- Liên quan đến phương tiện giao thông đường bộ, dự thảo Luật Đường bộ đã bổ sung khung pháp lý cho việc quản lý chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với phương tiện giao thông công nghệ mới, phương tiện giao thông đa tính năng…
Sáng ngày 13/4, UBTVQH tiếp tục Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4/2023, cho ý kiến về việc trình Quốc hội quyết định bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đối với các dự án: Luật Đường bộ, Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ; cho ý kiến đối với dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Trình bày Tờ trình tóm tắt Dự án Luật Đường bộ, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, Dự thảo Luật Đường bộ gồm 6 chương, 95 điều. So với dự thảo Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã chuyển 02 chương sang Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ (đó là chương: quy tắc giao thông đường bộ, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ), giữ nguyên 1 điều (Điều 2 về đối tượng áp dụng); sửa đổi 40 điều; bổ sung mới 54 điều.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng trình bày Dự án Luật Đường bộ |
Về nội dung chính của dự án Luật, so với Luật Giao thông đường bộ năm 2008, chương I của dự thảo Luật có các điểm mới như sau: thay đổi phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, theo đó Luật này quy định về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; phương tiện giao thông đường bộ; vận tải đường bộ và quản lý nhà nước về giao thông đường bộ; bổ sung các khái niệm mới như: đường giao thông nông thôn; đường địa phương; phương tiện công nghệ mới; phương tiện đa tính năng; bổ sung quy định về áp dụng Luật Đường bộ và các luật khác…
Về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ 37 điều (chương II từ Điều 10 đến Điều 46), so với Luật Giao thông đường bộ năm 2008, dự thảo Luật đã bổ sung hệ thống đường thôn xóm vào mạng lưới đường bộ; bổ sung quy định việc phân kỳ đầu tư trong việc cho phép đường địa phương, đường chuyên dùng được quy hoạch thành quốc lộ chỉ nâng lên quốc lộ sau khi được đầu tư đảm bảo cấp kỹ thuật theo quy hoạch và không thấp hơn đường cấp IV; Bổ sung quy định cụ thể đất dành cho kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, phạm vi bảo vệ trên không và phía dưới đường bộ.
Bổ sung làm rõ hơn trách nhiệm của chủ sở hữu hoặc người quản lý sử dụng công trình hạ tầng trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ phải hoàn trả công trình đường bộ bị ảnh hưởng, bố trí kinh phí tổ chức di dời công trình khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp cần thu hồi đất để đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, sửa chữa, bảo trì công trình đường bộ…
Liên quan đến phương tiện giao thông đường bộ (chương III từ Điều 47 đến Điều 54), so với Luật Giao thông đường bộ năm 2008, dự thảo Luật đã bổ sung khung pháp lý cho việc quản lý chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với phương tiện giao thông công nghệ mới, phương tiện giao thông đa tính năng; Bổ sung quy định ô tô con phải có hướng dẫn để lắp ghế ngồi, lắp dây đai an toàn dành cho trẻ em trong tài liệu sử dụng…
Về vận tải đường bộ (chương IV từ Điều 55 đến Điều 88), so với Luật Giao thông đường bộ năm 2008, dự thảo Luật đã bổ sung các quy định về hoạt động vận tải đường bộ, hoạt động vận tải đường bộ trong nước, hoạt động vận tải đường bộ quốc tế (Điều 55). Dự thảo Luật cũng đã quy định rõ hoạt động kinh doanh vận tải và hoạt động vận tải nội bộ để có những điều tiết phù hợp giữa 02 loại hình này, đảm bảo công bằng, minh bạch, bảo đảm an toàn trong hoạt động vận tải đường bộ.
Về quản lý nhà nước về giao thông vận tải (từ Điều 89 đến Điều 93), so với Luật Giao thông đường bộ năm 2008, dự thảo Luật quy định rõ hơn trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương trong hoạt động quản lý nhà nước về giao thông đường bộ.