Tiến sĩ Thế Hùng ngủ xe hơi, mang tiền nhà đi làm từ thiện trí tuệ

07:17, 03/06/2016
|

(VnMedia) Dù bị vợ con mắng mỏ yêu là “thần kinh” khi ở độ tuổi 69 vẫn chưa nghỉ ngơi mà còn quyết làm thiện trí tuệ 1.000 buổi dạy miễn phí, Tiến sĩ mỹ học Thế Hùng vẫn hỉ hả nói, “tôi không điên mà chỉ bởi tôi quá đam mê”.

Ra trường 12 năm, những bài học về mỹ học, về văn hóa học của Tiến sĩ mỹ học Thế Hùng vẫn là những kiến thức nền căn bản để chúng tôi bước chân vào nghề báo. Ở độ tuổi 69, thầy tuyên bố mình sẽ làm từ thiện trí tuệ khiến chúng tôi vô cùng khâm phục sức khỏe, trí tuệ và đam mê của thầy.

1.000 cuộc dạy miễn phí, 5 tỷ từ thiện trí tuệ… nhiều điều sau ý tưởng đó đã được thầy hiện thực hóa và tiếp tục hiện thực hóa với một kế hoạch đầy thực tế, truyền đạt khối kiến thức khổng lồ của mình cho hàng triệu người dân Việt.

Ngủ xe hơi, mang tiền nhà đi dạy miễn phí

Chỉ với điều kiện duy nhất, mỗi buổi học phải đủ 100 học viên và hệ thống âm thanh tốt, Tiến sĩ mỹ học Thế Hùng đã bắt đầu những chuyến “du hành” đầu tiên trong hành trình mang trí tuệ của mình đến với hàng triệu dân Việt Nam bằng hình thức miễn phí.

Trong suốt cuộc đời giảng dạy của mình, ông đã dạy 1.400 cuộc cho 700 đơn vị khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Ở tuổi 69, khi có thể rong chơi với nghiệp giảng dạy, thong thả giữa cuộc sống bộn bề, vui vầy với gia đình con cái thì người đàn ông được gọi với cái tên “tỷ phú trí tuệ” này quyết đi làm từ thiện bằng tất cả sức khỏe, kinh tế và trí tuệ của mình.

Gần 70 tuổi, thầy tự lái xe hàng trăm cây số đi tỉnh chỉ vì một lời mời xa xôi. Không ngại tốn kém đi lại khi phải chi phí cho trợ lý, cho lái xe ăn ở, thầy bảo “nhiều địa phương nghèo lắm. Khi đã xác định dạy miễn phí là mình phải tự lo được cho mình chứ không muốn phiền hà họ”. Với tâm ý đó, trong tháng 6 này, đã có 27 cuộc mời được lên lịch để thầy bắt đầu dấn thân vào công cuộc giảng dạy miễn phí.

Hỏi thầy, ở độ tuổi này, thầy còn cần gì tiếng tăm và danh vọng nữa để có động lực đi dạy, nhất là dạy miễn phí, thầy tâm sự “Tôi không cần sĩ diện, cần nổi tiếng nữa. Tôi tâm niệm “60 học tâm, 70 học tiếp và 80 học mù” nên tôi đã quá bằng lòng với chính mình. Ở tuổi 69, tôi không còn nhiều thời gian nên tôi muốn chạy đua với thời gian để làm từ thiện. Tôi quan niệm ở tuổi này, qua 1 ngày là vui một ngày. Tôi tự tin mình còn minh mẫn và khỏe mạnh để mỗi ngày qua đi làm từ thiện, là tôi lãi một ngày vui”.

Một tâm ý nữa đầy nhân văn của thầy, là trong giai đoạn khó khăn của nhiều doanh nghiệp, thầy không thể giảm chi phí vì sẽ mất thương hiệu. Thay vì thế, 1 năm qua thầy nung nấu ý tưởng sẽ tặng miễn phí với tên gọi “từ thiện trí tuệ”. Và thầy tự tin bảo “Tôi là tiến sĩ đầu tiên làm từ thiện trí tuệ. Nếu không ai làm điều này thì tôi sẽ là tiến sĩ duy nhất”.

