hồ Chí Minh và cụm rạp Tháng 8 từ ngày 18/11. 

Lam Trần


Ý kiến bạn đọc