- Những ngày qua, hẳn nhiều người đã nghe nói đến việc Liên minh châu Âu (EU) đang chuẩn bị có những động thái về hoạt động gắn liền với các công ty công nghệ hàng đầu thế giới gồm Apple,Google và Meta (Big Tech). Cụ thể là về một đạo luật có tên là DMA (Digital Markets Act - Đạo luật thị trường kỹ thuật số) mà Ủy ban Châu Âu đã chuẩn bị nghiêm ngặt trong suốt thời gian vừa qua. Mới đây, trang tin công nghệ của Mỹ là The Verge đã thông tin rằng, Đạo luật nêu trên có thể có những thay đổi cho đến mùa Xuân năm 2023.
Phó chủ tịch điều hành của EU - Bà Margrethe Vestager đã bày tỏ quan tâm đến việc kiểm soát (hoặc ít nhất là phạt tiền nếu không thể kiểm soát được) những gã khổng lồ công nghệ như Apple, Google, Amazon, Meta và nhiều hãng khác bằng Đạo luật DMA. Trước đây, bà Margrethe dự kiến “cuộc chiến” sẽ bắt đầu vào tháng 10 tới đây, nhưng nhiều khả năng sẽ thực thi vào mùa Xuân năm sau. Như vậy, “cuộc chiến” giữa EU và Big Tech hoàn toàn phụ thuộc vào thời điểm DMA sẽ được triển khai. Luật hiện đang chờ Hội đồng và Nghị viện EU thông qua.
Tuy nhiên, EU đang chuẩn bị thực thi các luật mới. Cụ thể, luật mới tập trung vào cái gọi là các công ty gác cổng, vốn đã đề cập trước đó. Công ty “gác cổng” cần phải có vốn hóa thị trường (hay nói cách khác là phải có giá trị cổ phiếu) trên 75 tỷ Euro (khoảng 82 tỷ USD) và sở hữu một nền tảng mạng xã hội hoặc ứng dụng có ít nhất 45 triệu người dùng hàng tháng.
Các công ty thuộc Big Tech có thể bị phạt tới 10% tổng doanh thu trên toàn thế giới (trong năm trước đó) nếu không tuân thủ các quy tắc của Đạo luật. Đối với những hãng tái phạm, mức phạt có thể tăng lên 20%.
Vì vậy, các công ty thuộc Big Tech sẽ có ba tháng để tuyên bố tình trạng của họ với EU, và sau đó họ sẽ phải đợi thêm 02 tháng để được tổ chức này xác nhận. Như vậy, sẽ mất khá nhiều thời gian để cơ chế khổng lồ bắt đầu hoạt động, những tranh cãi sẽ là điều không tránh khỏi và thời gian có thể sẽ kéo dài.
EU còn rất nhiều việc phải làm trước đó để công lý được thực thi như thuê các nhân viên, phân tích một khối dữ liệu khổng lồ. Tuy nhiên, khi DMA được thông qua, có thể sẽ đánh dấu sự kết thúc của một kỷ nguyên xảy ra nhiều tranh chấp. Có thể bạn chưa nghe về DMA, nhưng đây là luật có thể buộc Apple cho phép người dùng tải xuống các ứng dụng từ bên ngoài App Store (một khả năng khiến Tim Cook lo lắng về bảo mật của iPhone), cũng như yêu cầu WhatsApp và iMessage trở nên tương thích với các ứng dụng trò chuyện nhỏ hơn.
Điều đáng nói, quá trình tải xuống ứng dụng trên iPhone từ bên ngoài App Store (Sideloading) được cho là thay đổi lớn nhất mà DMA sẽ áp dụng cho Apple. Trước đó, Apple đã đưa ra lo ngại rằng điều này sẽ làm suy yếu khả năng bảo mật của iPhone. Trong khi, người dùng Android đã có thể tải ứng dụng trong một thời gian khá dài.
Mặt khác, một nguyên nhân thậm chí còn khiến Apple đau đầu hơn cả là DMA sẽ khiến hãng này cho phép khách hàng của App Store thực hiện thanh toán trong ứng dụng thông qua các nền tảng thanh toán thay thế (bạn có thể đã nghe nói về thuế Apple khét tiếng, mà Apple lấy khoảng 30% từ các nhà phát triển khi thanh toán được thực hiện qua App Store).
Với tất cả những thông tin trên, sẽ khá thú vị khi thấy DMA hoạt động và những thay đổi nào mà các ông lớn công nghệ lớn sẽ phải thực hiện (và liệu họ có tuân thủ hay không), câu trả lời còn ở tương lai.
Hải Linh (tổng hợp)