- Góp ý cho dự thảo Luật Đường bộ, Bộ Tư pháp cho biết, quy định việc Ủy ban nhân dân tỉnh khác có trách nhiệm hỗ trợ tỉnh lân cận cung cấp vật liệu để xây dựng đường cao tốc là chưa phù hợp.
Liên quan đến quy định pháp luật về khoáng sản, dự thảo Luật Đường bộ quy định quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm hỗ trợ các tỉnh lân cận cung cấp vật liệu để xây dựng đường cao tốc (điểm a khoản 7 Điều 49).
Tuy nhiên, thẩm định hồ sơ dự án Luật, Bộ Tư pháp cho biết, việc cung cấp vật liệu xây dựng phải thực hiện theo quy định pháp luật về khoáng sản về việc cấp phép khai thác khoáng sản. Do đó, quy định việc Ủy ban nhân dân tỉnh khác có trách nhiệm hỗ trợ tỉnh lân cận cung cấp vật liệu để xây dựng đường cao tốc là chưa phù hợp.
Đối với pháp luật về đất đai, dự thảo Luật quy định “không thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với diện tích đất sử dụng để đầu tư xây dựng đường cao tốc và các công trình phục vụ khai thác đường cao tốc (điểm a khoản 6 Điều 49). Tuy nhiên, theo Bộ Tư pháp, Luật Đất đai năm 2013 không quy định trường hợp giao đất không thu tiền sử dụng (Điều 54) đối với trường hợp sử dụng đất để đầu tư xây dựng đường cao tốc.
“Bên cạnh đó, hiện nay, Chính phủ đã trình Quốc hội cho ý kiến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), do đó, trường hợp cần phải bổ sung chính sách của Nhà nước để phát triển đường cao tốc, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu đề xuất bổ sung quy định này tại dự thảo Luật Đất đai.” – Bộ Tư pháp cho biết.
Ảnh minh họa |
Liên quan đến vấn đề ngân sách nhà nước, Dự thảo Luật Đường bộ quy định bố trí riêng ngân sách trung ương, ngân sách địa phương hoặc kết hợp ngân sách trung ương và địa phương để đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành khai thác, sử dụng và bảo trì công trình đường cao tốc theo quy định tại khoản 3 Điều 47 Luật này (điểm d khoản 1 Điều 49); Nhà nước ưu tiên sử dụng các nguồn lực thu được từ khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường cao tốc… (khoản 2 Điều 49); Nhà nước ưu tiên sử dụng nguồn tài chính thu được theo quy định tại khoản 1 Điều này để đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng đường cao tốc... (khoản 2 Điều 52).
Tuy nhiên, thẩm định hồ sơ dự án Luật Đường bộ của Bộ Tư pháp cho biết, theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước thì không được dùng ngân sách của cấp này để chi cho nhiệm vụ của cấp khác và không được dùng ngân sách của địa phương này để chi cho nhiệm vụ của địa phương khác (khoản 9 Điều 9).
Bên cạnh đó, Luật Ngân sách Nhà nước cũng xác định nguyên tắc bảo đảm ưu tiên bố trí ngân sách để thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong từng thời kỳ về phát triển kinh tế; xóa đói, giảm nghèo; chính sách dân tộc; thực hiện mục tiêu bình đẳng giới; phát triển nông nghiệp, nông thôn, giáo dục, đào tạo, y tế, khoa học và công nghệ và những chính sách quan trọng khác (khoản 5 Điều 8).
Về các ý kiến nói trên, Bộ Giao thông vận tải cho biết sẽ tiếp thu, chỉnh lý tại Điều 49 dự thảo Luật Đường bộ
Đối với quy định liên quan đến viễn thông, Dự thảo Luật Đường bộ quy định về việc xây dựng, lắp đặt công trình thông tin, viễn thông trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (Điều 23); xây dựng, khai thác công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ (Điều 24).
Theo Bộ Tư pháp, liên quan đến nội dung này, Luật Viễn thông đã quy định công trình giao thông, cột điện, đường điện, tuyến cấp nước, thoát nước và các công trình hoạt động kỹ thuật khác phải được thiết kế, xây dựng để bảo đảm việc lắp đặt, bảo vệ đường truyền dẫn, công trình viễn thông (khoản 1 Điều 59), quy định về sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật (Điều 60).
“Bên cạnh đó, hiện nay, dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) đã được Chính phủ trình Quốc hội, do đó, đề nghị Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để thống nhất quy định trong 2 dự án luật này.” – Bộ Tư pháp nêu ý kiến.
Về ý kiến này, Bộ Giao thông vận tải tiếp thu, rà soát để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong các dự án luật.