Sự minh mẫn của một ông lão 69 tuổi, lên giảng đường như lên đồng, có thể nói xuyên trưa không cần nghỉ ngơi khiến người khác phải khâm phục sức lao động bền bỉ của thầy. 12 chuyên đề về kỹ năng sống được thầy sắp xếp khoa học cho từng đối tượng. Trong hành trình làm từ thiện này, thầy bảo “sẽ ưu tiên những đối tượng nghèo, ở vùng sâu, vùng xa và khó khăn nhất. Doanh nghiệp sẽ là ưu tiên cuối cùng. Thậm chí một số doanh nghiệp tôi vẫn lấy tiền với giá bằng 1 nửa để lấy miền xuôi nuôi miền ngược”.

Điều lo lắng của thầy ở tuổi này là sức khỏe và sự khó ngủ. Thầy bảo, ở nhà không gian riêng của thầy quá đỗi tiện nghi để thầy tránh được sự mất ngủ của tuổi già. Vì thế, khi đi dạy từ thiện ở nhiều vùng khó khăn, thầy xác định ngủ trên xe hơi đã được trang bị đầy đủ để giữ cho mình khỏi cảnh mất ngủ, giữ cho mình sức khỏe và sự minh mẫn khi lên lớp.

Nuôi giấc mơ mang kiến thức cho 2 triệu dân Việt Nam

Hỏi vui thầy gia đình có ủng hộ ý tưởng này không, thầy tếu táo nói “Vợ con mắng tôi thần kinh khi không chịu nghỉ ngơi ở tuổi này. Con tôi mắng bố còn thiếu gì nữa để phải lao động trí óc, ở nhà con nuôi. Nhưng tôi đã trấn an được gia đình bằng quyết tâm và đam mê của mình bằng câu nói “hành thiện - lưu ân - tích đức - hưởng phúc” để nói rằng tôi đang làm việc thiện tích đức cho con cái sau này”. Vợ thầy, khi không thể can ngăn đã trở thành hậu phương vững chắc chuyên chăm lo sức khỏe cho thầy để có sức bền bỉ cho những chuyến đi xa, đi dài ngày thực hiện ý tưởng cống hiến trí tuệ miễn phí.

Thầy bảo, ngoài cuộc đời giảng dạy của mình tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhăn văn cũng như được mời giảng tại 10 trường Đại học hàng đầu Việt Nam, thầy muốn trong 10 năm hành thiện, thầy sẽ mang kiến thức của thầy đến khoảng 2 triệu dân Việt Nam. Trong đó, nhiều kiến thức rất hiện đại mà xã hội vẫn còn thiếu như kỹ năng sống, văn hóa ứng xử, kỹ năng giao tiếp, bí quyết dạy con thành tài của dân tộc Do Thái, định hướng lý tưởng và tương lai cho thế hệ trẻ… được thầy rất tâm đắc truyền đạt.

Thầy nói vui, ở nhà thầy như người câm, nhưng khi lên giảng đường như bị lên đồng. Ốm mấy nhưng gặp các học viên là có thể nói dài 3,4 tiếng không ngừng nghỉ. Vì thế, đam mê được đứng trên bục giảng, được truyền đạt kiến thức mới là động lực lớn nhất để thầy quyết tâm đi làm từ thiện trí tuệ.

Mượn câu Kinh Thánh “Khi con sinh ra, mọi người đều cười riêng mình con khóc. Con hãy sống sao để khi con ra đi, mọi người đều khóc, riêng mình con cười”, thầy kết thúc câu chuyện với tôi rằng, thầy chỉ mong khi thầy tạ thế, sẽ có 2 triệu người được nghe thầy giảng dạy đó sẽ thắp một nén hương cho thầy. Và chỉ cần thế là đủ để tri ân lại tấm lòng làm từ thiện trí tuệ của thầy.

Ý chí của một người từng thức trắng 700 đêm để hoàn thành Luận án Tiến sĩ với mong muốn mình phải là số 1 để ở lại trường giảng dạy đã hun đúc lên một tài năng Thế Hùng. Và bằng chính đam mê được đứng trên bục giảng, đam mê không còn vì mục đích kinh tế mà chỉ vì mục đích được truyền đạt kiến thức, thầy trở thành một biểu tượng kiến thức, một tỷ phú trí tuệ trong xã hội đầy bộn bề những thứ giả dối, đấu tố và thiếu niềm tin vào nhau như ngày nay. Mong cho thầy sức khỏe, hanh thông trí tuệ để có sức bền làm từ thiện, nâng cao trí tuệ của nhiều người dân Việt.

Thiên Lam


Ý kiến bạn đọc